Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 20/07/2017 10:23
Dạy con có cách nhìn đúng đắn về tiền bạc qua quan niệm của nhà giáo dục thiên tài người Đức Carl Vitte

 Carl Vitte là một thiên tài nổi tiếng của nước Đức thế kỷ XIX. Dưới sự dạy bảo khoa học của cha mình, năm 8, 9 tuổi ông đã biết sử dụng 6 ngoại ngữ, 9 tuổi vào đại học, 14 tuổi ông đã đạt được học vị giáo sư triết học. Sau đó ông làm công tác giảng dạy ở trường đại học. Khi về già đã viết tác phẩm “Cách giáo dục với Carl Vitte” làm bằng chứng cho quan niệm dạy dỗ của mình. Các bạn hãy tham khảo câu chuyện dưới đây của Carl Vitte để có cách nhìn đúng đắn về tiền bạc. Đây cũng là một tham khảo hữu ích trong cách dạy con trẻ có cái nhìn đúng đắn về tiền bạc.

 

Trong xã hội, có một quan điểm tưởng như rất thanh cao, đó là không nhắc đến vấn đề tiền bạc trước mặt con cái. Nhất là cha tôi lại là một mục sư. Người bình thường chắc sẽ cho rằng, một người cha như vậy không thể bàn luận vấn đề tiền bạc với con cái mình. Nhưng sự thật hoàn toàn trái ngược. Từ lúc tôi bắt đầu hiểu chuyện, cha đã nói với tôi về tiền. Cha tôi cho rằng, sớm hay muộn trẻ cũng phải đối mặt với vấn đề tiền bạc, đã không tránh được thì nên dạy con sớm hiểu được giá trị của đồng tiền.

         

Trong cuốn “Cách giáo dục với Carl Vitte”, cha đã ghi lại một chuyện thế này: “Có một lần, cha nhắc đến việc giáo dục về tiền bạc của mình với một người bạn. Mục sư này không cho là như vậy. Ông cho rằng, tiền bạc là căn nguyên của mọi tội ác. Vì trẻ con chưa trưởng thành, không thể tránh được sự cám dỗ của đồng tiền nên cố gắng tránh nhắc đến tiền trước mặt chúng càng ít càng tốt, để bảo vệ tâm hồn trong sáng của chúng. Cha lại cho rằng, bản thân tiền bạc không có gì là xấu, càng không thể là nguồn gốc của mọi tội ác. Nguyên nhân làm cho con người rơi vào tội ác đó chính là dục vọng do chính họ tạo ra.

         

Mục sư kia nói: “Theo tôi, giáo dục về tiền bạc cho trẻ chỉ làm cho chúng thêm ích kỷ và tham lam.”

         

“Không”. Cha nói: “Chỉ có cách dạy sai lầm mới tạo nên hậu quả như vậy. Tôi thấy chỉ cần có phương pháp giáo dục đúng đắn, tiền bạc thật sự còn là một cuốn giáo trình có giá trị, không những làm cho trẻ biết cách sống tốt hơn mà còn nâng cao giá trị tinh thần của chúng. Kiếm tiền, mưu sinh là việc chúng phải đối mặt khi trưởng thành. Năng lực của một đứa trẻ như thế nào sẽ liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của chúng. Dạy cho chúng biết giá trị của tiền bạc sẽ giúp chúng nhận ra một điều: Tiền là thứ không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, nhưng ta cũng không thể vì dục vọng mà sẵn sàng làm mọi việc trái với nguyên tắc đạo lý làm người của mình, cũng không nên nhìn nhận sai lệch giá trị của chúng.

         

Vị mục sư nói với cha: “Ông nói cũng có lý”. “Vậy, nội dung giáo dục cụ thể của ông là gì?”.

         

“Đầu tiên, phải có cách nhìn đúng đắn về tiền, sau đó sẽ là làm sao sử dụng chúng vào đúng mục đích. Nếu không làm được hai điều này, con người sẽ cảm thấy rất mệt mỏi vì tiền, thậm chí có thể biến thành nô lệ của tiền bạc và trở thành kẻ thất bại, xung quanh ta có bao nhiêu người giàu có nhưng lại trở thành nô lệ của tiền bạc, bao nhiều người vì hoang phí vô độ mà dẫn đến phá sản. Tôi tin rằng, chỉ cần dạy dỗ trẻ một cách đúng đắn, những bi kịch này sẽ hạn chế được rất nhiều”.

