Ông Phạm Quang Nghị Xin chữ
Ở mỗi phần lại chất chứa những giá trị riêng có của tác giả, chuyển tải những suy ngẫm hết sức cô đọng, khó lòng bóc tách và phân giải, bởi thế người viết tự nhận thấy “lực bất tòng tâm” của một kẻ hậu sinh nên không đủ can đảm đi sâu với tham vọng “ôm hết”, mà chỉ dám bày tỏ suy nghĩ vốn dĩ nông cạn của mình như một lát cắt rất mỏng về cuốn sách.
Viết về đặc tính hay tính cách người Hà Nội thì mấy chục năm qua đã có nhiều nhà chuyên môn trên nhiều lĩnh vực dày công điền dã, nghiên cứu tìm hiểu và công bố. Thậm chí đã có không ít cuộc hội thảo, những công trình khoa học ra đời nhằm đáp ứng cho công tác hoạch định chính sách theo hướng bảo tồn, phát huy những nét tinh túy của người Tràng An. Những tưởng như thế là đã phần nào khắc họa, làm toát lên tính cách người Hà Nội xưa và nay, liệu có còn gì để phải bàn luận thêm. Nhưng khi chạm đến “Mười năm, một lát cắt thời gian” (Đôi dòng tâm sự), tác giả Phạm Quang Nghị đã có những quan sát, nhận định vô cùng tinh tế khiến cho nhiều người phải suy ngẫm một cách nghiêm túc, nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về người Hà Nội.
Quả thật, nếu tác giả không thật sự sâu sát, gắn chặt với đời sống thực tiễn, dành nhiều thời gian tâm sức tìm hiểu, nghiên cứu trên tảng nền sẵn có trước hết là để phục vụ cho công tác lãnh đạo, điều hành trên cương vị người đứng đầu cấp ủy thành phố, thì chắc rằng khó đưa ra những đúc kết: “Nói đến tính cách người Hà Nội, người Thủ đô không thể không nói tới nét đặc trưng là luôn đặt ra yêu cầu, đòi hỏi cao, gần như đến mức hoàn hảo, cầu toàn. Người Hà Nội không chấp nhận sự qua loa, vội vàng, cẩu thả. Và cũng không dễ dàng chấp nhận sự bắt chước, bê nguyên xi kinh nghiệm của bất cứ nơi nào. Bởi người Hà Nội vốn sâu sắc, tinh tế vô cùng”.
Để người đọc luôn hướng về Thủ đô dễ hiểu hơn nữa, ông đưa ra những ví von thật sâu sắc, và dám chắc rằng từ trước đến nay chưa ai viết được một cách tinh tường như vậy về người Hà Nội: “Thường ngày luôn nhẹ nhàng, tĩnh lặng như mặt nước hồ Gươm, trong veo như bầu trời thu Hà Nội; lịch lãm, duyên dáng như nét xưa phố cổ và nồng nàn như hoa sữa về khuya… Nhưng khi bước vào những thử thách thì người Hà Nội hiên ngang lẫm liệt trong tư thế rồng bay, sẵn sàng “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, làm nên những chiến công “Điện Biên Phủ trên không” bất diệt....”. Chưa hết, tác giả còn phát hiện, “Người Hà Nội còn có một nét đáng yêu khác. Ngay cả khi thật lòng yêu thích, hoặc không vừa ý một điều gì nhưng ít khi nói ra thành lời”. Nhưng cuối cùng tự bản thân tác giả cũng phải thừa nhận một thực tế: “Hiểu được người Hà Nội quả là không dễ, bởi nơi đây hội tụ đậm đặc nhất, tiêu biểu nhất cho trí tuệ, tâm hồn và bề dày của truyền thống Thăng Long - Hà Nội, của văn hóa Việt Nam”.
Dám chắc rằng, những nhận định mang tính đúc kết ở trên của tác giả sẽ là chất xúc tác tạo ra “ngòi nổ” cho cuộc tranh luận khoa học về tính cách người Hà Nội, đặng đi tới sự đồng thuận cao hơn nữa chứ không thể dừng lại ở chỗ, “Hiểu được người Hà Nội quả là không dễ”.
“Ít có người xin những chữ như bác”
Xin chữ là một trong những bài được tác giả Phạm Quang Nghị mới viết gần đây, chính xác là ngày 8 tháng 5 năm 2017. Cũng có thể xem đây là bài viết mới nhất của ông. Nghĩa là, Xin chữ ra đời sau khi ông nghỉ công tác. Thế nhưng, vì sao câu chuyện hoàn toàn có thật diễn ra cách đây vừa tròn 15 năm, khi đó tác giả đang giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin, nay là Bộ VHTTDL, mà bây giờ lại mới được viết ra? Có điều gì đó thôi thúc buộc tác giả phải viết ra chăng? Hình như, “Sau mười năm, lại được đi bộ trong công viên”, ông tự thấy đã đến lúc “công bố” rằng, “quan nhất thời, vạn đại chính là dân”, như “bản tổng kết” thời gian tác giả ở nơi quan trường.
