Cùng thời gian này tại Thành phố Hồ Chí Minh lớp viết “Ngồi xuống viết chơi” cũng nhận được hưởng ứng “ngoài mong đợi”. Khác với “Tản văn mùa hạ”, “Ngồi xuống viết chơi” tập trung vào việc hướng dẫn người viết sao cho đơn giản thoải mái nhất để nắm bắt ý tưởng, ghi lại những câu chuyện, suy nghĩ và cảm xúc cũng như có cơ hội thả lỏng và chữa lành những cảm xúc tiêu cực vô tình tích tụ trong cuộc sống. Xu hướng dùng nghệ thuật “chữa lành” đã được áp dụng phổ biến trong hội họa, âm nhạc, nhảy, diễn… và đều thu được những kết quả rất khả quan. Trên thế giới và đối với những người viết chuyên nghiệp, việc dùng câu chữ để giải tỏa, tìm vui, tìm ý nghĩa sống đã không còn mới mẻ. Anne Frank đã viết: “Tôi có thể vứt bỏ tất cả khi tôi viết; những nỗi buồn biến mất, dũng khí của tôi như hồi sinh”. Còn đối với Paolo Coelho: ”Nước mắt và ngôn từ cần phải được viết ra”. Cho nên, những người tổ chức cũng không ngạc nhiên nhiều khi các học viên có thể “buông bỏ” sau các khóa viết ngắn hạn, có khi chỉ trong vòng tám tiếng đồng hồ.
Có học viên chia sẻ: “Ở lớp học này, mình không học gì cao siêu cũng chẳng có gì hứa hẹn, vẽ vời bạn sẽ trở thành một hot blogger hay cây bút tiềm năng… Chỉ đơn giản là viết. Nghĩ gì viết đó, viết không ngừng nghỉ. Không quan tâm nhiều đến con chữ, lỗi chính tả. Bọn mình được quan sát nhau nhiều hơn, miêu tả nhau bằng con chữ, nói cho nhau nghe về suy nghĩ của bản thân với người bạn được bắt cặp. Khi ngồi nghe câu chuyện của người khác và khi được kể câu chuyện của mình, mình đã bật khóc. Thật sự là mình không nghĩ rằng mình sẽ khóc khi kể câu chuyện ấy. Cô bé ở bên cạnh đã vỗ vai mình, đưa khăn giấy và cầm tay mình để mình bình tĩnh trở lại. Mình nhận ra, thật tuyệt vời khi chúng ta có thời gian để ngồi nghe câu chuyện của những người xung quanh…”.
Bên cạnh những người đi học viết cho vui, một số khác, thực sự muốn học viết để dấn thân theo con đường chuyên nghiệp. Một học viên đã từng kinh qua “hai nấc học” tổng kết: “Bắt đầu, nên đi theo mấy khóa của Sakédemy, họ sẽ khai phá cho mình những kỹ năng ban đầu. Hơn nữa, các thầy ở đây đa phần trẻ nên lớp có một không khí thanh xuân rất phấn chấn. Tốt nghiệp ở Sakédemy rồi thì đăng ký tiếp ở Hội Nhà văn hoặc Đại học Văn hóa học nâng cao. Cũng đều là khóa ngắn hạn thôi, nhưng ở hai nơi sau thì học được nhiều kỹ thuật hơn, cũng có vẻ “chính thống” hơn”.
Tính đến nay, Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du của Hội Nhà văn đã mở được 11 lớp bồi dưỡng viết văn. Khoa Viết văn - Báo chí của Đại học Văn hóa Hà Nội cũng mở được gần 10 khóa dạy viết ngắn hạn. Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn hóa nghệ thuật Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam- nhấn mạnh: “Sau khóa học, các học viên phải chấm dứt giai đoạn nghiệp dư, chuyển sang chuyên nghiệp. Bởi đây là đội ngũ hùng hậu sẽ trở thành hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam trong tương lai”. Cho nên, giữa những người mới viết với nhau, không hiếm lạ lời động viên: “đăng ký học viết ở Trung tâm Nguyễn Du, đường vào Hội sẽ rộng cửa hơn”?
Có hai đối tượng đi học. Một là những người đã viết rồi nhưng chưa tham gia hội hè nào. Hai là những người mới biết đến văn chương, họ muốn học cách yêu văn chương và muốn bày tỏ. Với đối tượng thứ nhất, học xong họ tiến bộ vượt bậc. Khá nhiều trường hợp vài năm sau đã vào Hội nhà văn hay vào Hội tỉnh thì rất nhiều. Với đối tượng thứ hai, thường học viên mỗi khóa học đều có một fanpage riêng, nên đa số đều tự tin thể hiện các bài viết của riêng mình.
Đối với những người tham gia khóa học viết văn chỉ với nhu cầu “học để chữa trị tinh thần”, thì các lớp viết văn là nơi giúp họ có thể bộc lộ được bản thân mình qua trang viết. Một hạn chế có tính dân tộc là người Việt Nam ngại biểu lộ con người mình trước đám đông, lời nói, hành động hoặc chữ nghĩa. Và lý do thứ hai để học viết là họ muốn hiểu được những tác phẩm của các nhà văn khác. Lớp học này dành cho rất nhiều đối tượng, người làm nghề kế toán, lái xe, thiết kế, kỹ thuật viên, bác sĩ … Một nhu cầu học viết văn thật chính đáng dễ thương.
Trần Linh tổng hợp