Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 26/09/2018 10:37
Hồ Gươm và phố đi bộ giữa lòng thủ đô Hà Nội
 
Hồ Gươm nằm giữa trung tâm của thủ đô Hà Nội, có diện tích 12ha, chiều dài nam - bắc, chiều rộng đông – tây là 200 mét. Xung quanh hồ Gươm hiện nay thành không gian đi bộ với nhiều hoạt động nghệ thuật đường phố, sinh hoạt cộng đồng, wifi miễn phí và quán bar, nhà hàng mở cửa đến 2h sáng. Nhưng ít ai biết rõ về nguồn gốc của danh thắng này khi hàng ngày vẫn đi qua, rồi tận hưởng những giây phút thư giãn tại đây. Dưới đầy là vài nét khái quát để giúp bạn đọc tìm hiểu thêm về danh thắng xinh đẹp giữa trung tâm Thành phố vì hoà bình.  

 

Hồ Gươm là một thắng cảnh được xếp hạng cấp Thành phố

Hồ Gươm là một đoạn dòng cũ của sông Hồng còn sót lại khi nó đổi dòng sang phía đông, là một hồ nước ngọt tự nhiên của thành phố Hà Nội. Trước kia hồ còn có tên gọi là hồ Lục Thuỷ vì sắc nước bốn mùa đều xanh. Thời nhà Lý, vua Lý Thánh Tông chọn nơi đây để xây dựng chùa Sùng Khánh cầu cho quốc thái dân an. Năm 1057, nhà Lý lại dựng bảo tháp Đại Thắng Tư Thiên để ghi nhớ chiến công đánh thắng người Chiêm Thành. Đến thời Trần (lúc đó diện tích hồ lớn lắm, lại thông với sông Tô Lịch) nên thuỷ quân nhà Trần vẫn thường luyện tập trên hồ, do vậy hồ mang tên hồ Thuỷ Quân. Đến đời Lê Thái Tổ, sau khi chiến thắng quân xâm lược nhà Minh, nhà vua ngự thuyền rồng dạo chơi trên hồ, bỗng thấy một con rùa vàng hiện lên đòi vua trả gươm thần đã cho mượn để đánh giặc, vua đổi tên hồ thành hồ Hoàn Kiếm. Tên gọi mà người dân vẫn quen dùng là hồ Gươm.

Cuối thế kỷ XVI, chúa Trịnh dựng phủ Chúa ở phường Báo Thiên, hồ Hoàn Kiếm lúc đó bao quanh từ bên phải sang bên trái phủ chúa, vì vậy lại một lần bị đổi tên, hai phần của một hồ thành hai hồ là Tả Vọng và Hữu Vọng. Sau này, hồ Hữu Vọng bị san lấp, hồ Hoàn Kiếm ngày nay thuộc phần hồ Tả Vọng xưa bị thu nhỏ lại. Tên hồ được lấy để đặt cho một quận trung tâm của Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) và là hồ nước duy nhất của quận  Hoàn Kiếm cho đến ngày nay.

Hồ Hoàn Kiếm có vị trí kết nối giữa khu phố cổ gồm các phố Hàng NgangHàng ĐàoCầu GỗLương Văn CanLò Sũ... với khu phố Tây do người Pháp quy hoạch cách đây hơn một thế kỷ là Bảo KhánhNhà ThờTràng ThiHàng Bài, Đinh Tiên HoàngTràng TiềnHàng KhayBà Triệu.

Giữa hồ có tháp Rùa, góc đông bắc có cầu Thê Húc từ bờ ra đền Ngọc Sơn. Tháp Rùa được xây dựng trong khoảng từ giữa năm 1884 đến tháng 4 năm 1886, trên gò Rùa và chịu ảnh hưởng kiến trúc Pháp theo hình vuông có 3 tầng, tầng dưới xây rộng hơn, rồi thu nhỏ dần lên tầng trên, các mặt phía đông và tây đều có 3 cửa cuốn, phía nam và bắc có 2 cửa cuốn nhọn ở đầu, đỉnh có hai tầng, có lan can chạy xung quanh, bốn đầu đao đắp uốn cong dần lên vào giữa đỉnh.

Đảo Ngọc Sơn: nằm ở phía Bắc hồ, xưa có tên là Tượng Nhĩ (tai voi). Vua Lý Thái Tổ đặt tên là Ngọc Tượng khi dời đô ra Thăng Long và đến đời Trần thì đảo được đổi tên là Ngọc Sơn. Một nhà từ thiện tên là Tín Trai đã lập ra đền Ngọc Sơn trên nền cung Thuỵ Khánh cũ (bị Lê Chiêu Thống cho người đốt năm 1787 để trả thù các chúa Trịnh). Đền Ngọc Sơn thờ thần Văn Xương là ngôi sao chủ việc văn chương khoa cử và thờ Trần Hưng Đạo.

