Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 01/11/2017 10:49
Những pho sử bằng đá

 Những tấm bia đá dựng ở đình, chùa, miếu, đền, văn chỉ, nhà thờ dòng tộc khắp nơi là những thông điệp của người xưa truyền lại cho con cháu. Chính nhờ những bài văn bia ấy mà ta biết được bao điều sử sách không ghi lại, những tư liệu quý về vùng đất và con người Thăng Long.Nhờ những tám bia đá mà chúng ta có thể biết rõ di tích này, đình chùa kia có từ thời nào, qua những lần trùng tu nào, những tên đất, tên người cùng với bao tập tục của chốn đô thành.

 

Một trong những tấm bia cổ nhất của thành Thăng Long - Hà Nội còn lưu giữ được tới ngày nay là bia đá dựng ở cổng chùa Kim Liên, làng Nghi Tàm nay thuộc Quảng An, quận Tây Hồ. Bia đã mòn, nhiều chữ đã mờ, nhưng vẫn đọc được niên hiệu Thái Hòa tam niên Ất Sửu, tức là năm Thái Hòa thứ ba, Ất Sửu, đời Lê Nhân Tông (1443 -1459), tính ra dương lịch là năm 1445, cách nay 560 năm. Tấm bia này có trước cả tấm bia dựng ở Văn Miếu năm 1487 tôn vinh những người đỗ tiến sĩ.

Bài văn bia cổ nhất là bản ngọc phả về tướng Trần Lựu khắc trên bia đình Thanh Hà, chép năm 1430, năm Thuận Thiên thứ ba, đời vua Lý Thái Tổ, do Lễ bộ thượng thư Nguyễn Hiền sao lục.

Nếu không có văn bia chùa Hòe Nhai nay ở số 19 Hàng Than viết năm Chính Hòa thứ 19 (1698) đời Lê Huy Tông (1676 - 1705), nói chùa ở phía Nam bến Đông Bộ Đầu thì chúng ta khó có thể xác định địa điểm của trận chiến thắng của quân dân nhà Trần đánh giặc Nguyên ở Thăng Long năm 1258.

Nhờ văn bia ở thôn Thanh Hà có câu: “Thôn chúng tôi khoảng năm Minh Mệnh (1820 - 1840) mở cửa Đông Hà ở La Thành, đường cái chạy thẳng ra, từ đấy mới đổi là hộ, là phố; còn xưa dân quân ở quần tụ như một xóm quê thôi…”, mới rõ của Ô Quan Chưởng có từ khi nào.

Bia chùa Càn An thôn Nam Đồng dựng năm Vĩnh Tộ thứ ba (1621) đời vua Lê Thần Tông (1619 - 1643), kể lại lai lịch một vị tăng quê ở thôn Thượng, xã Yên Lãng, huyện Thanh Trì. Nhờ tấm bia này mà chúng ta biết được làng Láng trước thuộc Thanh Trì, sau mới chuyển về Từ Liêm.

Bia đình Đồng Lạc ở 38 Hàng Đào cho chúng ta biết đã từng có một chợ bán yếm lụa tại đây khoảng giữa thế kỷ XIX. Bia đình Hòa Lộc cung cấp thông tin về những người dân làng Đan Loan, huyện Bình Giang, xứ Hải Đông (Hải Dương) gồm 7 dòng họ là: Vũ, Phạm, Lê, Dương, Bùi, Đoàn, Đào đã ra cư ngụ tại Hà Nội khá đông, tập trung ở Hàng Đào buôn bán và làm nghề nhuộm vốn là nghề gốc của làng; do tụ hội ở chốn phồn hoa nên đặt tên cho chợ là Hoa Lộc. Đến năm Vĩnh Thịnh đời Lê (1705 - 1719), bà con quyên góp mua được khu đất ở  Đại Lợi (tên cũ là Thái Cực) phố Hàng Đào, xây đền thờ Vọng Phúc thần ở quê nhà, cũng gọi là đình Hoa Lộc. Bia miếu Hồng Mai nay là phố Bạch Mai dựng năm 1669 xác nhận làng này xa xưa đã được triều đình trao cho đặc quyền giết mổ và thui trâu bò dùng trong các cuộc tế lễ, do đó đã trở thành nghề cổ truyền của cả vùng Kẻ Mơ.

Trên tường cửa Ô Quan Chưởng bây giờ ta còn thấy tấm bia đá năm 1878 của Hoàng Diệu, quan Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội và Ninh Bình), khắc toàn văn lệnh nghiêm cấm quân canh phòng sách nhiễu dân chúng. Có thể coi đây là bằng chứng về việc chống tham nhũng của người xưa.

Khá nhiều văn bia mô tả cảnh đẹp của các đình, đền, chùa ở kinh thành, làm cho người dân cảm thấy tự hào về thiên nhiên tráng lệ chốn nghìn năm văn hiến. Bia chùa Đông Môn ở 38 B Hàng Đường khắc năm 1639 miêu tả: “Dải sông Nhị phô bày trước mặt, long lanh nghìn tầm, thành Long Biên dăng khắp sau lưng, cao hàng trăm trữ…”.

Bia chùa Trấn Quốc viết năm 1815 có đoạn: “Nước hồ trong suốt, khiến lòng người không hư, tiếng chuông chùa ngân vang, khiến mộng trần thức tỉnh… Bậc cao nhân dật sĩ thêm cách nhìn thấu đạt, khách văn chương tao nhã có chốn để viếng thăm, há chanwrng phải dừng ở nơi đấy sao?”.

Những bài ký trên bia đã góp phần quan trọng hình thành thể ký trong văn học Việt nam thời cổ, được tuyển chọn vào nhiều tập văn tuyển các thế kỷ trước. Qua tên họ tác giả những bia hay, ta nhận ra những cây bút tài hoa một thời. Nào là trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính, Phùng Khắc Hoan, thám hoa Vũ Thanh, nhà sử học Lê Tung, những nhà văn hóa như: Phạm Quý Thích, Đỗ Lệnh Thiện, Phan Huy Ích, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Lý…

Bìa còn là những công trình điêu khắc có giá trị, là vốn cổ để tìm hiểu lịch sử nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật thư pháp qua các thời kỳ. Chúng ta chưa thể thống kê hết số bia đá còn lại ở địa bàn thành phố Hà Nội chơ tới nay, chỉ tính riêng ở Thư viện Hà Nội đã thu thập 1500 bản rập văn bia. Còn khá nhiều văn bia vô chủ, bị phá hủy, thất lạc hoặc dùng sai mục đích. Để góp phần giữ gìn vốn văn hóa phi vật thể của Thăng Long - Hà Nội, ngành văn hóa và các cấp chính quyền cần làm thống kê, rập thác bản và thu gom những tấm bia này cho dịch nghĩa và xuất bản.

 

Trần Duy tổng hợp

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)