Tình yêu trong thơ Xuân Diệu
Xuân Diệu ca ngợi tình yêu với nhiều cung bậc và nói đến tình yêu trong bề sâu gần như không cùng của những đam mê và khao khát:
Uống xong lại khát là tình
Gặp rồi lại nhớ là mình của ta
Trong nét riêng, có thể nói là đặc thù của nó, tình yêu không lẫn vào bất cứ trạng thái tình cảm nào khác:
Thôi đã hết hờn ghen và giận dỗi
Được giận hờn nhau, sung sướng bao nhiêu!
Trong say đắm và đam mê, Xuân Diệu là người có lẽ là duy nhất đem lại cho ta cảm giác ngây ngất của tình yêu trong sự tìm đến để giao hòa hai tâm hồn, hai thể xác – dẫu vậy, ông vẫn giữu được giới hạn tận cùng của nó, để không đi tới sự trụy lạc và phóng túng hình hài:
Hãy sát đôi đầu, hãy kề đôi ngực
Hãy trộn nhau đôi mái tóc nắng dài
Những cánh tay hãy quấn riết đôi vai
Hãy dáng cả tình yêu lên sóng mắt
Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt
Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng
Trong say sưa anh sẽ bảo em rằng:
Gần thêm nữa, thế vẫn còn xa lắm!
Thế nhưng, chỉ có niềm vui, những khát khao và thỏa mãn vẫn là chưa nói được gì nhiều về tình yêu bằng những khắc khoải của đợi chờ và lo lắng, của buồn thương và thất vọng, của đau khổ và tuyệt vọng…
Tương tư ăn phải miếng mồi
Đứng đi trên lửa, nằm ngồi trong sương.
Có tình yêu nào lại không phải là sự cùng dâng cao cả hai ngọn triều: hạnh phúc và đau khổ như trong tất cả những bản tình ca của nhân loại từ xưa đến nay, qua những Romeo và Juliette, Othello và Desdemona, Kiều và Kim Trọng, cho đến Tố Tấm và Đạm Thủy… Nỗi khổ của người được yêu được thể hiện qua thơ Xuân Diệu đã gắn với những người đang yêu từ thế hệ này sang thế hệ khác:
Yêu là chết trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu
Cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu
Người ta nhận hoặc thờ ơ chẳng biết!
Thơ tình Xuân Diệu đã nói lên tất cả cung bậc, nỗi niềm của người đang yêu như sự thờ ơ và xa lạ trong tình yêu:
Hàng ngày em nói bao lời
Với cha, với mẹ, với người chung quanh
Với đường phố, với cây xanh
Sao em không nói với anh một lời?
hay sự vô tình và phụ bạc trong tình yêu mượn tứ thơ “nước đổ lá khoai”, Xuân Diệu viết:
Lòng ta như một cơn mưa lũ
Đã gặp lòng em là lá khoai.
Phải chăng trong cuộc đời riêng, Xuân Diệu là người khao khát yêu nhưng lại ít được bù đắp, nên tình yêu trong thơ ông hiện ra nhiều hơn, đậm nét hơn trong day dứt, vật vã và đau khổ. Ông đã phải chịu đựng gần như tất cả sự thờ ơ, sự vô tâm, sự vô tình, sự không chung thủy, sự phụ bạc… Tình yêu, đối với nhà thơ, do vậy, có lúc gần như là một tiếng khóc uất:
Tôi một mình đối diện với tình không
Để lắng nghe tiếng khóc uất trong lòng.
Hơn thế, còn là cả một vết thương lòng không chỉ xót xa mà còn chảy máu:
Nhớ em như một vết thương
Trong lòng, như vỡ mảnh gương trong lòng
Tay cầm cốc thủy tinh trong
Trong tay bóp nát máu ròng ròng sa
Em là vui sướng của ta
Nhớ thương vô tận em là nỗi đau.
Như vậy có thể nói, tình yêu là nơi cái tôi trữ tình của Xuân Diệu được bộc lộ một cách trọn vẹn: một cái tôi khao khát yêu, yêu từ khi chưa có tuổi và yêu cho đến chết; một đời yêu và suốt đời yêu; hạnh phúc vì yêu và đau khổ cũng vì yêu. Dường như không có gì khẳng định sự tồn tại của nhà thơ Xuân Diệu hơn thơ tình của ông. Mối dây liên kết giữa nhà thơ với thế gian này cũng vẫn chính là tình yêu:
Tôi đã yêu từ khi chưa có tuổi
Lúc chưa sinh vơ vẩn giữa dòng đời
Tôi đã yêu khi hết tuổi rồi
Không xương vóc chỉ huyền hồ bóng dáng.
Cả một đời yêu rút lại chỉ là hư vô, tuyệt vọng, Xuân Diệu đã có lúc đành chỉ biết van vỉ, nài xin:
Và hãy yêu tôi một giờ cũng đủ
Một giây cũng cam, một phút cũng đành
Nhưng xem ra nhà thơ chưa bao giờ có được hạnh phúc đích thực. Thôi thì đành tìm hạnh phúc trong tưởng tượng. Tưởng tượng ở nơi người trần và có trong cõi trần. Và nếu cõi trần không có, khó có, thì tưởng tượng tìm sang cõi âm:
Hồn đông thế tôi sợ gì cô độc
Ma với nhau thì ôm ấp cùng nhau
…
Kẻ đa tình không cần đủ thịt da
Khi chết rồi thì tôi sẽ yêu ma.
Niềm vui sống qua áng thơ Xuân Diệu thật là mặn mà, đằm thắm, đặc biệt là khi con người nảy nở tình yêu, khi con người có nhu cầu hướng tới đối tượng yêu, để cho sự kết hợp có thể nói là kỳ diệu đó làm nhân lên mọi năng lượng sống, làm nên những bản tình ca trở nên bất hủ trong văn học thơ ca, làm giàu cho đời sống tinh thần của con người.
Trần Duy tổng hợp