         

Nếu cha mẹ không dạy cho con cái những kiến thức liên quan đến tiền, chúng sẽ không trân trọng công sức của cha mẹ bỏ ra để kiếm được đồng tiền. Chúng cũng không quan tâm đến điều kiện kinh tế gia đình, chỉ quan tâm đến việc có thể xin được bao nhiêu tiền tiêu vặt từ cha mẹ. Như vậy, sẽ khiến cho trẻ trở nên ích kỷ, coi tiền bạc làm cơ sở của hạnh phúc. Những đứa trẻ như vậy, khi mất đi sự trợ giúp kinh tế từ phía gia đình sẽ cảm thấy thế giới xung quanh mình như sụp đổ hoàn toàn.

         

Tôi và Marcaly đều có một mức lương tương đối, điều kiện cuộc sống của chúng tôi cũng tốt hơn thế hệ cha mẹ rất nhiều. Cha vẫn viết thư nhắc nhở tôi: “Tiền có sức mạnh làm dao động lòng người, biết bao người vì tiền mà mất đi sự lương thiện, lòng chính trực. Bởi vậy, khi đã kiếm được tiền, con phải dùng thái độ đúng đắn để nhìn nhận nó, phải biết khống chế mình trước sức cám dỗ của nó. Như vậy, mới có được cái tâm lương thiện”.

         

Thư của cha làm tôi nhớ lại một câu chuyện năm lên 9 tuổi. Lúc đó thi đậu vào trường đại học, để giải quyết vấn đề học phí, tôi đã làm quen được với một người. Người này rất có hứng thú với học thức của tôi, đã từng mời tôi đi đến biệt thự mùa hè của ông ta. Trước đó, tôi chỉ biết sống một cuộc sống bình dị, đơn giản. Đây là lần đầu tiên được trải nghiệm cuộc sống của tầng lớp quý tộc. Ngôi biệt thự này có kiến trúc kiểu rất độc đáo. Bên trong trang hoàng lộng lẫy, thường là nơi tổ chức các buổi dạ hội, khiêu vũ, thật là hoa lệ, xa xỉ.

         

Ông có một đứa con trai bằng tuổi tôi. Tên là Paul. Điều làm tôi kinh ngạc là đứa trẻ chưa đến 10 tuổi này đã sở hữu trong tay một chiếc du thuyền có giá trị. Những ngày tháng sống ở ngôi biệt thự này tôi đã trải qua những ngày tháng xa hoa nhất, tham gia vào các bữa tiệc, đi du thuyền trên biển, thật sự được sống cuộc sống của người quý tộc.

         

Khi trở về nhà, những chủ đề nói chuyện của tôi đều có liên quan đến ngôi biệt thự này. Tôi kể cho người nhà tất cả về cuộc sống xa hoa ở đó. Một hôm kể xong, tôi nói với cha: “Cha ơi, nếu nhà mình cũng có một ngôi biệt thự gần biển thì thật tuyệt!”.

         

Tôi vừa nói dứt lời, cha đã cáu lên. Đủ rồi, Carl! Cha mẹ nghe vậy đủ rồi, con cũng nên tỉnh táo lại đi. Cha cho con hay, biệt thự có thể mua được nhưng cha sẽ không bao giờ mua nó. Giờ cha không muốn nhìn thấy con nữa. Con về phòng đi!

         

Từ trước đến nay, cha tôi không bao giờ to tiếng với tôi. Trước thái độ đó, tôi không dám cãi lại lời cha, chỉ âm thầm về phòng. Ăn tối xong, cha vào phòng tôi. Lúc này ông đã bình tĩnh hơn nhiều.

         

Carl! Con thật sự muốn cuộc sống như vậy sao?

         

“Thật sự” Tôi thật thà đáp: “Con chưa bao giờ được sống cuộc sống đầy đủ, phong phú như vậy. Cha, xin đừng tức giận, con biết chúng ta không nên hướng tới cuộc sống như vậy, nhưng thực sự con cảm thấy được niềm vui trong cuộc sống đó”.

