Đền Voi Phục - một di sản văn hoá quý báu của thủ đô Hà Nội
Đền Voi Phục thờ Thánh Linh Lang triều Lý. Sở dĩ có tên gọi Voi Phục là vì đền có hình tượng con voi đá tư thế quỳ phục (tuy nhiên hiện nay cổng đền chỉ còn 2 con voi đá nhỏ, tư thế đứng, có thể 2 con voi này được tạc sau này), biểu tượng lúc voi quỳ xuống mời Hoàng tử cưỡi lên để xông ra mặt trận. Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì khu vực đền Thuỵ Khuê thời Lý là điện Thuỵ Chương. Khi thấy điện bị huỷ hoại, dân địa phương nhân nền cũ dựng đền thờ thánh Linh Lang.
Sự tích viết về Linh Lang đã được ghi chép trong nhiều sách. Truyền thuyết dân gian cũng nói rất nhiều. Có thể tóm tắt như sau: Vào triều Lý (đời Lý Thái Tông), một hôm nhà vua cùng các quan trong triều đi du ngoạn hồ Dâm Đàm (Hồ Tây) và Bồng Lai. Đức vua gặp một thiếu nữ xinh đẹp như đoá hoa mười phần xuân sắc tên là Cảo Nương. Vua rất yêu mến bèn sai người đến đưa nàng về cung, lập làm thứ phi và xây dựng điện ở ven hồ Dâm Đàm thuộc phường Thuỵ Chương để nàng ở.
Một hôm phi đi tắm ở hồ Tây bị con giao long quấn lấy sau mang thai. Vào ngày 13 tháng Chạp năm Kỷ Tỵ (1029), nàng sinh được một Hoàng tử khôi ngô tuấn tú. Đức vua rất vui mừng và đặt tên cho chàng là Hoàng Lang.
Năm Thiên Cảm Thánh Vũ thứ nhất (1044) Hoàng Lang đã tinh thông võ nghệ. Bấy giờ có giặc Chiêm Thành sang xâm lược nước ta. Thần theo vua cha đi đánh giặc, tiến đến kinh đô Đồ Bàn, giết được vua Chiêm, quân địch tan tác, bỏ chạy tán loạn.
Năm 1069, thần lại theo vua Lý Thánh Tông tiến quân đánh xuống phía nam, diệt giặc Trình Vĩnh.
Năm Đinh Tỵ (1077) quân Tống lại đem quân xâm lược nước ta. Thái uý Lý Thường Kiệt, tổng chỉ huy các lực lượng bộ binh, thuỷ binh, giao cho Hoàng tử đảm nhiệm lực lượng thuỷ binh tiến quân tiêu diệt cụm quân của Chánh tướng Quách Quỳ ở Phả Lại, đánh ngược lên phía bắc cùng phối hợp với đạo quân của Lý Thường Kiệt phản công mạnh mẽ, tiêu diệt phần lớn quân địch của Phó tướng Triệu Tiết… Khải hoàn trở về, Hoàng tử được nhà vua phong thưởng rất nhiều. Nhưng Hoàng tử đã đem phần thưởng đó phân phát cho dân, chàng chỉ xin nhà xua cho tung cờ lên, cờ bay đến đâu thì làm nhà ở đó. Cờ bay đến trại Thủ Lệ, vua cho xây cung điện ở đó cho Hoàng tử ở. Ít lâu sau, thần không bệnh mà hoá (ngày 12 tháng 2 âm lịch), nhà vua phong cho Hoàng tử là Linh Lang Đại Vương. Sắc phong cho hai làng Thuỵ Khuê và Thủ Lệ lập đền thờ thần làm thành hoàng.
Hiện nay, di tích còn bảo lưu lễ hội gắn liền với sự tích của vị thần Linh Lang. Lễ hội hằng năm được tổ cức một năm hai lần vào ngày sinh và ngày hoá của thần. Ngày sinh của thần là ngày 13 tháng 12 (âm lịch), lễ vật thường là lễ tam sinh: trâu, lợn, dê cùng các thứ hoa quả để cúng thần. Ngày thần hoá là ngày 12 tháng 2 âm lịch, mở hội đền trong ba ngày, lễ vật cũng dùng lễ tam sinh. Trong những ngày hội đền, thường tổ chức rước long ngai, bài vị từ Thủ Lệ sang Thuỵ Khuê (tổng Cả và là nơi sinh của thần).
