Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 11/08/2017 04:21
Người anh hùng thầm lặng

 (Hướng đến kỷ niệm 72 năm ngày truyền thống Công an nhân dân -19/8/1945-19/8/2017)

 

 “Con người ta chỉ có một cuộc đời, không thể có một cuộc đời thứ hai, vì thế không thể có chữ “nếu”. Với lý tưởng cũng như tình yêu người ta chỉ được phép lựa chọn một lần cho mãi mãi…”. Và chính sự “lựa chọn một lần cho mãi mãi mãi” đó đã làm nên câu chuyện về cuộc đời của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức (bí danh Ba Quốc) - người con anh hùng của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.

 

Đặng Trần Đức sinh năm 1922, trong một gia đình nông dân nghèo ở một làng ven đê sông Hồng thuộc xã Thanh Trì, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Năm 23 tuổi chàng thanh niên Hà thành đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, tham gia phong trào Việt Minh. Sau Cách mạng tháng Tám ông được bầu làm chủ tịch Ủy ban nhân dân lâm thời xã Thanh Trì, huyện Thanh Trì. Tháng 12-1945 ông tham gia đoàn Thanh niên cứu quốc rồi được tuyển vào Đội công an xung phong Hà Nội phụ trách việc truy nã và trấn áp những kẻ phản động, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ của nước ta. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ ông làm trưởng đoàn mặt trận Khâm Thiên, chiến đấu chống Pháp được một tháng thì ông được lệnh rút vào Đô Lương (Nghệ An) làm trưởng khu Đức Hòa giúp nhân dân Hà Nội tản cư về Khu 4. Có lẽ những năm tháng tản cư ngắn ngủi đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong thời tuổi trẻ sôi nổi của ông. Niềm vui hạnh phúc lứa đôi vừa chớm nở, đứa con đầu lòng mới chào đời chưa tròn một tháng thì tháng 5-1949 Đặng Trần Đức được tổ chức (Sở Công an Hà Nội) điều về Hà Nội để bắt đầu làm nhiệm vụ hoạt động tình báo. Ông trở về Hà Nội với danh nghĩa một người hồi cư tìm vợ con bị thất lạc. Cùng đi với ông khi đó là một người tên Đặng Văn Hàm (sau này ông mới biết ông Hàm cũng ở trong Việt Minh, được tổ chức cử đi cùng để giúp ông tạo quan hệ) - con rể Đàm Y - Quận trưởng Quận 1 (khu Hàng Trống). Đàm Y là tay chân đắc lực của Tổng trấn Bắc Việt Nghiêm Xuân Thiện. Thông qua mối quan hệ này Đặng Trần Đức đã tạo được cảm tình và gây dựng được niềm tin với Đàm Y. Bằng cách đó ông đã bước chân vào cơ quan công an của Pháp tại Hà Nội và bắt đầu tạo vỏ bọc cho hoạt động tình báo của mình. Đây là khoảng thời gian ông cảm thấy “khó khăn và cô đơn nhất” như sau này ông kể lại, bởi lẽ ông không bắt được liên lạc với tổ chức mặc dù rất cố gắng. Mãi ba năm sau ông mới bắt được liên lạc với tổ chức, và khi đó ông mới biết tin vợ con cũng đã được tổ chức đưa vào nội thành Hà Nội. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, cuộc gặp gỡ do tổ chức bố trí diễn ra ngắn ngủi và bí mật với những cung bậc cảm xúc khác nhau cũng chính là thời khắc ông phải quyết tâm “dứt bỏ” người vợ thân yêu với một đứa con thơ dại và một mầm sống mới manh nha để theo đoàn người di cư vào Nam tiếp tục hoạt động.

Để có được vỏ bọc tốt ngõ hầu vượt qua những cửa ải, những con mắt dò xét của bọn an ninh, mật thám Pháp và mạng lưới điệp viên CIA dày đặc của Mỹ, vợ ông - bà Phạm Thị Thanh - đã nén lòng mình, đồng ý cho chồng kết hôn với một người phụ nữ khác là con em của một người có thế lực trong chính quyền địch. Bà lặng lẽ lấy đôi hoa tai là quà cưới của mình đưa cho ông để ông tặng lại vợ hai. Khoảng thời gian xa cách của hai người bắt đầu từ đây, bà Thanh âm thầm quay về nuôi hai đứa con nhỏ với thân phận một người phụ nữ bị chồng bỏ lại để di cư vào Nam.

