Những khó khăn của việc xây dựng gia đình văn hóa trong CNVCLĐ giai đoạn hiện nay
Gia đình là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và hoặc quan hệ giáo dục. Thực tế, gia đình là một khái niệm phức hợp bao gồm các yếu tố sinh học, tâm lý, văn hóa, kinh tế,... khiến cho nó không giống với bất kỳ một nhóm xã hội nào. Gia đình với ý nghĩa “hạt nhân” của xã hội, có vai trò duy trì những giá trị văn hóa, đạo đức của mỗi cộng đồng góp phần xây dựng nền văn minh của cả xã hội. Đối với nước ta, ngay từ khi bước vào sự nghiệp đổi mới, tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 6 đã khẳng định: “Gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, con người mới”, tiếp theo đó cho đến nay tại nhiều Nghị Quyết của Đảng vẫn xác định rõ gia đình là tế bào của xã hội, công tác xây dựng gia đình là nhiệm vụ quan trọng, là nền tảng cho sự phát triển của xã hội.
Nhận thức rõ vai trò to lớn của gia đình trong việc xây dựng con người, xây dựng xã hội mới, Ðảng và Nhà nước đã khẳng định xây dựng gia đình là vấn đề lớn, hết sức hệ trọng của dân tộc và của thời đại. Chính phủ hiện đang xây dựng Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2011-2020, thực hiện Ðề án Phát triển gia đình Việt Nam bền vững, ban hành các luật, các chính sách đối với gia đình.
Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa đã có từ những năm 60 của thế kỷ 20, đến nay đã lan rộng khắp cả nước, ở tất cả các cấp, các ngành, các đơn vị.
Từ thực tế phong trào cho thấy, chỉ có phát huy tốt những giá trị của gia đình truyền thống, phong trào mới đi vào chiều sâu có chất lượng, thật sự lôi cuốn nhiều gia đình tham gia. Từ đời này sang đời khác, ông cha ta đã tạo dựng một nền nếp gia phong như con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, vợ chồng chung thủy, anh em đoàn kết thuận hòa... Ðó có thể xem là tinh hoa văn hóa của dân tộc. Gia phong đã trở thành nội dung cốt lõi của việc xây dựng gia đình văn hóa, từ đó gia đình mới trở thành một tế bào xã hội khỏe khoắn, lành mạnh, thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong những năm qua, việc xây dựng gia đình văn hóa trong CNVCLĐ đạt nhiều kết quả tích cực trên nhiều mặt. Tuy nhiên, xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, việc xây dựng gia đình văn hóa cũng gặp không ít khó khăn và thách thức.
Ảnh: Đàm Ly
Thứ nhất: Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc là tiêu chí quan trọng, có tính quyết định với một gia đình văn hóa. Tuy nhiên, việc xây dựng Gia đình văn hóa trong giai đoạn hiện nay đang đứng trước những thách thức lớn, đặc biệt là những gia đình CNVCLĐ trẻ. Với áp lực về kinh tế, môi trường, công việc vô hình đã tạo nên những mâu thuẫn, khoảng cách khác biệt về suy nghĩ về lối sống giữa các cặp vợ chồng dẫn đến hôn nhân tan vỡ (Theo điều tra của Bộ VH-TT&DL, có 4 nguyên nhân dẫn đến ly hôn nhiều nhất là: Mâu thuẫn về lối sống: 27,7%; ngoại tình: 25,9%; kinh tế: 13%; bạo lực gia đình: 6,7%). Hơn nữa, lối sống hiện đại, những quan điểm tương đối mở về cuộc sống, tình yêu, hôn nhân như: sống thử, ly thân, ly hôn, mẹ đơn thân... đang dần phá vỡ mô hình gia đình Việt Nam truyền thống.
Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi nuôi dưỡng lưu giữ những giá trị nhân văn cao cả, những truyền thống văn hóa tốt đẹp. Tuy nhiên, hiện nay, có khá nhiều yếu tố tiêu cực đang len lỏi vào các gia đình, kéo theo đó là sự thờ ơ, vô trách nhiệm của cha mẹ với con cái; của con cái với ông bà, bố mẹ. Không những thế, mặt trái của cơ chế thị trường cùng với lối sống thực dụng tôn thờ đồng tiền, các sản phẩm văn hóa độc hại bên ngoài tràn vào cùng với các tệ nạn xã hội đang tiến công mạnh mẽ vào các gia đình. Nhiều giá trị đạo đức gia đình đang xuống cấp. Các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè bê tha đang len lỏi thâm nhập vào các gia đình. Tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) ngày càng gia tăng. Theo kết quả thống kê của Vụ Gia đình-Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau gần 9 năm áp dụng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nhưng từ năm 2011-2015, cứ mỗi ngày ở Việt Nam lại có 64 phụ nữ, 10 trẻ em và 7 người cao tuổi là nạn nhân của bạo hành gia đình. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, theo con số thống kê chưa đầy đủ đã có 20 phụ nữ và trẻ em thiệt mạng do BLGĐ. Số liệu thực tiễn cho thấy tình trạng BLGĐ vẫn đang tồn tại, số vụ bạo hành gia đình gây hậu quả nghiêm trọng bị phát hiện vẫn tăng cao trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già.
