Chùa Trấn Quốc – hòn đảo xanh bên sóng nước hồ Tây
Có thuyết cho rằng chùa được xây dựng từ thời Hồng Bàng; thuyết khác lại cho rằng chùa được xây dựng từ thời Lý Nam Đế. Thời Hồng Bàng quá xa vời khi đó chưa có đạo Phật. Do vậy, đây chỉ là truyền thuyết muốn nói chùa được xây dựng từ rất sớm, khi mà đạo Phật mới du nhập vào Việt Nam mà thôi.
Tây Hồ chí chép: “Chùa Khai Quốc ở bờ sông phía bắc hồ, nay là mé ngoài đê phường Yên Phụ. Đầu thời Lý Nam Đế, nhân nền cũ của chùa An Trì, mà dựng nên, vì vậy có tên Khai Quốc. Thời Ngô có danh tăng người Từ Liêm là Nguyễn Vân Phong tu sửa lại. Khoảng triều Đinh, Lê Quốc sư Khuông Việt thường trụ trì tại đó. Triều Lý lại trùng tu”.
Năm Hoằng Định thứ 16 (1615) do bãi sông bị lở nên chùa được chuyển vào gò của Kim Ngư như hiện nay. Kim Ngư là gò đất thiêng, nền cũ của điện Hàm Nguyên thời Trần, lại là nền cũ của cung Thuý Hoa thời Lý. Các vua thời Lý, Trần cùng các mặc khách tao nhân đã sớm khai thác bãi Kim Ngư làm nơi du lịch, nghỉ ngơi của mình.
Ngay từ thời Lê, ông Phạm Quý Thích cũng khó xác định được niên đại xây dựng của ngôi chùa này. Về tên gọi đầu tiên của chùa có tên là An Trì. Thời Lý Nam Đế gọi là chùa Khai Quốc. Thời Lê Thánh Tông gọi là chùa An Quốc. Thời Lê Trung hưng gọi là chùa Trấn Quốc. Thời Nguyễn gọi là chùa Trấn Bắc. Từ năm 1615 đến nay,chùa được trùng tu nhiều lần, lần trùng tu cuối có tính quy mô vào năm 1813, triều Gia Long. Chùa kiến trúc theo kiểu chữ đinh, nhìn ra hồ Tây. Phía sau là gác chuông, nhà mẫu và nhà tổ. Trong chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị, đấy là hệ thống tượng bao gồm: tượng Phật, tượng Hộ Pháp, tượng Quan Vân Trường, đáng chú ý là pho tượng Phật nhập Niết bàn.
Giống hầu hết những ngôi chùa khác ở Việt Nam, chùa Trấn Quốc được xây dựng theo trình tự và nguyên tắc khắt khe của Phật giáo. Chùa gồm nhiều lớp nhà với ba ngôi chính là Tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện nối thành hình chữ Công (工).
Chùa được thiết kế theo hướng Tiền đường hướng về phía Tây. Hai bên nhà thiêu hương và thượng điện là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác chuông. Gác chuông chùa là một ngôi ba gian, mái chồng diêm, nằm trên trục sảnh đường chính. Bên phải là nhà tổ và bên trái là nhà bia.
Trong chùa hiện nay đang lưu giữ 14 tấm bia. Trên bia khắc năm 1815 có bài văn của tiến sĩ Phạm Quý Thích ghi lại việc tu sửa lại chùa sau một thời gian dài đổ nát. Công việc này bắt đầu vào năm 1813 và kết thúc vào năm 1815.
Chùa còn lưu giữ ba quả chuông đồng và gần 100 câu đối, hoành phi. Nổi bật là câu đối ở chính giữa nhà đại bái:
Thắng tích biểu Đông kinh vạn cổ danh làm truyền Bắc Trấn
Từ vân phúc Nam Hải nhất thiền cam lộ lệ hồ Tây
Tạm dịch:
Thắng tích nức Thăng Long vạn cổ danh làm chùa Trấn Bắc
Mây lành che Nam Hải một bầu cam lộ tưới hồ Tây.
Chùa Trấn Quốc ngày nay không còn cây thông ngàn năm để chúng ta ngắm nghía như thời Phạm Quý Thích, thay vào đó là cây Bồ Đề thiêng liêng ở trước cửa chùa.
Cây Bồ Đề này do chính Tổng thống Ấn Độ Prasát tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân chuyến thăm Việt Nam ngày 24 tháng 3 năm 1959. Sau buổi lễ tiếp nhận trọng thể, cây Bồ Đề được đem đến trồng tại cửa chùa Trấn Quốc.
Điểm nhấn tạo nên nét riêng cho chùa Trấn Quốc chính là vườn tháp với nhiều tháp cổ từ thế kỷ 18. Nổi bật là tòa Bảo Tháp lục độ đài sen, được xây dựng năm 1998. Bảo tháp lớn gồm 11 tầng, cao 15m. Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý.
Đỉnh tháp có đài sen chín tầng (được gọi là Cửu phẩm liên hoa) cũng bằng đá quý. Bảo tháp này được dựng đối xứng với cây Bồ Đề lớn.
Sự đối xứng đó được hiểu rằng: Hoa sen tượng trưng cho Phật tính chân, như tính sinh ở dưới bùn mà không bị ô uế. Bồ đề là trí giác, trí tuệ vô thượng. Tất cả đều hàm ý nghĩa bản thể và hiện tượng của các pháp.
Đánh giá cao những giá trị lịch sử, tôn giáo cũng như cảnh quan ngôi chùa, viện Viễn Đông Bác Cổ đã từng xếp chùa Trấn Quốc là công trình lịch sử thứ 10 trong toàn sứ Đông Dương. Đến năm 1962, nhà nước xếp hạng chùa là di tích lịch sử Quốc gia thu hút rất đông khách đến lễ phật, thăm quan.
Được ví như một hòn đảo xanh nằm soi mình bên sóng nước Hồ Tây, chùa Trấn Quốc ngày nay được xem là một trong những chốn cửa Phật linh thiêng không chỉ bởi địa thế mà còn bởi lịch sử gắn liền với dân tộc, với Phật giáo Thăng Long - Hà Nội. Ai đến tham quan đều rất ngạc nhiên trước không gian tĩnh lặng, vẻ đẹp nên thơ của “đóa sen” nổi trên mặt nước hồ Tây.
Ngôi chùa được trùng tu gần đây nhất vào năm 2010 để chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ 6 tổ chức tại Việt Nam vào 11/2010.
Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc, chùa Trấn Quốc nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, là điểm thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử và khách tham quan, du lịch trong ngoài nước.
Trần Quỳnh tổng hợp