         

“Tốt, ít nhất con cũng đã nói thật điều mà con suy nghĩ trong lòng”. Cha bình tĩnh nói: “Giờ cha hết giận rồi, có thể cha đã quá nóng nảy. Thật sự, rất ít người có thể kháng cự được với sức hấp dẫn của đồng tiền, huống chi con mới chỉ là một đứa trẻ. Nhưng con phải biết nếu một người không chống lại được với hâp dẫn ấy sẽ rất dễ mất đi sự tôn nghiêm, sự tự do, trở thành nô lệ của vật chất. Một người có lý tưởng, hoài bão sẽ biết tìm được niềm vui ngay cả khi họ đang đau khổ. Vì hạnh phúc của người ấy không phải tạo dựng trên nền tảng của tiền bạc. Nếu một người đặt tiền bạc của mình lên trên hạnh phúc thì khi mất hết tiền bạc, họ cũng mất đi hạnh phúc! Con hiểu chứ?

         

Vâng ạ! Con thật sự xấu hổ.

         

Carl, bất kỳ ai cũng đều có lúc thiếu sáng suốt, ham muốn hưởng lạc vốn là bản tính của con người. Nhưng con cũng cần biết thêm, theo đuổi cái đẹp và chính nghĩa cũng là bản tính. Con người khi sinh ra đã tồn tại sẵn hai mặt là thiện và ác. Cuối cùng, trở thành người như thế nào là do anh ta lựa chọn.

         

Con vẫn nhớ câu chuyện ngụ ngôn xưa chứ: “Một anh tiều phu chặt củi bên sông, không cẩn thận đã làm rớt rìu xuống sông. Anh ta rất buồn và chỉ biết ngồi khóc, thần sông hiện lên mang theo một chiếc rìu vàng, anh ta nói không phải của anh ta. Lần thứ hai, là một chiếc rìu bạc, vẫn không phải. Đến lần thứ ba, chính là chiếc rìu bị rơi xuống sông. Anh tiều phu vui mừng khôn xiết. Vị thần thực sự cảm động trước bản tính thật thà của tiều phu liền cho anh cả chiếc rìu vàng và rìu bạc. Con có biết điều gì là đáng học hỏi nhất ở người tiều phu không?”.

         

“Đó là sự thật thà cha ạ!”

         

“Đương nhiên, thật thà là một phẩm chất cao quý của con người. Con không thiếu đức tính này vì khi nãy con đã trả lời cha rất thành thật. Điều con thiếu lúc này là sự bình tĩnh, tĩnh tâm trước sức hấp dẫn của đồng tiền. Đây chính là điều đáng học hỏi từ câu chuyện kể trên. Nếu biết bảo vệ sự tôn nghiêm của mình trước đồng tiền, sẽ làm cho người khác kính trọng và nể phục. Người như vậy sẽ dễ thành công trong sự nghiệp”.

         

“Cha có phải là người như vậy không ạ?” Tôi hỏi.

         

“Carl cha là một mục sư nghèo, không mua được những thứ xa xỉ và cũng chưa từng có ý nghĩ sẽ sở hữu chúng. Đối với cuộc sống hiện tại, cha đã rất thoả mãn rồi.”

         

Hôm đó, cha đã cho tôi hiểu rõ được nhiều điều, về giá trị của cuộc sống bình dị, cho tôi thật nhiều sức mạnh, giúp tôi trụ vững được trước những sức cám dỗ của tiền bạc, theo đuổi những hạnh phúc lớn hơn và có giá trị hơn là cuộc sống xa xỉ.

 

         

Có thể thấy, qua câu chuyện của Carl Vitte, tiền bạc có một sức mạnh ghê gớm, nó có thể bào mòn lương tâm, làm cho con người trở nên tàn ác khôn lường. Nó đồng thời cũng là thiên sứ, chỉ khi chúng ta dùng nó một cách đúng mực mới có thể giúp nhiều người hạnh phúc hơn. Chúng ta nên có những quan niệm đúng đắn về tiền ngay từ khi còn nhỏ, làm cho tiền bạc của mình đóng góp làm một phần cho sự phồn thịnh của nhân loại.

 

Sơn Nam tổng hợp

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)