ĐỂ NHÀ XUẤT BẢN HÀ NỘI - XỨNG TẦM LÀ NHÀ XUẤT BẢN DUY NHẤT CỦA THỦ ĐÔ
Thành lập năm 1979, Nhà xuất bản Hà Nội trong suốt 38 năm qua luôn xác định: Thủ đô là nơi tiêu biểu cho quá trình hình thành và phát triển văn hóa của cả nước; xác định chỉ văn hóa mới nâng tầm Thủ đô, vậy nên, các thế hệ cán bộ, biên tập viên, người lao động Nhà xuất bản đều dành nhiều tâm huyết, công sức để cho mỗi sản phẩm văn hoá thực sự có giá trị bền vững, là vốn quý cho các thế hệ mai sau.
Là đơn vị thực hiện công tác văn hóa, tư tưởng nhưng hoạt động lại theo mô hình doanh nghiệp, tự hoạch toán, là một nhà xuất bản địa phương, không có cơ chế đặc thù riêng biệt trong khi đó phải đương đầu với: nạn in lậu, in nối bản, vi phạm bản quyền tràn lan và ngang nhiên; văn hóa đọc có sự sa sút trông thấy; nhiều tác giả in sách dễ dãi; giá sách còn quá cao so với sức mua... cùng với đó là tiền thuê đất… khiến cho Nhà xuất bản Hà Nội gặp không ít khó khăn trong việc đảm bảo công ăn việc làm, thu nhập cho cán bộ, biên tập viên, người lao động.
Trong 9 tháng đầu năm 2017, Nhà xuất bản Hà Nội đã xuất bản được 352 đầu sách với các lĩnh vực: chính trị - kinh tế - xã hội, văn học nghệ thuật, giáo dục, thiếu nhi với tổng số trên 3 triệu bản sách, trong đó, sách liên kết chiếm tỷ lệ 85% (299/352 đấu sách). Trong mối quan hệ liên kết này, Nhà xuất bản cũng chỉ đóng vai trò hợp thức hóa về mặt tư cách pháp nhân cho ấn phẩm, NXB không có tác động tới chất lượng in ấn và khả năng phát hành, lợi nhuận từ thu quản lý phí rất ít ỏi.
Để Nhà xuất bản Hà Nội thực sự là “người gác cửa”, là công cụ giáo dục chính trị tư tưởng, phổ biến đường lối chủ trương chính sách của Đảng bộ và chính quyền Thành phố cùng với việc định hướng thị hiếu thẩm mỹ cho bạn đọc Thủ đô thì hơn hết lãnh đạo Thành phố có chủ trương, định hướng với các sở, ban ngành, các đơn vị quận/huyện/ thị xã của Hà Nội cùng phối hợp với Nhà xuất bản Hà Nội trong hoạt động xuất bản, góp phần đồng bộ hóa hệ thống pháp luật liên quan đến công tác xuất bản, phát hành và kinh doanh ấn phẩm cùng các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ hoạt động này.
Với việc chuyển các tài liệu, bản thảo về Nhà xuất bản Hà Nội để thực hiện công tác biên soạn, biên tập ngoài nâng cao chất lượng xuất bản phẩm (cả nội dung - hình thức, bao gồm cả xuất bản phẩm điện tử) còn góp phần kiểm soát nội dung, đồng thời giảm đến mức thấp nhất những tiêu cực và bất cập trong công tác xuất bản của Thủ đô.
Về mặt quản lý của cơ quan chủ quản, theo Nghị định số: 195/2013/NĐ-CP, ngày 21/11/2013, tại Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản:
1. Ban hành theo thẩm quyền quy hoạch, kế hoạch phát triển hoạt động xuất bản tại địa phương; ban hành, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật và chính sách của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản tại địa phương.
2. Cấp, cấp lại, cấp đổi, thu hồi các loại giấy phép, giấy xác nhận đăng ký theo quy định của Luật xuất bản và Nghị định này.
3. Nhận, quản lý, tổ chức đọc, kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu và xử lý xuất bản phẩm vi phạm theo quy định của Luật xuất bản, Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đối với xuất bản phẩm do mình cấp giấy phép xuất bản.
4. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, thống kê và công tác thi đua, khen thưởng trong hoạt động xuất bản theo quy định của pháp luật.
5. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xuất bản theo thẩm quyền.
Việc chủ trương, định hướng các xuất bản phẩm phải qua Nhà xuất bản Hà Nội biên tập sẽ góp phần thực hiện mục tiêu mà đồng chí Nguyễn Đức Chung - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã nêu nhân dịp khai trương Phố Sách Hà Nội ngày 1/5/2017: “Hà Nội sẽ tham gia rộng hơn và đồng hành cùng các đơn vị xuất bản tham gia sâu hơn trong việc giao lưu, mua bán bản quyền tại các Hội chợ sách quốc tế. Ngoài việc mang về cho bạn đọc trong nước những tác phẩm, những đầu sách có giá trị, còn là việc định hướng giới thiệu các tác phẩm của tác giả, nhà xuất bản trong nước, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới”.
Nhà xuất bản Hà Nội mong muốn cơ quan chủ quản có sự quan tâm đúng mức trong quản lý, hỗ trợ đầu tư và điều chỉnh, thẩm định hoạt động xuất bản phẩm của Thủ đô; xây dựng cơ chế phối hợp, chỉ đạo hiệu quả giữa cơ quan chủ quản với các cơ quan chỉ đạo, quản lý ngành và với Nhà xuất bản Hà Nội để Nhà xuất bản thực sự xứng tầm là nhà xuất bản duy nhất của Thủ đô.
Đàm Ly