Chùa Tứ Liên - ngôi chùa có quy mô kiến trúc bề thế của làng Tứ Liên
Căn cứ vào tấm bia “Hậu Phật bi ký” có niên đại Chính Hoà thứ 4 (1683) hiện ở chùa cho biết: Chùa Tứ Liên có từ lâu đời, xung quanh có cảnh quan khá đẹp bên phải là phía đông có dòng sông dạt dào, quanh co uốn khúc, bên trái là phía tây vời vợi đê cao. Trái lại phía bắc là đất đúc tinh anh, biết cáo cơ vi cảm thông cái huyền diệu khấn đảo thì thông, cần gì được nấy. Nay chùa Tứ Liên là một ngôi chùa cổ được toạ lạc trên một địa thế khá đẹp sơn thuỷ hữu tình, là nơi cổ tích danh lam, thắng cảnh, bốn mặt đều đẹp đẽ, tráng lệ, trấn giữ một phương.
Nằm trên một khu đất cao và rộng, bằng phẳng của làng Tứ Liên ngôi chùa có quy mô kiến trúc khá bề thế, với nhiều dãy nhà ngang dọc giữa những tán cây cổ thụ tạo nên sự trang nghiêm thanh tịnh nơi cửa thiền. Quy hoạch mặt bằng của chùa bao gồm: tam quan, sân, vườn, chùa chính nhà tổ, nhà mẫu và nhà khách.
Phía trước sát với đường đê là tam quan chùa Tứ Liên mới được nhà sư trụ trì xây dựng trong thời gian gần đây được xây theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái bằng gỗ lim đỉnh trụ là hình bốn con chim phương chụm đuôi vào nhau tạo thành hình trái dành, phía dưới chim phượng là phần lồng đèn được tạo các đôi câu đối bằng chữ Hán. Qua sân chùa là tới chùa chính có quy mô kiến trúc lớn được xây dựng theo hướng nam kết cấu theo hình chữ đinh, bao gồm tiền đường và thượng điện được liên kết với nhau thành một không gian khép kín cho toà tam bảo. Ngôi chùa được xây dựng trên nền cao khoảng 0,8m với ba bậc tam cấp có gắn các linh vật hổ phù bằng đá (nghệ thuật thế kỷ XIX). Mái chùa lợp ngói ta, hai tường hồi được xây nối liền với bức tường tới hai cột, đỉnh trụ là hình bốn con chim phượng chụm đuôi vào nhau thành hình trái dành, phía dưới là phần lồng đèn, thân trụ được gắn các đôi câu đối bằng chữ Hán. Tiền đường gồm năm gian được làm theo kiểu đầu hồi bít đốc, kiến trúc bên trong của chùa gồm năm bộ vì kèo chính được làm bằng gỗ lim hai bên tựa lực vào tường đốc. Các bộ vì được làm theo kiểu chồng rường, giá chiêng và bẩy hiên, chủ yếu là bào trơn đóng bén không trang trí, các con xà được làm theo khối vuông, bài soi bốn cốn nách với các hình hoa lá, vân xoắn.
Thượng điện là ngôi nhà dọc ba gian – là nơi toạ lạc của các vị Phật và Bồ tát. Kết cấu kiến trúc đơn giản các vì kèo bào trơn không trang trí, tường xây đầu hồi bít đốc, bộ khung vì kẻ bào trơn, bốn cột tròn nhỏ. Bộ vì thượng trên câu đầu làm kiểu chồng rường giá chiêng, chủ yếu là bào trơn đóng bén. Trên kiến trúc đơn giản được trang trí các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc như: hoành phi, câu đối, cửa võng sơn son thếp vàng làm tôn thêm vẻ trang nghiêm và đẹp cho di tích.
Phía sau kiến trúc chính là nhà tổ, nhà mẫu, nhà khách gồm năm gian đơn giản, hai kiến trúc này mới được nhà sư trụ trì và nhân dân địa phương tu bổ lại trong thời gian gần đây. Sau mỗi lần tu sửa dân làng lại dựng bia ghi lại sự việc và biểu dương những người đóng góp công đức để tu bổ chùa.
Hệ thống tượng Phật của chùa được bài trí sắp xếp như sau:
Lớp trên cùng cao nhất của phật điện là ba pho tam thế thường trụ diệu Pháp thân ngồi kiết già trên toà sen thế tay kết thiền định ấn, khuôn mặt nhanh nhẹ hình trái xoan.
Lớp thứ hai gồm bộ tượng A Di Đà Tam tôn ngồi giữa, bên phải là tượng Quan thế âm, bên trái là tượng Đại Thế Trí. Tượng A Di Đà ngồi trên toà sen thân cao 1,3m hai chân khoanh tròn theo thế thiền định, khuôn mặt đôn hậu, mắt khép hờ, nhìn xuống theo phong cách thời Nguyễn.
