Phong tục uống rượu - Nét văn hóa ẩm thực của người Việt
Rượu là một loại đồ uống được chế biến từ cách cho một số loại hoa quả hoặc ngũ cốc lên men. Chính vì vậy nên rượu là một chất có tác dụng kích thích mạnh mẽ đến tinh thần, tình cảm con người. Dân cư ở vùng đồng bằng Bắc bộ và cả các dân tộc thiểu số ở vùng núi phía bắc Việt nam đều biết cách chưng cất rượu từ các loại gạo, ngô, sắn để phục vụ cho cuộc sống của con người và tận dụng nguồn nguyên liệu phát triển chăn nuôi. Chúng ta biết đến những laoij rượu làng quê nổi tiếng của Việt nam như rượu Làng Vân, Thổ Hà, Bản Phố, Sán Lùng, Bắc Hà… được nấu bằng phương pháp thủ công nhưng ngon chẳng kém rượu vang châu Âu hay rượu Mao Đài Trung quốc, rượu Sakê Nhật Bản.
Ở nước ta có rất nhiều loại nguyên liệu khác nhau để nấu rượu: gạo tẻ, gạo nếp, gạo lứt, ngô hạt, mầm thóc, củ sắn, hạt mít, hạt dẻ, hạt bo bo… Các loại nếp cái hoa vàng, nếp bông chat, nếp mỡ, nếp mường, nếp hương, nếp ngự, nếp cái, nếp tiêu… là những nguyên liệu tốt cho ra những loại rượu thơm ngon có tiếng. Men rượu được chế tạo từ một số loài thảo dược, hoa lá có sẵn trong tự nhiên như cam thảo, quế chi, gừng, hồi, bạch chỉ, xuyên khung, rễ cây ớt… Mỗi mọt vùng miền, thậm chí mỗi một gia đình hay dòng họ cũng có cách chế biến men rượu khác nhau. Cách đồ chín nguyên liệu, thời gian ủ men, cách chưng cất rượu ở những vị trí khác nhau, vào những thời vụ khác nhau, bằng những nguồn nước khác nhau cũng sẽ cho chúng ta các loại rượu có hương vị khác nhau.
Rượu đã xuất hiện từ lâu trong đời sống của người Việt và trở thành một nét văn hóa trong văn hóa Việt. Mặc dù chưa có một cuốn sách chuyên khảo nào bàn về văn hóa rượu và cũng có người cho rằng ở nước ta chưa hình thành văn hóa rượu. Nhưng nhìn chung, rượu đã hiện hữu trong cuộc sống của người Việt từ lâu, những tác dụng và ảnh hưởng của rượu đến con người đã được biết tới từ rất sớm. Trong nghi lễ của người Việt, nghi lễ dâng rượu đã trở thành phổ biến, mang tính chất bắt buộc và hết sức thiêng liêng. Từ nghi lễ gia đình đến những nghi lễ ở cộng đồng làng xã hoặc quy mô quốc gia, dân tộc chúng ta không thể bỏ qua nghi lễ dâng rượu cúng các vị thần linh, tiên tổ. Trong quan niệm dân gian, chúng ta cũng thường nghe nói: phi rượu bất thành lễ. Điều đó chứng tỏ rằng rượu đã hằn sâu trong tâm linh, tín ngưỡng người Việt. Rượu dùng để dâng cúng thần linh vào những ngày lễ tết, rượu cũng được sử dụng trong những dịp hội làng, những ngày lễ tổ và cả trong sinh hoạt thường ngày. Chén rượu để kết bạn trăm năm, để tìm bạn tri kỷ, chén rượu cũng giúp cho ta vơi đi những nỗi sầu nhân thế…
Nguyễn Công Trứ, một tướng quân, một nho sĩ - nghệ sĩ ở cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 đã để lại bài thơ “Cầm, Kỳ, Thi, Tửu”. Ông đã uống rượu để mà vui, để mà say, để mà quên đi những thói nhiễu nhương, đồi bại của chế độ phong kiến nhà Nguyễn lúc bấy giờ.
“Trời đất cho ta một cái tài
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi
Dở duyên với rượu không từ chén
Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời
Cờ sẵn bàn son xe ngựa đó
Đàn con phím trúc, tính tình dây
Ai say, ai tỉnh, ai thua được
Ta mặc ta, mà ai mặc ai.”
Cũng cùng một tâm trạng như Nguyễn Công Trứ, Tú Xương cũng vịnh bài “Say rượu” như sau:
“Đời này thực tỉnh những ai đây
Ai tỉnh cho ta chịu tiếng say
Buồn ruột cho nên men phải nhấp
Dở mồm nào biết giọng là cay
Bạn cùng quỉ dẫy chỉ cho bận
Vui với ma men thế cũng hay
Ngất ngưởng hai tay vơ đũa chén
Đố ai đã được cái say này.”
Có thể thấy rằng, người Việt ta cũng có văn hóa uống rượu, một cách quan niệm khi uống rượu mà qua đó nó cũng bộc lộ tâm trạng, nỗi niềm, suy tư, cảm xúc của con người. Khi buồn bã, suy tư có lối uống rượu độc ẩm (uống một mình), lúc chuyện trò với bằng hữu, người tri âm tri kỷ người ta uống rượu theo lối đối ẩm (2 người), lúc cần vui nhộn, giao lưu người ta có lối uống quần ẩm (có thể 4, 5 người hoặc nhiều hơn nữa). Cái sâu sắc của văn hóa rượu Việt Nam là “độc ẩm” nhưng không phải chỉ theo nghĩa đơn thuần là một mình mà “độc ẩm” là sự giao lưu, tâm sự giữa con người với trời đất tẳng sao, giữa thể xác với tâm hồn thông qua chén rượu là sợi dây kết nối. Cách uống rượu theo lối “quần ẩm” của người Việt cũng độc đáo lạ thường. Người Mường, người Thái, người Bana, Êđê trong những ngày hội lớn họ uống rượu theo lối “đại quần ẩm” bằng cách dùng bình rượu cần với hàng chục cần vít con xuống để uống cho đậm đà tình người. Còn ở Nam bộ cũng có cách uống rượu theo lối “tứ hải giai huynh đệ”, anh em bốn cõi một nhà mà chỉ cần dùng một cái ly thôi, khi rượu đã đong đầy cứ thế truyền tay nhau uống cho đến hết ly này đến ly khác, đến hết chum rượu này sang chum rượu khác để cho tình anh em huynh đệ ngày càng thêm bền chặt.
Trần Duy tổng hợp