Đền Thuỵ Khuê chắc chắn có từ rất lâu và được sửa chữa nhiều lần. Theo tấm bia cổ nhất còn trong đình được dựng năm Vĩnh Tộ thứ ba (1621) thì biết: “Đền trước đó nguy nga có tiếng là thiêng, vua nhân cầu đảo thấy ứng nghiệm, cho quan đến tu sửa và cấp cho 20 mẫu ruộng…”.
Sang thời Nguyễn, ngôi đền lại được trùng tu sửa chữa nhiều lần. Kiến trúc hiện nay mang đậm dấu ấn của phong cách kiến trúc thời Nguyễn.
Tổng thể mặt bằng kiến trúc của di tích được bố cục theo dạng chữ đinh, ngoài cùng là tam quan, qua khoảng sân nhỏ dẫn đến đền chính gồm tiền tế và hậu cung.
Tam quan đền là nếp nhà ba gian, xây gạch, phía trước có các cửa kiểu bức bàn, dưới là 4 hàng cột, bộ vì làm kiểu “chồng rường” chắc chắn, vững chãi, sát hai bên hồi, đắp hai tượng hộ pháp, bên ngoài sát đường đặt hai con voi đá.
Qua khoảng sân nhỏ là bậc tam cấp bằng đá xanh mịn dẫn ta vào tiền tế. Toà tiền tế gồm 5 gian, vì kèo làm kiểu “chồng rường giá chiêng”, dưới là 4 hàng cột, hai vì hồi chạm hai mặt hổ phù, hổ mắt lồi vẽ dữ tợn phản ánh ý thức cầu được mùa của cư dân nông nghiệp. Trên các bức cốn đầu dư, được chạm khắc nhiều đề tài: rồng, mây, hoa, lá… trông khá thanh thoát. Gian chính giữa treo đôi câu đối ca ngợi công tích của thần. Hai gian sát hồi được gắn nhiều bia đá, đó là những bai ghi việc trùng tu sửa chữa đền.
Hậu cung gồm ba gian, cũng giống như toà tiền tế, đều xây theo kiểu tường hồi bít đốc, theo kiểu duy nhất: “chồng rường giá chiêng”. Hai bên hồi cũng trang trí hổ phù, hoa văn hình học, tứ linh tứ quý. Trên cao chính giữa hậu cung là long ngai, bài vị viết “Linh Lang Đại Vương thượng đẳng thần”. Bên cạnh đặt một bát hương bằng đá hình vuông. Mặt chính diện chạm hổ phù, hai mặt bên chạm lưỡng long chầu nguyệt. Đây là hiện vật quý thể hiện nghệ thuật tạo hình thời Lê. Trong đền còn tấm bia cao 92cm, rộng 61cm, dày 10cm, được đặt trên thân rùa, bốn mặt đều khắc chữ Hán. Đây là một di vật quý giúp chúng ta tìm hiểu về nguồn gốc của ngôi đền cũng như quá trình trùng tu, sửa chữa.
Qua nhiều biến động của lịch sử, ngôi đền còn may mắn bảo lưu được một số di vật có giá trị cao. Ngoài sáu bia đá, di tích còn bảo lưu được long ngai, bài vị, cửa võng, bát bửu, kiệu, hoành phi, câu đối được sơn son thiếp vàng lộng lẫy với nội dung ca ngợi công tích của thần. Đặc biệt bậc tam cấp vào đền vẫn còn 4 phiến đá tạc hình tượng rồng, với những nét chạm khắc thanh thoát, phóng khoáng. Vây rồng chạm cách điệu hình hoa lá uyển chuyển sống động. Đây là những con rồng đá thời Lê.
Cùng với những giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, đền Voi Phục Thuỵ Khuê thực sự là một di sản văn hoá quý báy của thủ đô Hà Nội. Ngôi đền không chỉ là nơi để khách hành hương đến thăm, tế lễ, mà còn là nơi được các nhà nghiên cứu chú ý.
Bích Ngọc tổng hợp