Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 25/09/2018 02:36
Tổ chức quân đội nước Đại Việt thời Trần

 

Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, tiếp sau nhà Lý, vương triều Trần đã xây dựng một triều đại thịnh trị, ổn định, để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử, văn hóa dân tộc, đặc biệt “Hào khí Đông A” còn vang mãi. Thời Trần còn để lại những mốc son trong lịch sử bởi ba lần chiến thắng quân Nguyên - Mông, giữ trọn bờ cõi Đại Việt. Để có được những chiến thắng vang dội ấy, các vị vua nhà Trần luôn chú trọng xây dựng và tổ chức quân đội trong suốt cả thời kỳ trị vì của mình.

 

Tiếp nối nhà Lý, các vị vua nhà Trần rất chú trọng việc xây dựng quân đội, chỉnh đốn quân binh. Quân đội chủ lực được chia thành cấm quân và quân các lộ. Cấm quân được chú ý xây dựng, gọi là quân túc vệ. Năm 1246, nhà Trần thực hiện bước tiến lớn trong việc xây dựng cấm quân. Trần Thái Tông đặt ra các vệ tứ thiên, tứ thánh, tứ thần: Quân các lộ Thiên Trường, Long Hưng nhập vào quân Thiên Thuộc, Thiên Cương, Chương Thánh, Củng Thần; Quân các lộ Hồng châu, Khoái châu nhập vào các quân tả hữu Thánh Dực; Quân các lộ Trường Yên, Kiến Xương nhập vào các quân Thánh Dực, Thần Sách. Năm 1267, Thái Tông lập thêm Toàn Kim Cương đô, Chân Thượng đô, Cấm vệ thủy dạ xoa đô, Chân Kim đô. Sang thế kỷ XIV, cấm quân được tăng cường. Năm 1311, Trần Anh Tông lập thêm quân Vũ Tiệp; năm 1374 Trần Duệ Tông lập thêm các quân Uy Tiệp, Bảo Tiệp, Long Tiệp, Long Dực, Tả ban, Hữu ban; năm 1378 đời Trần Phế Đế, nhà Trần lập thêm các quân Thần Dực, Thiên Uy, Hoa Ngạch, Thị Vệ, Thần Vũ, Thiên Thương, Thiết Giáp, Thiết Liêm, Thiết Hồ, Ô Đồ.

Đứng đầu mỗi quân là một đại tướng quân. Mỗi quân có 30 đô, chỉ huy mỗi đô có chánh phó đại đội. Mỗi đô có 5 ngũ, đứng đầu mỗi ngũ là đầu ngũ. Ước tính số cấm quân khoảng 2 vạn người đóng ở Thăng Long, Tức Mặc và một số địa phương quan trọng. Đây là quân chuyên nghiệp, là lực lượng tinh nhuệ nhất, tuyển chọn kỹ lưỡng, chủ yếu có nhiệm vụ bảo vệ hoàng gia và triều đình. Cấm quân ở kinh thành Thăng Long có thích chữ "Thiên tử quân" vào trán, do tông thất hoặc người được đặc biệt tin tưởng chỉ huy, gọi là Điện tiền chỉ huy sứ (gọi tắt là điện súy). Cấm quân là lực lượng nòng cốt trong chiến tranh chống ngoại xâm, có thể được điều động đi các lộ để tác chiến.

 Lộ quân làm nhiệm vụ phòng giữ ở các lộ. Mỗi lộ quân có khoảng 20 phong đoàn. Giữa thế kỷ XIVTrần Dụ Tông đặt thêm Bình hải quân ở Hải Đông. Sau này Trần Duệ Tông tăng thêm các lộ quân Thiên Trường, Bắc GiangThanh HóaNghệ AnTân BìnhThuận Hóa.

Ngoài cấm quân và lộ quân còn có quân của các quý tộc. Khi có lệnh của vua, các vương hầu được phép chiêu mộ quân riêng. Lực lượng này đóng vai trò đáng kể trong cuộc chiến chống Mông Nguyên. Gồm hai loại: Sương quân (là quân của các đại gia tộc hay các quan quyền thế nhưng không thuộc họ vua); vương hầu quân (do các quý tộc thuộc hoàng gia chiêu mộ, tự tổ chức huấn luyện và trang bị).

Nhằm có lực lượng đông đảo cần thiết khi chống xâm lược, nhà Trần kế tục chính sách ngụ binh ư nông (giữ quân lính ở nhà nông) của nhà Lý, vừa đảm bảo số quân cần thiết phòng khi có chiến tranh xảy ra. Việc lấy quân của nhà Trần không có số nhất định, chỉ chọn dân binh khỏe mạnh thì lấy, cứ 5 người 1 ngũ, 10 người 1 đô. Khi có việc mới gọi những người này, nếu không thì cho họ ở nhà làm ruộng.Nhờ chính sách này, lực lượng quân đội nhà Trần khá đông. Đồng thời nhà Trần áp dụng chính sách quân sự như nhà Lý, binh lính túc vệ đều phát bổng hàng năm, còn binh địa phương cho về làm ruộng để đỡ tốn lương.

Nhà Trần thực hiện chặt chẽ việc quản lý nhân đinh trong cả nước bằng cách làm sổ hộ theo phép cũ của nhà Lý, ba năm một lần. Sách Lịch triều hiến chương loại chí cho biết, mọi đinh nam khỏe mạnh đến tuổi trưởng thành được ghi vào sổ và đều có nghĩa vụ binh dịch, lúc cần, Nhà nước có thể “chiếu sổ gọi ra làm lính” (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Nxb KHXH, H. 1993, tr.5); Đại ước, người trúng tuyển thì sung vào quân ngũ, người hạng kém thì biên tên vào sổ, có việc mới gọi ra, niên hạn lâu chóng có lẽ không nhất định” Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 2, Nxb Giáo dục, H. 2007, tr.335); “Việc lấy quân không có số nhất định; chỉ chọn dân đinh nào khỏe mạnh thì lấy” (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Nxb KHXH, H. 1993, tr. 105). Như vậy, trên cơ sở “Sổ quân”, hằng năm các địa phương sẽ tuyển người khỏe mạnh sung vào quân ngũ, số chưa được tuyển thì ở nhà sản xuất và tham gia dân binh, sẵn sàng nhập ngũ khi có lệnh. Nhờ cách làm này, thời bình vẫn đủ lực lượng canh phòng, thời chiến huy động được lực lượng lớn cho quân đội và thực hiện chiến tranh nhân dân, như Phan Huy Chú cho biết: trong thời bình “Quân số chưa đầy 10 vạn”, nhưng trong kháng chiến chống Mông – Nguyên đã có lúc triều đình huy động được 20-30 vạn, v.v.

Nhà Trần hết sức coi trọng việc rèn luyện tướng sĩ và quân lính; trong đó, Giảng võ đường được coi là trường học cao cấp về quân sự. Trần Quốc Tuấn đã dày công nghiên cứu, biên soạn cuốn “Binh thư yếu lược” và “Vạn kiếp tông bí truyền thư” để làm tài liệu giảng dạy. Tại đây, việc học tập là bắt buộc; vua và các vương hầu cùng võ tướng cao cấp được học binh thư, binh pháp, cách bày trận, phá trận. Trong quá trình huấn luyện, tùy theo các loại vũ khí sử dụng mà luyện tập.

Có thể nói, với những chính sách quân đội nghiêm ngặt nhà Trần đã xây đựng được đội “quân hùng tướng mạnh” sẵn sàng chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Do đó Trần đã làm nên những chiến thắng lịch sử trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông.

Vũ Anh (tổng hợp)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)