Lớp thứ 3 gồm tứ thiên vương, lớp cuối cùng là toà cửu long và tượng Thích Ca sơ sinh. Dọc hai bên toà tam bảo là các pho Thập điện Diêm vương, tượng Thổ địa. Nhà tiền đường gồm các pho tượng Thánh tăng, khuyến thiện, trừng ác. Sát hai bên tường toà tiền đường năm bức tượng phù điêu bằng đá là năm pho tượng hậu là những vị có nhiều công lớn trong việc tu sửa chùa trước đây.
Chùa được trùng tu nhiều lần. Năm 1992, Sư cô Thích nữ Đàm Đoan đã tổ chức trùng tạo ngôi chùa bằng vật liệu kiên cố, khánh thành ngày 20-10-1992. Chánh điện được bài trí tôn nghiêm.
Chùa Tứ Liên nằm trong không gian thoáng rộng cấu trúc di tích cùng với kiến trúc chính của chùa hầu như không giữ được như ban đầu. Trong những năm gần đây nhà sư trụ trì đã tu bổ tôn tạo lại với quy mô bề thế mặt trước hướng ra đường Tây Hồ, mặt sau là đường đê nên tạo cảnh quan khá thông thoáng.
Hiện nay trong chùa Tứ Liên còn giữ được khá nhiều hiện vật, đồ thờ có giá trị như quả chuông đồng “Tứ Liên tự chung” (chuông chùa Tứ Liên) nội dung ghi việc công đức để tu bổ chùa và bài minh ca ngợi cảnh đẹp của chùa. Năm tấm bia đá, trong đó đáng chú ý là tấm bia: “Hậu Phật bi ký” có niên đại Chính Hoà thứ 4 (1683) nội dung trên bia ca ngợi sự cao thượng của đức Phật trong đó có đoạn: “Công đức của đức Phật như núi cao, trí tuệ như biển sâu, rộng vô cùng nước sông Hồng Hà cũng không sánh nổi, dù nhiều bia đá khó mà để tu bổ chùa, bia ghi: “Có đức sẽ được thờ tự là lẽ cố hữu của lòng người”. Một tấm bia không tên được làm vào năm Long Đức thứ nhất (1732) của Tiến công thứ lang Giám Hạ Quốc Tử Giám bia được làm khá đặc biệt giống như bài vị đặt trong ngai thờ. Đây là tấm bia quý và rất đặc biệt trong chùa còn lưu giữ số lượng tượng Phật, tượng tổ và tượng mẫu mang phong cách nghệ thuật từ thế kỷ thứ XVIII, XIX và XX cùng với các hiện vật cổ như: hoành phi, câu đối, cửa võng y môn. Các hiện vật ở đây ngoài giá trị nghệ thuật độc đáo còn là nguồn tư liệu quý trong việc tìm hiểu đời sống xã hội, lịch sử tạo dựng của một làng cổ truyền thống. Ngoài các giá trị thẩm mỹ các hiện vật này là minh chứng sinh động cho truyền thống sáng tạo nghệ thuật của dân tộc ta. Bên cạnh đó các đề tài trang trí còn nguồn tư liệu quý cho việc tìm hiểu những quan niệm, tư tưởng truyền thống. Ngôi chùa có cảnh quan thiên nhiên đẹp, thoáng đãng và mang đậm không gian văn hoá trong tổng thể giá trị chung của hệ thống các di tích trong vùng sẽ trở thành địa chỉ văn hoá của quận Tây Hồ nói riêng và của thủ đô Hà Nội nói chung.
Di tích chùa Tứ Liên nằm liền kề với chùa Vạn Ngọc, chùa Kim Liên. Ngôi chùa là điểm hội tụ tinh hoa văn hoá, là niềm tự hào của người dân đia phương, là điểm hấp dẫn thu hút khách đến tham quan và nghiên cứu.
Chùa Tứ Liên hiện nay đang thu hút khách thập phương quan tâm đến việc chế biến và thưởng thức các món chay. Hàng năm thường diễn ra lễ tiệc trai tịnh tại chùa này. Ngày 17 tháng Giêng Giáp Ngọ (2014) ước tính có gần một vạn người tham dự với khoảng 1000 mâm cỗ và kéo dài từ sáng đến đầu giờ chiều. Nhà chùa đã phải chuẩn bị thực phẩm và nấu nướng từ mấy ngày trước với sự giúp sức của nhiều phật tử.
Minh Tân tổng hợp