NHÀ XUẤT BẢN HÀ NỘI - TÌM HƯỚNG PHÁT TRIỂN TRONG CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG
Cũng như nhiều Nhà xuất bản khác trong tình hình hiện tại, thách thức lớn nhất đối với Nhà xuất bản Hà Nội chính là làm thế nào để vừa thực hiện chức năng là công cụ sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng lại vừa đảm bảo phát triển như một ngành kinh tế trong cơ chế thị trường định hướng XHCN. Thực tế phát triển của Nhà xuất bản trong thời gian qua là hệ quả tác động của mặt trái cơ chế thị trường và những khó khăn, lúng túng trong việc tìm hướng phát triển ổn định. Trải qua nhiều thăng trầm, Nhà xuất bản Hà Nội kiên quyết không chạy theo xu hướng thương mại hóa trong xuất bản, mặt khác luôn trăn trở tìm cách đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các ấn phẩm cả về nội dung lẫn hình thức, bước đầu tạo dựng được thương hiệu trong thị trường xuất bản.
Trong những năm gần đây, mặc dù chịu ảnh hưởng trực tiếp của suy giảm kinh tế, nhưng Nhà xuất bản vẫn giữ vững được vị thế của một Nhà xuất bản Thủ đô. Từ chỗ xuất bản chỉ trên dưới 30 đầu sách mỗi năm khi mới thành lập, đến nay hàng năm xuất bản trên dưới 500 đầu sách với số lượng hàng triệu bản. Số lượng và chất lượng sách của Nhà xuất bản đã vượt tầm một nhà xuất bản địa phương, đáp ứng nhu cầu và trình độ thưởng thức ngày càng cao không chỉ của độc giả Thủ đô mà cho độc giả cả nước. Nhiều ấn phẩm của Nhà xuất bản Hà Nội đã đạt giải cao (giải vàng, giải bạc) về sách hay, sách đẹp hàng năm.
Tuy nhiên, Nhà xuất bản Hà Nội đang đứng trước những khó khăn thách thức rất lớn để có thể ổn định và tiếp tục phát triển. Hiện nay, Nhà xuất bản chưa có cơ sở in và phát hành. Mô hình xuất bản khép kín 3 khâu: xuất bản, in, phát hành đang là một xu hướng mà nhiều nhà xuất bản lớn hướng tới. Để xây dựng được mô hình này, cần sự đầu tư lớn và dài hạn. Nhà xuất bản Hà Nội cũng đang trong quá trình tiến tới mô hình này nhưng chắc chắn khó khăn không nhỏ. Mặt khác, trong những năm gần đây, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn hội nhập và phát triển của Thủ đô và đất nước, Nhà xuất bản Hà Nội đã lựa chọn tiến hành đổi mới mở rộng liên danh liên kết, tạo dựng mối quan hệ với các ban, ngành, với các Nhà sách để mở rộng thị trường. Mở ra nhiều nguồn việc, không phụ thuộc vào nguồn sách liên kết, đảm bảo việc làm, thu nhập cho cán bộ nhân viên là những lo lắng, trăn trở hàng đầu của tập thể lãnh đạo, nhân viên nhà xuất bản trong những năm qua.
Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ biên tập viên, kỹ thuật viên kế cận cũng là nhu cầu cấp thiết khi thực tế trong gần 40 năm hoạt động thì có thời gian 20 năm, Nhà xuất bản không tuyển dụng người mới. Thế hệ cán bộ, nhân viên của Nhà xuất bản hiện nay đều được tuyển dụng khoảng từ những năm 2005, 2006 trở lại đây. Hơn 10 năm tuổi nghề, lại buộc phải thay đổi để thích nghi với tình hình mới (biên tập viên vừa phải tự khai thác nguồn việc, vừa làm công tác chuyên môn) là một gánh nặng không nhỏ. Mặt khác, sự cạnh tranh của các phương tiện nghe nhìn đối với văn hóa đọc, sự xuất hiện của các trang mạng, sách điện tử… ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển cả bề rộng và chiều sâu của hoạt động xuất bản.
Đây là những bài toán lớn, đòi hỏi Nhà xuất bản Hà Nội phải giải đáp để có thể đứng vững và tiếp tục phát triển trong tình hình hiện nay.
Lãnh đạo, nhân viên Nhà xuất bản đã có những nhận thức đúng tầm về vị trí, vai trò quan trọng và tính phức tạp của hoạt động xuất bản trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Nhà xuất bản đã cố gắng chủ động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh nhất là việc khai thác nguồn việc từ các sở, ban, ngành thành phố.
Định hướng phát triển lâu dài của Nhà xuất bản là hoàn thành việc xây dựng cơ sở in và phát hành, là tiền đề xây dựng một nhà xuất bản với quy trình khép kín. Nhà xuất bản Hà Nội cần tận dụng ưu thế là nơi quy tụ và cộng tác của nhiều thế hệ tác giả, các nhà văn, nhà thơ tên tuổi, sáng tác nhiều thể loại, đề tài như Nguyễn Tuân, Hoàng Đạo Thúy, Tô Hoài, Bằng Việt, Nguyễn Hiếu… Đặc biệt, hơn 300 nhà khoa học, cộng tác viên đồng hành cùng Nhà xuất bản trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến là một “nguồn lực chất xám” không nhỏ tạo điều kiện để nhà xuất bản thực hiện được nhiều công trình lớn, có giá trị lâu dài, tạo ra một môi trường xuất bản năng động hơn.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, Nhà xuất bản Hà Nội đã xây dựng được Trang thông tin điện tử riêng mang tên “Văn hiến Thăng Long”. Đây sẽ là nền tảng cơ sở để Nhà xuất bản có thể ứng dụng những hình thức kinh doanh mới như: mua bán sách trực tuyến qua mạng, xuất bản sách truyền thống kèm các sản phẩm sách điện tử, khai thác sách số hóa...
Tận dụng và phát huy các tiềm năng, nguồn lực sẵn có một cách khoa học, hiệu quả chắc chắn sẽ trở thành chìa khóa đưa Nhà xuất bản Hà Nội phát triển hơn nữa.
Hoàng Lâm
Nhà xuất bản Hà Nội