Lý giải về nguyên nhân gây ra nạn BLGĐ thì có rất nhiều nguyên nhân, nhưng yếu tố được coi là nguyên nhân cơ bản nhất là những quan niệm phong kiến trọng nam khinh nữ, gia trưởng... là căn nguyên của bất bình đẳng giới. Đây là vấn đề cấp bách, nan giải trong xã hội hiện nay, là khó khăn lớn nhất trong việc xây dựng gia đình hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc.
Thứ hai: Sự phát triển của kinh tế thị trường, sự phát triển của xã hội hiện đại đặt con người trong nhiều mối quan hệ, ở nhiều vị trí và vai trò khác nhau. Đây là yếu tố thúc đẩy mỗi cá nhân phải tự phát triển, độc lập để khẳng định bản thân cũng như thích ứng với các tổ chức, các cộng đồng nhóm. Tuy nhiên, điều này lại đặt ra cho mỗi cá nhân những áp lực cạnh tranh, những mưu toan cuộc sống... Do đó sự gắn kết, tương trợ trong cộng đồng bị hạn chế. Đặc biệt sự “vô cảm” của con người, đang dần trở thành một “căn bệnh” nguy hiểm trong xã hội. Trong một bài viết đăng trên báo Hà Nội Mới ngày 1/9/2014, nhà báo Hồ Quang Lợi-Nguyên trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã viết: “Một xã hội vô cảm sẽ là một xã hội chết-cái chết trước hết từ trong tâm hồn”. Chính sự vô cảm, thờ ơ mới dẫn đến những tình trạng bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em, sự thờ ờ trước những vấn nạn của cộng đồng...
Như vậy, việc xây dựng Gia đình văn hóa trong trong cộng đồng dân cư nói chung, trong CNVCLĐ nói riêng đang đứng trước những thách thức lớn đòi hỏi không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động với phương châm: xây đi đôi với chống và lấy xây làm chính. Vì vậy, mỗi người cần nhận thức sâu sắc vai trò ý nghĩa của việc xây dựng gia đình. Mỗi thành viên trong gia đình phải phát huy tốt những giá trị đạo đức của gia đình truyền thống, giữ vững gia phong, làm tốt việc giáo dục con cái, trong đó người lớn luôn gương mẫu để gia đình phát triển sức mạnh nội sinh, trở thành thành lũy ngăn chặn tiêu cực từ bên ngoài tràn vào.
Mặt khác việc xây dựng gia đình văn hóa cần có sự phối hợp giữa gia đình và cộng đồng. Do đó, việc xây dựng gia đình rất cần sự quan tâm của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, chính quyền, đoàn thể, coi đó là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng đơn vị vững mạnh. Trong lúc tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng Gia đình văn hóa cũng phải phòng; chống những hiện tượng tiêu cực xâm hại. Cần có những biện pháp loại trừ những sản phẩm độc hại trong các ấn phẩm văn hóa, nghệ thuật... Tất cả đều phải được làm thường xuyên và có sự chung tay góp sức của toàn xã hội.
Để thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa, Ban lãnh đạo, Ban chấp hành Công đoàn Nhà xuất bản Hà Nội đã và đang thực hiện tốt việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, đảm bảo thực hiện đúng các chế độ chính sách cho người lao động theo quy định. Tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa để động viên người lao động như: tạo điều kiện để có nơi làm việc tốt hơn, tổ chức đi tham quan; nghỉ mát, thăm hỏi kịp thời khi ốm đau, tặng quà cho lao động nữ nhân ngày 8/3, ngày 20/10, tổ chức vui chơi; tặng quà cho con Cán bộ; nhân viên nhân ngày1/6; Tết Trung Thu, khen thưởng các cháu học giỏi…vận động người lao động tích cực thực hiện xây dựng gia đình văn hóa.
Kết quả hàng năm Cán bộ; nhân viên Nhà xuất bản Hà Nội đều có những cá nhân tiêu biểu được Liên đoàn lao động quận Hoàn kiếm tặng danh hiệu “Giỏi việc nước-Đảm việc nhà”, “Gia đình CNVCLĐ tiêu biểu”; 90% gia đình Cán bộ; nhân viên đạt “Gia đình văn hóa”, không có gia đình nào có người mắc tệ nạn xã hội.
Là nhà xuất bản hoạt động trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng mang tên Thủ đô, Cán bộ; nhân viên Nhà xuất bản Hà Nội luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của một cơ quan văn hóa để xây dựng gia đình văn hóa.
Minh Tâm