Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 25/09/2018 02:34
Sự phát triển văn hóa đọc ở Nhật Bản và kinh nghiệm cho Việt Nam

 

Nhật Bản là đất nước có văn hóa đọc phát triển mạnh mẽ, hơn hẳn các nước ở xung quanh. Hãy cùng tìm hiểu đôi nét về văn hóa đọc ở Nhật Bản và từ đó rút ra những kinh nghiệm cho Việt Nam.

 

Theo một cuộc điều tra của cơ quan truyền thông cho biết năm 2010 ở Nhật Bản có tới 15.314 hiệu sách, có 3165 thư viện ( năm 2008). Số liệu thống kê của cuộc điều tra này qua các năm cũng cho thấy số lượng thư viện ở Nhật Bản liên tục tăng từ năm 1963. Cũng theo bản báo cáo này thì 100% các tỉnh, 98% thành phố, quận, 59.3% khu phố, 22.3% làng có thư viện. Số lượng nhân viên thư viện trung bình là 10.3 người/thư viện trong đó có 4.6 người có trình độ chuyên môn. Các thư viện này ngoài hoạt động cho mượn sách còn tổ chức các ngày hội đọc sách, thưởng thức sách, triển lãm sách, đọc sách cho trẻ em nghe…

Đối với hoạt động đọc sách trong trường học thì từ năm 2007 khi Luật giáo dục trường học được sửa đổi, cụm từ “làm cho học sinh quen với việc đọc sách” đã được đưa vào điều khoản quy định về “mục tiêu giáo dục”. Số liệu thống kê cũng cho biết số lượng thủ thư trong các trường tiểu học và trung học cơ sở ở Nhật Bản vẫn tiếp tục gia tăng.

Trong xã hội, đọc sách đã trở thành một thói quen thường ngày của người Nhật. Kết quả cuộc “Điều tra cơ bản đời sống xã hội” của Bộ nội vụ Nhật Bản năm 2006 (5 năm điều tra một lần) cho biết có 41.9% những người được hỏi (trên 10 tuổi) có thói quen “đọc sách như là một thú vui”.

Ở Nhật trong đời sống thường ngày người ta cũng dễ dàng nhìn thấy cảnh người dân đọc sách tên tàu điện, xe buýt, nhà ga, sân bay, trong công viên…Nhìn tổng thể, trung bình một người Nhật đọc 12-13 cuốn sách/năm (2016).

Ở Nhật Bản còn có nhiều hội đoàn ra đời từ phong trào đọc sách và lãnh đạo phong trào đọc sách. Chẳng hạn như Hội đọc sách Nhật Bản (The Japanese Reading Association). Tổ chức này được lập ra với mục đích nghiên cứu, tiếp cận việc đọc sách dưới góc độ khoa học để từ đó công bố các kết quả nghiên cứu hỗ trợ cho văn hóa đọc ở Nhật Bản. Những công trình nghiên cứu về đọc sách của hội viên được công bố trên tạp chí “Khoa học đọc sách” của hội. Hàng năm hội cũng có trao giải thưởng cho những người có những luận văn xuất sắc hoặc có cống hiến đặc biệt về lý luận, thực tiễn cho phong trào đọc sách ở Nhật Bản. Ví dụ như trong lần trao thưởng thứ 50 (2016) hội này đã trao “Giải thưởng khuyến khích nghiên cứu khoa học đọc sách” cho ba cá nhân người Nhật.

Nhật Bản cũng có rất nhiều tờ báo và tạp chí quan tâm đến tình hình đọc sách và thúc đẩy văn hóa đọc trong đó tiêu biểu là tờ báo chuyên về văn hóa đọc có tên “Báo đọc sách Nhật Bản” (Nhật Bản độc thư tân văn) thuộc Hiệp hội xuất bản Nhật Bản. Thú vị hơn nữa là ở Nhật Bản, người ta còn sử dụng đọc sách như là một liệu pháp điều trị những căn bệnh có liên quan đến tinh thần-tâm lý như trầm cảm, rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên… Hội liệu pháp đọc sách Nhật Bản (The Japanese Biliotherapy Association) là nơi tập hợp những người ủng hộ và áp dụng liệu pháp điều trị này.