Khi vào Nam hoạt động tình báo quân sự, Đặng Trần Đức xác định phải hoàn thành tốt nhiệm vụ. Để có thể làm được việc đó ông phải “leo” thật cao, “chui” thật sâu vào bộ máy cơ quan tối cao của địch. Tuy nhiên, điều đó không đơn giản. Ban đầu ông làm việc ở Nha Công an Nam phần với công việc kế toán. Tại đây Đặng Trần Đức bắt đầu làm quen với “những người máu mặt” trong chính quyền Ngô Đình Diệm. Bằng nhiều cách, ông đã tiếp cận được mục tiêu quan trọng nhất là Ban Công tác đặc biệt của Phủ Tổng thống do tên trùm mật vụ khét tiếng, cánh tay phải của Ngô Đình Nhu là bác sĩ Trần Kim Tuyến cầm đầu. Ông tìm cách tiếp cận với Trần Kim Tuyến qua Kiều Văn Lân - chủ nhiệm báo Tự do và là bạn thân của bác sĩ Tuyến. Sự thông minh, khéo léo trong các mối quan hệ đã giúp ông có một chân trong Sở Nghiên cứu chính trị xã hội của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ông đã tạo được sự tín nhiệm và niềm tin tưởng tuyệt đối của Trần Kim Tuyến. Chính bác sĩ Tuyến sau khi được bổ nhiệm làm giám đốc Sở Nghiên cứu chính trị xã hội đã nói với Đặng Trần Đức rằng “Anh là trường hợp đặc biệt”. Bởi lẽ không dễ vào được Ban Công tác đặc biệt của chính phủ, nhất là đối với những người “ngoại đạo” như Đặng Trần Đức.

Đây chính là thời kỳ nhà tình báo chiến lược Đặng Trần Đức hoạt động tích cực và hiệu quả nhất. Dưới vỏ bọc của một công chức tận tụy, chu đáo và mẫn cán ông đã tạo được lòng tin đối với Trần Kim Tuyến. Hàng ngày ông vừa tranh thủ tìm hiểu những điểm mạnh, yếu của cơ quan mật vụ tổng thống, đồng thời chú ý đến những sự việc, mối quan hệ phe phái trong chính quyền Ngô Đình Diệm với Mỹ. Tất cả những thông tin quý báu mà ông thu được đã mang đến cho ta những quyết định về mặt sách lược và chiến lược hết sức quan trọng. Trong rất nhiều điệp vụ mà ông thực hiện thành công phải kể đến cuộc giải cứu ngoạn mục đồng chí Trình Văn Thanh - Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định (mà sau này ông mới biết đó là đồng chí Nguyễn Văn Linh) và 9 đặc khu ủy viên khác. Tiếp sau đó là vụ giải cứu thành công ông hoàng Norodom Sihanouk của Campuchia. Một thành công không nhỏ nữa đó là ông phát hiện ra hồ sơ của 7 ổ gián điệp do Mỹ cài trong lực lượng cách mạng của ta ở ngoài Bắc, ông đã nhanh nhẹn, khéo léo chụp ảnh tất cả hồ sơ gửi ra căn cứ của ta.

Bước sang những năm sáu mươi, sau cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm, nhiều nhân vật chính trị, quân sự, sĩ quan tình báo phục vụ đắc lực cho gia đình họ Ngô cũng bị thanh trừng, bác sĩ Trần Kim Tuyến bỏ chạy, Đặng Trần Đức cũng bị bắt. Nhưng Đặng Trần Đức không hề lo sợ, ông phân tích tình hình, dự liệu mọi việc, chuẩn bị kỹ càng để không bị động trước những hình thức tra hỏi của địch. Sự khôn khéo, nhanh nhẹn cùng sự bình tĩnh, mưu trí đã giúp ông vượt qua mọi cuộc tra hỏi, thanh lọc ngặt nghèo của bộ máy mật thám địch. Ông đã vượt qua cuộc chiến cân não với “máy thử nói dối” - một công cụ truy tìm gián điệp hiện đại của CIA. Nhờ vậy mà Đặng Trần Đức đã thoát ra khỏi cơn bão táp chính trị thời kỳ này để tồn tại và luồn sâu vào nội bộ kẻ địch và được bố trí vào làm việc tại Phủ Đặc ủy trung ương tình báo - một trong những cơ quan tình báo chiến lược do CIA trực tiếp đào tạo, chỉ huy, giám sát, điều hành. Trong thời gian này ông đã có những cống hiến to lớn trên cả ba phương diện: phản gián, tình báo chính trị và tình báo quân sự. Chính ông đã báo tin về đường dây 559 dọc theo dãy Trường Sơn của ta đã bị lộ, ông còn biết địch đã theo dõi những diễn biến, sự thay đổi quân số, phương án tác chiến, vị trí đóng quân và các cấp chỉ huy của từng sư đoàn của ta ở những thời điểm khác nhau. Hàng ngàn tài liệu tuyệt mật ông thu được đã góp phần đập tan những chiến dịch lớn, những âm mưu cực kỳ thâm độc của CIA, phá tan 35 ổ tình báo gián điệp Mỹ cài vào hàng ngũ cách mạng của ta.

