Bảo tồn phố nghề trong khu phố cổ Hà Nội
Ngay từ thời Lý - Trần, Thăng Long đã hình thành hai phần: Hoàng thành và Kinh thành. Khu phố cổ hiện nay có nguồn gốc từ phần Kinh thành nằm bên ngoài Hoàng thành. Đó là khu thị dân bao gồm những làng xóm nông nghiệp và một hệ thống bến chợ. Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, Thăng Long - Hà Nội ngày càng đô thị hóa nhanh, kinh tế thủ công và thương mại phát triển. Cả một vùng trù phú phía đông, đông bắc là địa bàn rất thuận lợi cho những hoạt động thủ công, thương nghiệp phát triển nhờ tiếp giáp với sông Hồng và sông Tô, trên bến dưới thuyền bán buôn nhộn nhịp. Phía tây tiếp giáp với khu quan lại quý tộc thông qua các cửa thành (đặc biệt là Cửa Đông) là nơi có thị trường tiêu thụ rất lớn đủ loại hàng hóa xa xỉ phục vụ các tầng lớp vua, quan, tướng, sĩ và gia đình họ. Vì vậy nhiều nghề thủ công như làm đồ mây tre, làm quạt… đều phát triển. Có lẽ các phố “Hàng Tre”, “Hàng Mây”, “Hàng Bồ”, “Hàng Quạt”, “Hàng Nón”, “Hàng Mành” hình thành và tồn tại từ ngày ấy.
Rõ ràng con số 61 phường thời Lý – Trần hoặc 36 phường thời Lê đã nói lên được các hoạt động phong phú trong lĩnh vực sản xuất và buôn bán nhỏ của dân cư Thăng Long qua nhiều thời kỳ lịch sử. Chính địa bàn đó đã hình thành khu Kẻ Chợ - khu trú những hoạt động thủ công và thương nghiệp đặc sắc. Sự phong phú của các mặt hàng sản xuất và buôn bán đã tạo nên hàng loạt những phố “Hàng…” cùng với những tập tục sinh hoạt kiểu cộng đồng nông thôn xâm nhập vào đô thị với những nhà thờ tổ, đình thờ Thành hoàng càng làm cho Kinh thành có thêm những nét độc đáo về văn hóa và tín ngưỡng.
Khu phố cổ Hà Nội dưới thời Pháp thuộc vẫn là khu vực buôn bán sầm uất. Hàng ngày từng đoàn tàu hỏa từ hướng bắc dừng lại phía ga đầu bờ nam sông Hồng để dân buôn bán đổ xuống chợ Bắc Qua, Đồng Xuân với nhiều sản vật cung cấp cho Hà Nội và các địa phương khác.
Từ khi hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1954, cơ cấu dân cư trong khu phố cổ có sự thay đổi đáng kể. Nhà nước trực tiếp quản lý những căn nhà của những gia đình chuyển cư đi nơi khác hoặc đi Nam, phân cho các gia đình chiến khu Việt Bắc trở về và các cán bộ chưa có nhà ở… Kể từ đó, số hộ trong một nhà cứ tăng dần lên… Từ năm 1959, do chính sách cải tạo công thương nghiệp tư nhân cùng với chính sách kinh tế bao cấp, Nhà nước cung ứng mọi nhu yếu phẩm cho dân cư qua hệ thống cửa hàng thương nghiệp, toàn bộ khu phố cổ, nơi buôn bán sầm uất trước đây đã trở thành khu chủ yếu đơn thuần để ở. Phố xá yên tĩnh hơn. Nhiều mặt hàng thủ công truyền thống trong các phố “Hàng: bị mai một. Các hộ sản xuất thủ công và buôn bán nhỏ chỉ còn thưa thớt.
Từ khi thực hiện sự nghiệp đổi mới, nền kinh tế chuyển từ bao cấp sang kinh tế thị trường đã khuyến khích mọi thành phần kinh tế phát triển… buôn bán và nghề thủ công truyền thống dần dà được khôi phục. Trong khu phố cổ hôm nay, cho dù những phố “Hàng” không còn mấy dáng dấp những sản phẩm nghề thủ công một thời, song các sản phẩm gắn với tên phố vẫn còn đọng mãi trong ký ức của người Hà Nội, tạo nên bản sắc của phố phường Thăng Long. Bởi vậy, một số phố nghề truyền thống tồn tại đến hôm nay dẫu ít ỏi và hiếm hoi, càng đáng trân trọng và bảo tồn.
Quá trình phát triển kinh tế Thủ đô trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đời sống người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao tỷ lệ thuận với nhu cầu tiêu thụ đa dạng các loại sản phẩm, hàng hóa, thành phố xuất hiện và hình thành một số phố “Hàng” mới, tạo những trung tâm buôn bán chuyên ngành như phố Hàng Dầu bán giày dép, phố Thuốc Bắc bán khóa, phố Lương Văn Can bán đồ chơi, phố Lê Trực bán đồ thể thao hay phố Cát Linh bán đồ nội thất, vật liệu xây dựng,… Chỉ còn một vài con phố còn kinh doanh nghề truyền thống như phố Lãn Ông, Hàng Thiếc, Hàng Mã…
Để giữ gìn và duy trì phố nghề truyền thống, nhất là một số phố lựa chọn mang bản sắc Tràng An, hiện đang phát huy tác dụng phục vụ nhân dân Thủ đô và du khách bốn phương, Thành phố Hà Nội cần lập dự án ô phố và các tuyến phố trọng điểm thuộc khu phố cổ, trong đó có phố nghề cần duy trì, đầu tư chỉnh trang hạ tầng đường, hè; tu bổ các nhà cổ đã được xác định bảo tồn; khuyến khích các hộ sản xuất buôn banscacs hàng truyền thống bằng cách giảm thuế và một số chính sách khuyến khích khác; vận động các hộ gia đình xây dựng cửa hàng văn minh, trang trọng, lịch sự để thu hút khách tham quan du lịch và đến mua hàng. Với những con phố còn đình hay đền thờ ông tổ nghề, Nhà nước cần đầu tư để tu bổ, nâng cấp, đặc biệt là giải phóng mặt bằng các hộ lấn chiếm do lịch sử để lại.
Bảo tồn khu phố cổ, không thể không giữ gìn và phát huy các phố nghề truyền thống Thăng Long - Hà Nội. Bởi, ấn tượng phố cổ Hà Nội là ở đó còn dấu tích một không gian đô thị ngàn năm với các đường phố chằng chịt bàn cờ, những ngôi nhà xưa, những di tích lịch sử, văn hóa và những phố nghề truyền thống được duy trì.
Linh Trần tổng hợp