Cột cờ Hà Nội - Một biểu tượng của Thủ đô
Nhìn tổng thể thì Cột cờ gồm những khối lăng trụ xếp chồng nhau, thót dần từ dưới lên trên. Bố cục cân đối ấy đã tạo nên những đường nét thẳng, khỏe khoắn, vững vàng. Đứng dưới chân Cột cờ, dù cảm thấy đỉnh cao ngất nhưng ta không hề có cảm giác nặng nề, mà trái lại, Cột cờ mang dáng vẻ hài hòa, thanh thoát giữa các tam cấp, thân cột và vọng canh. Trên nền tường đài và Cột cờ có trang trí nhiều hoa văn khác nhau, tuy đơn giản nhưng đường nét mềm mại và toát lên vẻ đẹp riêng cho từng cấp. Đáng chú ý là ở cấp thứ ba bố trí bốn cửa theo bốn hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc. Những cửa này thông với nhau qua các cửa tò vò tạo ra nhiều phòng nhỏ có trần vòm cuốn rất hài hòa. Vào mùa hè, trong lòng Cột cờ rất mát mẻ, không cần dùng đến quạt. Tại trần nhà của cửa hướng ra phía Bắc có hai lỗ thông lên sân thượng, có thể đó là ống truyền âm từ trên xuống. Trừ cửa hướng ra phía Bắc, các cửa khác đều có tên riêng. Cửa hướng Đông có tên Là Nghênh Húc tức là đón ánh sáng ban mai. Cửa hướng Tây có tên là Hồi Quang nghĩa là nhìn về hoàng hôn. Cửa hướng Nam có tên là Hướng Ninh tức trông theo hướng mặt trời. Các nhà nghiên cứu cho biết việc đặt tên cho mỗi cửa có ý nghĩa để người ở trong lòng Cột cờ xác định được phương hướng và tận dụng được ánh sáng tự nhiên trong kiến trúc. Cửa hướng Bắc được bố trí hai cầu thang lên sân thượng ở bên phải và bên trái. Mỗi cầu thang gồm mười bốn bậc, có tay vịn bằng sắt. Sân thượng được bao quanh bằng lan can gỗ, cùng với tường hoa trổ những hình lục giác có hình vuông ở giữa, được đan lồng vào nhau trông như mạng nhện…
Đến nay hình tượng Cột cờ Hà Nội không chỉ được in trên sách, báo, các áp phích, con tem, bìa sách… mà đã in đậm vào trong trái tim mỗi nguuwoif dân Việt Nam. Vào những ngày lễ, ngày tết cổ truyền, Cột cờ Hà Nội lại được trang hoàng lộng lẫy trong ánh điện lung linh huyền ảo, tôn thêm vẻ uy nghi hùng tráng của lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc đang lồng lộng tung bay trước gió, trên vẻ rêu phong cổ kính của kỳ đài. Với những người lính đã từng chiến đấu bên Cột cờ nói riêng và những chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam nó chung, dù ở xa Hà Nội, trong lòng vẫn mang theo hình ảnh Cột cờ Hà Nội bên Ba Đình lịch sử.
Cột cờ mãi mãi là một di tích kiến trúc lịch sử độc đáo của Hà Nội. Công trình kiến trúc lịch sử có một không hai này cần được giữ gìn, bảo quản, để mãi mãi là một trong những biểu tượng của Thủ đô - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.
Trần Duy tổng hợp