Nhưng rồi, truyền thuyết kể lại rằng, do sự nhẹ dạ, ngây thơ của công chúa Mị Châu, quá tin vào tình yêu với Trọng Thủy – con trai của kẻ thù – một bí mật quốc gia đã bị tiết lộ, vũ khí lợi hại của cả dân tộc đã rơi vào tay giặc, cuộc kháng chiến thất bại, cả dân tộc chìm vào đêm trường nô lệ của 1000 năm Bắc thuộc. Sau đó, với chiến thắng Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền đã chấm dứt gần 1000 năm đen tối dưới sự cai trị của các quốc gia phương Bắc. Cổ Loa lại một lần nữa được chọn làm nơi xây dựng kinh đô của triều đình nhà Ngô. Nhưng sau đó không lâu, triều đình non trẻ ấy không thể chống đỡ nổi những thử thách nghiệt ngã của lịch sử, chính quyền Cổ Loa tan rã, đất nước lại rơi vào loạn lạc.
Sau thời điểm này, dù trong lịch sử không một lần nào khác được chọn làm kinh đô của các vương triều, nhưng có thể nói Cổ Loa đã hoàn thành sứ mạng lịch sử vĩ đại của mình, trở thành nơi khơi dòng, để lại những bài học lịch sử vô cùng quý giá về nghệ thuật xây thành, về ý thức chống giặc ngoại xâm. Và cũng chính từ điểm tựa vững chắc, ông cha ta, sau khi đã quá độ qua Hoa Lư, đã lựa chọn Thăng Long với thế “rồng cuộn, hổ ngồi”, làm nơi xây dựng kinh đô “muôn đời của các bậc đế vương”.
Đã 1000 năm thấm thoát trôi qua, hôm nay khi chúng ta trở lại Cổ Loa tất cả đã đổi thay, mới mẻ. Những ngôi nhà khang trang, mọc lên san sát, những con đường trải nhựa phẳng lì, những làng thủ công thi nhau phát triển, những khu chợ tấp nập đông vui. Nhưng vẫn còn đó dấu tích của lịch sử: Những đoạn thành kiên cố, am Mị Châu, giếng Trọng Thủy, miếu thờ An Dương Vương, những di chỉ khảo cổ với hàng nghìn hiện vật đặc sắc…, bằng chứng về lịch sử đau thương mà hào hùng của nhân dân Cổ Loa.
Với sự kết hợp, tích tụ của giá trị lịch sử vô giá và diện mạo đổi thay nhanh chóng của Cổ Loa trong quá trình đô thị hóa đã có một sức cuốn hút vô cùng kì lạ với các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực: khảo cổ học, nhân học, sử học, kinh tế học, xã hội học, văn hóa… Từ những năm sáu mươi của thế kỷ XX và liên tục cho đến những năm đầu của thế kỷ XXI, Cổ Loa trở nên thân thuộc với thầy trò khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (tiền thân là Đại học Tổng hợp) mà trước hết là hai bộ môn Khảo cổ học và Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại, với nhiều cuộc điền dã lớn, nhiều cuộc khai quật lớn, điều tra, điền dã hết sức quy mô, trong đó có nhiều nhóm nghiên cứu do GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc đứng đầu. Trên cơ sở tập hợp các kết quả nghiên cứu, năm 2017, cuốn Địa chí Cổ Loa đã ra mắt bạn đọc, lần đầu tiên cung cấp một cái nhìn toàn diện về mảnh đất Cổ Loa lịch sử và được bạn đọc xa gần cũng như giới nghiên cứu chuyên sâu hoan nghênh, đón nhận.
Cuốn sách "Địa chí Cổ Loa"
Nhưng mảnh đất giàu truyền thống này vẫn tiểm ẩn những bí mật hết sức thú vị. Chính vì vậy, trong khuôn khổ của Dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”, với mối thâm tình với Nhà xuất bản, nhóm nghiên cứu nhận lời hoàn thiện cuốn sách này, tiếp tục trở lại Cổ Loa với những đợt điều tra, điền dã sâu hơn, rộng hơn.
Viết địa chí cho một địa phương không phải là vấn đề khoa học mới mẻ, song nó đòi hỏi sự công phu, sự đầu tư rất lớn về thời gian, nhân lực và kinh phí. Nhưng với kinh nghiệm hết sức dạn dày, nhóm biên soạn đã bắt tay vào thực hiện bản thảo với nỗ lực rất cao, trong một thời gian ngắn cuốn sách đã được hoàn thành với diện mạo mới mẻ và toàn diện hơn. Cuốn sách triển khai thành bốn phần lớn đi theo logic của vấn đề, từ vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đến lịch sử, kinh tế, văn hóa. Những thông tin đều được diễn giải một cách chi tiết, cụ thể, minh họa bằng các bảng, biểu hết sức sinh động, đặc biệt cập nhật những kết quả nghiên cứu mới nhất. Sự có mặt của cuốn sách “Địa chí Cổ Loa” trong Tủ sách thực sự đã cung cấp cho độc giả một nguồn tư liệu hết sức phong phú và khá toàn diện từ lịch sử, địa lý, kinh tế, văn hóa của một mảnh đất là kinh đô của hai triều đại, mảnh đất chứa đựng nhiều bí ẩn lịch sử, là một món quà quý trong dịp Đại lễ Thăng Long 1000 năm tuổi. Cuốn sách một lần nữa chứng minh Cổ Loa là một đề tài không mới nhưng chắc chắn vẫn có tiềm ẩn nhiều điều thú vị cần tiếp tục khám phá.
Phòng DVXBTT
(Nhà xuất bản Hà Nội)