Chùa Vạn Niên – ngôi chùa nghìn năm tuổi
Hiện nay trên nóc chùa còn ba chữ triện đắp nổi “Vạn Niên tự” (Chùa Van Niên). Vạn Niên tự ý muốn chỉ chùa này tồn tại mãi mãi cùng thời gian. Khi mới xây chùa, người ta không gọi là Vạn Niên mà gọi là Vạn Tuế.
Thăng Long cổ tích khảo chép: “Chùa ở bờ tây hồ Tây, xưa gọi là chùa Vạn Tuế, nay gọi là Vạn Niên. Chùa thuộc địa phận ấp Quán La. Lý Thuận Thiên năm thứ năm (1014), Hữu nhai Tăng thống tâu xin lập giới đàn tại đây, thụ giới cho các tăng đồ. Vua xuống chiếu ban cho. Bấy giờ danh tăng Lâm Tuệ Sinh, Thảo Đường thời Lý kế thừa trụ trì ở đây”.
Thăng Long cổ tích khảo dựa vào Tây Hồ chí và các sách mà chép lại. Nếu năm Thuận Thiên thứ năm (1014) Hữu nhai Tăng thống tâu xin lập giới đàn tại đây để thụ giới cho các tăng đồ thì chùa đã được xây từ trước thời Lý. Đến thời Lý chùa đã trở thành chốn tùng lâm thụ giới cho các tăng đồ. Và như vậy, chùa Vạn Niên phải là chùa có quy mô to lớn, kiến trúc nguy nga không kém bất kỳ chùa nào đương thời.
Một điều đáng lưu ý chùa có nhiều cao tăng trụ trì tại đây, đó là Lâm Tuệ Sinh, Biện Tài, Thảo Đường…
Thảo Đường là phái thiền riêng của thời Lý, phái này do sư Thảo Đường sáng lập.
An Nam chỉ lược chép: “Thảo Đường theo sư phụ đi truyền giáo ở Chiêm Thành. Lý Thánh Vương (Lý Thánh Tông) đánh Chiêm Thành bắt được sư Thảo Đường cho làm nô của Tăng lục (Quan chức của Phật giáo dưới Tăng thống một bậc). Một hôm Tăng lục viết ngữ lục để ở trên bàn rồi đi ra ngoài. Sư lên sửa chữa lại. Tăng lục lấy làm lạ về tên nô, tâu lên vua. Vua phong sư là Quốc sư”.
Nho Phật Đạo Bách khoa tự điển mục Thảo Đường chép: “Là tăng nhân tông Vân Môn Phật giáo Bắc Tống, người sáng lập phái thiền Thảo Đường Việt Nam. Ngài là đệ tử của Cao tăng Trọng Hiển núi Tuyết Đậu. Giữa thế kỷ XI đến phương Nam hoằng dương Phật pháp đề xướng Thiền - Tịnh hợp nhất. Bị Lý Thánh Tông đánh Chiêm Thành bắt được, tri ngộ phong làm Quốc sư. Ngài trụ trì tại chùa Khai Quốc (Hà Nội, Việt Nam) hoằng truyền Trọng Hiểu pháp, giảng Tuyết Đậu sơn bách tắc (trăm phép tắc của Tuyết Đậu sơn). Chính thức thành lập thiền Phái Thảo Đường”.
Thiền phái Thảo Đường đã được các Đế vương thời Lý như Lý Thánh Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông mê tín, ủng hộ. Họ không xuất gia nhưng nhiều người coi họ là đệ tử của thiền phái Thảo Đường. Các chùa ở Hà Nội, đặc biệt là các chùa ở Tây Hồ chịu ảnh hưởng rất lớn của môn phái này. Chùa Trấn Quốc, chùa Vạn Niên là nơi Quốc sư Thảo Đường đã từng trụ trì. Như vậy, chùa này đã chịu ảnh hưởng tư tưởng Thiền - Tịnh hợp nhất của Thảo Đường. Nhiều nhà nghiên cứu còn cho Thảo Đường không chỉ dừng ở Thiền - Tịnh hợp nhất mà còn là Thiền - Tịnh - Mật hợp nhất.
Chùa Vạn Niên nằm khiêm tốn bên đường Lạc Long Quân nhìn ra hồ Tây. Quy mô không lớn, nhưng chùa nằm dưới những lùm cây um tùm, vì vậy cũng có thể coi đây là một tùng lâm. Chùa gồm 5 gian bái đường và ba gian bảo điện nối nhau thành chữ đinh. Chùa đã được sửa chữa nhiều lần, Câu đối ở hàng cột đá nhà bái đường đã nói rõ:
Cổ tự trùng tu tân cảnh sắc
Vạn Niên kiến tạo cựu quy mô
Tạm dịch:
Chùa cổ trùng tu cảnh sắc mới
Vạn Niên sửa chữa quy mô xưa.
Về bài trí của chùa Vạn Niên cũng giống như các chùa khác. Trên cao là Tam Thế Phật, dưới là A Di Đà Phật, dưới nữa là Quan Âm, phía ngoài là tượng Thích Ca sơ sinh.
Hai bên treo cầu đối rất uy nghi:
Nam vô đại từ đại bi kim bích oanh hoàng tam bảo toạ
Bắc Kỳ thử danh thắng hương hoa đỉnh thịnh thập phương dân.
Tạm dịch:
Nam vô đại từ bi Phật tượng huy hoàng trên bảo điện
Bắc Kỳ một danh thắng hương hoa thơm ngát thập phương dâng.
Hiện nay, chùa Vạn Niên còn bảo lưu khối kiến trúc vật chất và bộ sưu tập di vật có giá trị lịch sử, nghệ thuật cao. Đó là chứng cứ khoa học để đoán định niên đại khởi dựng ngôi chùa và góp phần đánh giá những giá trị đích thực của di tích. Những di vật tiêu biểu của chùa gồm: những bức tường cổ của chùa chính được xây dựng bằng gạch vồ (vật liệu tiêu biểu thời Lý); bộ tượng tròn 46 pho (trong đó có 26 pho tượng Phật, 20 pho tượng Mẫu, tượng tổ); hai quả chuông đồng niên đại thời Nguyễn, 11 đạo sắc phong thần và nhiều đồ thờ tự khác. Từ nhiều năm nay di tích luôn được trân trọng, gìn giữ, tu bổ tôn tạo ngày một khang trang.
Chùa được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hoá ngày 13 tháng 2 năm 1996.
Hướng tới 1000 năm Thăng Long Hà Nội, nhiều ngôi chùa cổ ở Hà Nội được quan tâm và trùng tu. Nhất là với những ngôi chùa cao niên gần ngàn năm tuổi như chùa Vạn Niên. Chùa Vạn Niên đang ngày một khang trang và được nhiều Phật tử gần xa biết đến. Đó không chỉ là giữ lại nét đẹp truyền thống, cổ kính cho không gian của Thủ đô mà còn giữ lại cả nét độc đáo về văn hóa kiến trúc cho con cháu mai sau. Tuy có nhiều đổi mới nhưng chùa vẫn giữ được nét đẹp cổ kính và độc đáo về văn hóa kiến trúc giữa lòng thủ đô hiện đại và phát triển.
Minh Tân tổng hợp