Quảng trường Hà Nội trong những ngày mùa thu năm 1945 lịch sử
Sau khi ra đời, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã nhận sứ mệnh lãnh đạo dân tộc tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng, xây dựng một nước Việt Nam mới độc lập, tự do. Tháng 1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (5/1941), Đảng ta đã xác định: cuộc cách mạng trước mắt là cách mạng giải phóng dân tộc, lực lượng cách mạng phải tập trung mũi nhọn và bọn phát xít xâm lược Nhật - Pháp. Hội nghị chủ trương lập Hội Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) bao gồm các hội cứu quốc của các tầng lớp nhân dân để giải quyết các vấn đề dân tộc.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Ngày 12/3/1945, Đảng ra Chỉ thị “Nhật -Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Ngày 8/5/1945 phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh.
Hội nghị quân sự Bắc Kỳ xác định: “Ở những nơi chưa có điều kiện phát động chiến tranh du kích, hình thức đấu tranh mấu chốt là mít tinh, biểu tình chính trị, vũ trang tuần hành thị uy”. Tại Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu, áp phích của Việt Minh kêu gọi chống Nhật. Nhiều cuộc mít tinh, diễn thuyết nổ ra khắp nơi. Ngày 17/8/1945, báo chí đăng tin phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Buổi chiều, tại quảng trường Nhà hát Lớn diễn ra cuộc mít tinh do Tổng hội viên chức tổ chức để ủng hộ chính quyền bù nhìn. Nhân cơ hội này các tổ chức cứu quốc đã bí mật huy động hàng vạn quần chúng Hà Nội, Hà Đông tham dự. Cuộc mít tinh vừa bắt đầu thì các cán bộ Việt Minh nhảy lên chiếm diễn đàn trước sự ngỡ ngàng, bất lực của lực lượng cảnh sát và bảo an của chính quyền bù nhìn. Nhiều lá cờ đỏ sao vàng được giương cao, một lá cờ đỏ sao vàng rộng lớn được buông từ tầng gác Nhà hát Lớn xuống. Hội viên tuyên truyền báo tin Nhật đã đầu hàng, nói rõ đường lối cứu nước của Việt Minh, kêu gọi nhân dân ủng hộ Việt Minh, đả đảo bọn bù nhìn thân Nhật. Cuộc mít tinh biến thành cuộc tuần hành qua phố Tràng Tiền, rẽ ra Bờ Hồ, qua Hàng Đào, Hàng Ngang, Đồng Xuân, lên Cửa Bắc quay về Cửa Nam rồi giải toán. Đoàn diễu hành hô vang khẩu hiệu: “Ủng hộ Việt Minh”, “Đả đảo bù nhìn”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập”.
Sáng sớm ngày 19/8/1945, cả Hà Nội rực rỡ cờ đỏ sao vàng. Tại Quảng trường Nhà hát Lớn, từ 11 giờ, cuộc mít tinh khổng lồ của gần 20 vạn người được tiến hành rất nghiêm trang, bắt đầu bằng phút chào cờ, mặc niệm và cử hành điệu nhạc “Tiến quân ca”. Lời ca hùng hồn thể hiện ý chí, lòng quyết tâm giành độc lập, tự do cho đất nước của biết bao người Việt lầm than nay đứng lên lật đổ chế độ nô dịch, ngoại xâm. Đại biểu Ủy ban Quân sự cách mạng đọc lời hiệu triệu của Việt Minh. Sau đó cuộc mít tinh biến thành biểu tình vũ trang. Một khối đến phủ Khâm sai Bắc Kỳ (nay là Nhà khách Chính phủ). Anh em tự vệ trèo qua hàng rào sắt xông vào. Quần chúng như nước vỡ bờ, hô vang các khẩu hiệu cách mạng, trấn áp kẻ thù. Lính bảo an giữ phủ Khâm sai đã đầu hàng lực lượng cách mạng. Cờ của Chính phủ bù nhìn được hạ xuống, cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ phủ Khâm sai. Một khối qua Hàng Bài, chiếm Bảo an binh. 1000 lính giữ trại đã đầu hàng cách mạng.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công trọn vẹn trong cả nước và ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, giữa rừng cờ đỏ sao vàng và giữa rừng người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày lịch sử ấy đã đi vào những vần thơ đẹp của Tố Hữu: “Hôm nay sáng mồng hai tháng chín/ Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình/ Muôn triệu tim chờ chim cũng nín/ Bỗng vang lên tiếng hát ân tình/ Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh”. Sau ngày tuyên bố độc lập, Quảng trường Ba Đình đã đi vào lịch sử của cả dân tộc, trở thành nơi khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa được cả thế giới biết đến.
Cho đến hôm nay, quảng trường Ba Đình, quảng trường Nhà hát Lớn vẫn là trung tâm trong những hoạt động văn hóa, chính trị của Thủ đô, là nơi hướng về của triệu triệu trái tim yêu nước mỗi khi nhắc đến những ngày mùa thu lịch sử năm 1945.
Đỗ Giang