Có rất nhiều yếu tố làm nên sự phát triển rực rỡ của văn hóa đọc ở Nhật Bản, tuy nhiên có hai yếu tố cơ bản được nhắc đến ở bài viết này, đó là:

Thứ nhất là yếu tố truyền thống. Ngay từ thời cổ đại và trung đại, người Nhật đã có tinh thần chủ động học hỏi khi cử những sứ giả, nhà sư và học sinh có tài năng sang Trung Quốc du học và mang về các thư tịch quý hiếm, cần thiết cho phát triển văn hóa, xây dựng đất nước. Dưới thời Edo (1603 -1867), Nhật Bản đã có tỉ lệ người biết đọc, biết viết khá cao (nhiều học giả cho rằng vào thời gian này trên 50% người Nhật biết đọc biết viết). Ngành xuất bản thời Edo cũng rất phát triển với số lượng xuất bản phẩm lớn và phong phú. Đặc điểm này có mối quan hệ mật thiết với sự thành công của Minh Trị Duy tân sau này. Trình độ “dân trí” cao với biểu hiện cụ thể là tỉ lệ người biết đọc biết viết lớn là tiền đề quan trọng của cải cách mà các nước châu Á khác khi đó không có. Thứ hai là vai trò của nhà nước và các cơ quan có trách nhiệm. Sau năm 1945, để phục hưng đất nước và phát triển văn hóa, giáo dục, chính phủ Nhật Bản đã có rất nhiều những biện pháp và chính sách cụ thể. Chẳng hạn Quốc hội Nhật Bản đã thông qua hai bộ luật quan trọng thúc đẩy cho sự phát triển của văn hóa đọc ở quốc gia này.


Từ việc tìm hiểu về văn hóa đọc của Nhật Bản nói trên, chúng ta sẽ thấy rằng để phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam cả nhà nước và người dân đều phải làm tốt nghĩa vụ của mình và hợp tác cùng nhau. Về phía nhà nước và các cơ quan có trách nhiệm cần phải có những bộ luật, chính sách hợp lý để tạo ra hành lang pháp lý và hỗ trợ tối đa những hoạt động liên quan đến văn hóa đọc. Một bộ luật về chấn hưng, phát triển văn hóa đọc đang trở thành nhu cầu cấp thiết. Bộ luật này sẽ làm rõ trách nhiệm của chính phủ, các bộ ngành có liên quan cũng như chính quyền địa phương và các cơ quan, đoàn thể trong việc phát triển văn hóa đọc. Điều đó sẽ giúp cho hoạt động phát triển văn hóa đọc diễn ra trên toàn quốc một cách có hệ thống cũng như động viên tối đa những nguồn lực có sẵn cho sự nghiệp này.

Về phía người dân cần phải tích cực, chủ động tham gia vào việc phát triển văn hóa đọc bằng những hoạt động cụ thể như lập quỹ khuyến học, lập tủ sách gia đình, xây dựng hệ thống thư viện tư nhân…trên toàn quốc. Sự hợp tác giữa những cá nhân có cùng mối quan tâm và khát vọng phát triển văn hóa đọc cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy văn hóa đọc trên toàn quốc phát triển. Những cá nhân này cần liên kết, hợp tác với nhau dưới nhiều hình thức phong phú như diễn đàn, câu lạc bộ, nhóm…để trao đổi thông tin, kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau.

Suy cho cùng thành bại của mọi chính sách hay công cuộc cải cách đều nằm ở trong sự chuyển biến của từng người dân. Vì vậy, mỗi bậc phụ huynh, thầy cô giáo, mỗi gia đình phải trở thành thành viên tích cực đầu tiên trong việc xây dựng văn hóa đọc. Để làm được điều đó thì điều trước tiên là tự bản thân mỗi một người phải có được thói quen đọc sách.

Trần Linh tổng hợp

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)