Đến năm 1974 ông có nguy cơ bị lộ do một giao liên trong đường dây chuyển tài liệu do ông lấy được bị bắt, để bảo vệ ông cấp trên đã quyết định rút ông ra khỏi mục tiêu. Trước khi ra đi ông còn kịp chia tay bạn bè, gặp gỡ những nhân vật quan trọng của các phong trào tôn giáo, đảng phái yêu nước để căn dặn những điều cần thiết. Ông cũng chuẩn bị cho vợ con một kịch bản hoàn hảo để đối phó với các cơ quan của địch khi ông “bỗng dưng mất tích”. Sau đó ông được cấp trên tổ chức cho ra Bắc để gặp lại gia đình sau hai mươi năm xa cách - khoảng thời gian không phải là ngắn để thử thách ý chí và tình cảm con người. Suốt hai mươi năm ấy gia đình ông đã phải sống trên dư luận, trong khó khăn với hy vọng và niềm tin vững chắc vào ngày ông trở về. Niềm tin ấy đã cho họ động lực để sống. Vợ cả của ông, người đã chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng vì lợi ích chung vẫn chờ đợi ông. Bao đau khổ dồn nén, bao yêu thương vỡ òa trong ngày ông trở về. Nhưng thời khắc đoàn tụ quá ngắn ngủi, chỉ một ngày sau ông lại phải quay vào Nam để tiếp quản Phủ Đặc ủy trung ương tình báo Sài Gòn. Nỗi niềm rưng rưng chưa kịp phai, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và tinh thần “quyết tâm bảo vệ Tổ quốc” lại cuốn ông vào trận chiến. Lời hứa “anh sẽ về sớm” với người vợ đã chờ đợi hai mươi năm ông đành lỡ hẹn.

Năm 1975-1978, được sự hậu thuẫn của các thế lực bên ngoài, Pônpốt - Iêng Xari đã tiến hành chiến tranh biên giới với Việt Nam. Tại sao nhân dân Việt Nam đã giúp Campuchia nhiều như thế trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ mà Pônpốt lại ra tay tàn sát dã man nhân dân Việt Nam ở các tỉnh sát biên giới hai nước? Thậm chí chúng còn ra nghị quyết sẵn sàng hy sinh 2 triệu dân Campuchia để hủy diệt 50 triệu dân Việt Nam. Câu hỏi đó đã được Đặng Trần Đức trả lời sớm và chính xác nhất trước Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, giúp Trung ương hiểu rõ tình hình, kịp thời đưa ra chủ trương đường lối đúng đắn về vấn đề Campuchia. Đặng Trần Đức cũng đã phát hiện được cái mới trong quy luật hoạt động của Pônpốt, vì vậy ông đề nghị Trung ương kết hợp biện pháp tình báo và phản gián để xâm nhập vào lực lượng Pônpốt. Chính ông là con át chủ bài trong mạng lưới tình báo của ta trong đội quân Pônpốt, góp phần quyết định trong thắng lợi của quân ta trong chiến tranh biên giới Tây Nam.

Cho đến nay chiến công của Đặng Trần Đức trong chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc và việc bình thường hóa quan hệ với các nước lớn vẫn còn lưu lại. Những người quen biết ông chỉ có thể hé lộ đôi điều và đi đến kết luận rằng: Những đóng góp của ông thời kỳ này nổi bật hơn và có nhiều chiến công đặc biệt lớn lao.

Khi chiến tranh kết thúc, Đặng Trần Đức là điệp viên duy nhất tham gia vào công việc của quân đội với vai trò là cán bộ tình báo. Ông làm Cục trưởng Cục 12, Tổng cục II, Bộ Quốc phòng. Ông là người tiên phong trong việc đặt cơ sở cho lĩnh vực tình báo khoa học công nghệ ở nước ta. Trong công việc ông là người lãnh đạo rất nghiêm khắc nhưng cũng là người hết lòng vì cấp dưới, sẵn sàng truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm mình có, tạo điều kiện để cấp dưới hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Là một tình báo lão luyện, đầy chiến công nhưng trong cuộc sống đời thường ông lại rất khiêm tốn, giản dị. Ông không thích nói nhiều, kể nhiều và ít chia sẻ về cá nhân, chỉ những ai gần gũi thân quen mới hiểu được tấm lòng và con người ông. Những gì mà chúng ta biết về ông hôm nay cũng chỉ là những mảnh ghép nhỏ trong một cuộc đời dài đầy bí ẩn của người điệp báo Hà Nội này.

Ghi nhận những chiến công, những cống hiến to lớn của điệp viên tình báo Đặng Trần Đức, năm 1978 Đảng, Nhà nước, Quân đội nhân dân Việt Nam đã phong tặng ông danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Bây giờ thì Thiếu tướng tình báo Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Trần Đức đã ra đi. Nhưng những câu chuyện ly kỳ về cuộc đời hoạt động thầm lặng của ông và cả những câu chuyện về người sống, làm việc, chiến đấu âm thầm phía sau ông, bên cạnh ông thì sẽ luôn được người đời sau ghi nhận, trân trọng và nhớ mãi.

 

Anh Vũ

(Bài viết trong sách: Kỷ yếu 60 năm thi đua yêu nước của UBND thành phố Hà Nội)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)