Chuyện xin chữ xưa nay vẫn diễn ra và đó là tục lệ đẹp của người Việt. Nhưng, xin những chữ như tác giả quả thật là rất hiếm. Và bây giờ có lẽ lại càng hiếm. Đúng như lời cụ Nguyễn Văn Bách, tự là Long Thành lão nhân, một danh y, một nhà nho uyên thâm, và nhà thư pháp hàng đầu Việt Nam, nói với tác giả Phạm Quang Nghị: “Tôi cho chữ, viết chữ đã nhiều, nhưng ít có người xin những chữ như bác”. Vậy tác giả đã xin những chữ gì để treo trong phòng làm việc, và trong gian khách nhà mình khiến cho cụ Bách cảm thấy ngạc nhiên đến vậy? Đó là những chữ “Quang-Minh-Chính-Đại” và được tác giả viết hoa trong bài.
Theo tác giả Phạm Quang Nghị, “những chữ ấy đối với tôi từ lâu tôi coi như tôn chỉ, mục đích, phương châm xử thế trong cuộc sống, nhất là ở chốn công đường”. Cũng chính những chữ ấy tác giả cố gắng học làm người “đi thẳng, đứng thẳng, ngồi thẳng và nói thẳng”. Và như tác giả nghiệm thấy, “không hiếm khi biết rõ thẳng là dại, thẳng là thiệt, thẳng là thiểu số, thẳng là trái ý cấp trên, thẳng là phải đối đầu, thẳng là mất phiếu… nhưng với cái bản ngã, cái trí, cái tâm, cái đức của một con người chính trực thì phải chọn cái sự minh bạch, ngay ngắn, đúng đắn. Riêng với tôi, từ lâu đấy là lời tuyên thệ với cuộc sống”.
Từ “lời tuyên thệ” sắt đá và cũng như là mệnh số ấy, tác giả đã không chỉ cảm nhận mà “thực sự luôn tâm niệm, định hướng cho mình trong ứng xử, giao tiếp, nhất là trong xử lý công việc hằng ngày ở chốn quan trường là phải luôn giữ cho lòng dạ mình trong sáng, ngay thẳng; phải đàng hoàng, minh bạch, khách quan. Cố gắng không làm bất kỳ điều gì gây oan sai cho người khác cũng như luôn tự khép mình vào kỷ cương, phép nước, không để người khác lôi cuốn, xúi giục mình làm những điều sai trái, khuất tất”. Đồng thời tác giả cũng tự khẳng định: “Chiến thắng bản thân là điều khó nhất”.
Sở dĩ tác giả Phạm Quang Nghị lấy những chữ ấy làm “kim chỉ nam” cho mình, “là lời giáo huấn hết sức cô đọng và quan trọng đối với những người “làm quan” trong mọi thời đại”, là bởi: “Ngày xưa hay bây giờ đều không thiếu những quan chức nịnh trên nạt dưới, vinh thân phì gia, tranh công đổ lỗi… Với loại quan chức đó những người tốt thường tìm cách lánh xa. Nhưng trong đời, cũng không hiếm người kém cỏi cả về bản lĩnh cũng như nhân cách, thấy thủ trưởng làm sai, nói sai mà cứ “bốc thơm” nịnh khen lấy được, thấy người yếu thế bị hàm oan, trù dập mà vẫn a dua, a tòng phụ họa cấp trên… Đành rằng, có khi mình là cấp dưới nên không đủ thẩm quyền để xét xử, hoặc không có đủ dũng khí can ngăn, nhưng nếu là người ngay thẳng hoặc còn có chút liêm chính thì chí ít cũng không thể cho phép mình đánh tráo lương tâm, đạo đức”…
Sau những tháng năm công tác, bây giờ tác giả được trở về với “Những niềm vui giản dị” là “sau mười năm, lại được đi bộ trong công viên”... để có những khám phá rất đỗi đời thường. Chắc là trong những lúc bách bộ khi những gánh nặng công việc cùng những mối lo trách nhiệm không còn như trước đây, tác giả Phạm Quang Nghị đã tự mình suy xét về chuyện xin chữ từ những năm tháng thuở xưa: “Tôi thường thấy mọi người thường xin những chữ cầu chúc an lành - phú quý - cao sang chứ có mấy ai lại đi xin những chữ để buộc thêm sợi dây vất vả vào mình. Ngẫm lại, biết đâu, việc xin chữ của mỗi người cũng là mệnh số”.
Gấp lại cuốn sách Xin chữ của tác giả Phạm Quang Nghị, người đã có bốn khóa liền là Ủy viên Trung ương Đảng, hai khóa Ủy viên Bộ Chính trị, và là người đứng đầu cấp ủy thành phố Hà Nội trong suốt hai nhiệm kỳ, dường như tôi vẫn chưa hiểu hết được tâm ý, khi ông viết: “Qua một đêm hè oi bức, rời khỏi căn phòng nhỏ hẹp của mình, tôi được hòa cùng dòng người đi trong công viên đón làn gió tươi mát và trong lành ban mai từ mặt hồ Bảy Mẫu tràn qua tưới lên cơ thể”.
Với ai đó có thể đặt ra câu hỏi: Việc mỗi buổi sáng mai đi bộ trong công viên là quá đỗi bình thường, có gì mà đáng để gọi là hạnh phúc. Nhưng với ông, như một lời kết: “Hạnh phúc không phải lúc nào cũng là những gì to tát, cao xa”.
Theo Báo Văn hóa