Năm 1865, vào dịp trùng tu lại đền Ngọc Sơn, Nguyễn Văn Siêu cùng nho sĩ và người dân Hà Thành đã xây dựng Tháp Bút – Đài Nghiên trên bờ hướng đông bắc hồ, bao gồm năm tầng. Trên đỉnh là tượng trưng cho một ngòi bút đối lên trời. Thân tháp có ba chữ: Tả Thanh Thiên (viết lên trời xanh), thân tầng thứ ba của tháp có khắc một bài Bút Tháp Chí. Đài Nghiên là phần không thể thiếu của Tháp Bút. Ba chân kê nghiên là hình tượng ba con cóc. Trên thân nghiên khắc một bài Minh, gồm 64 chữ Hán.

Cầu Thê Húc dẫn đến cổng đền Ngọc Sơn, do danh sĩ Nguyễn Văn Siêu cho xây dựng vào năm 1865. Tên của cầu có nghĩa là "nơi đậu ánh sáng Mặt Trời buổi sáng sớm".

Tháp Hoà Phong trên bờ hướng đông hồ, là di vật còn sót lại của chùa Báo Ân (bị dỡ bỏ năm 1898). Tháp cao ba tầng, cửa theo bốn hướng Đông Tây Nam Bắc, có các chữ Hán như: Báo Đức môn, Báo Ân môn, Hoà Phong tháp, Báo Thiên tháp, ứng với mỗi cửa của tháp. Tầng một to và cao hơn hai tầng trên cùng. Bốn mặt của tầng hai hình Bát quái. Tầng ba ghi "Hòa Phong Tháp".

Đền Bà Kiệu trên bờ hướng đông bắc hồ, được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng, là một di tích hoàn chỉnh nhưng do việc mở đường nên đã tách làm hai phần, Tam quan ở sát bờ hồ, còn Đền thờ ở về phía bên này đường. Toạ lạc theo hướng Nam. Tam quan và Đền thờ (Nhà đại bái) đều có kiến trúc ba gian xây gạch, lợp mái ngói ta. Ngôi đền thờ ba vị nữ thần là Liễu Hạnh công chúa, Đệ nhị Ngọc nữ và Đệ tam Ngọc Nữ.

Nhà Thuỷ Tạ trên mặt bờ hồ hướng tây bắc, là một loại hình kiến trúc quan trọng và đặc sắc trong kiến trúc truyền thống Việt Nam, là địa điểm diễn ra các lễ của Hoàng triều hoặc thờ cúng Thần linh hay các vị Hoàng đế. Ngoài ra, Nhà Thuỷ Tạ còn là chốn phục vụ nhu cầu ăn chơi cho tầng lớp thống trị, hậu cung, ly cung, biệt cung... có kiến trúc tương đối đơn giản, được xây dựng bên bờ mặt nước như hồ, ao, sông, suối.

Đền thờ vua Lê ở bờ tây hồ, áp với đình Nam Hương. Đền có tượng vua Lê Thái Tổ đứng trên trụ cao, tay cầm thanh kiếm như phóng xuống mặt hồ.

Xung quanh hồ là các hàng cây xanh mát, xen lẫn các cây cổ thụ. Trước đây có nhiều cây liễu bốn mùa nghiêng mình soi bóng bên hồ. Mùa thu, đông, những hàng liễu thướt tha xoã tóc trong làn sương mờ ảo hay đẫm mình trong màn mưa bụi trắng trông như gần như xa. Vào mùa hè, có hoa gạo đỏ tươi trước đền Ngọc Sơn, tháng năm có hoa phượng rực rỡ. Trên mặt nước xanh sen quỳ nở sắc hồng đào, sáng một góc đông bắc hồ. Lại mới thêm những cây bằng lăng đơm hoa màu tím, màu vàng, điểm xuyết giữa những bãi cỏ xanh rờn, những bồn hoa, luống hoa rải rác bên hồ. Thực là một cảnh thiên nhiên kỳ thú, nhất là nó lại ở một chốn đô thị phồn hoa.

Khi nói đến hồ Gươm, chúng ta không thể không nhắc đến loại rùa mà giới khoa học đặt tên là Rafetus leloil. Năm 1968, người ta vớt được một con rùa nặng 250kg, dài 2,1 mét, ngang 1,2 mét. Những năm gần đây, rùa hay nổi trên mặt nước.

Danh thắng hồ Gươm với hàng loạt các di tích lịch sử - văn hoá có giá trị như đền Ngọc Sơn, tháp Rùa, tháp Bút – đài Nghiên, cầu Thê Húc, tượng vua Lê… đây không chỉ là một thắng cảnh của Thăng Long – Hà Nội mà còn là trung tâm của một vùng văn hoá rất đặc biệt của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Bởi vậy, danh lam thắng cảnh hồ Gươm luôn là đề tài ngợi ca của biết bao tao nhân mặc khách trong nhiều thời kỳ, là nơi thu hút sự chú ý, tham quan, vãn cảnh của người dân từ thời xa xưa. Và ca dao cổ còn ghi:

… Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ

Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn

Đài Nghiên tháp Bút chưa mòn

Hỏi ai gây dựng nên non nước này…

Không gian đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận

Sau thời gian thử nghiệm phố đi bộ trên tuyến Hàng Đào - Đồng Xuân năm 2004; địa bàn khu bảo tồn cấp I năm 2014 (gồm Hàng Buồm, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Mã Mây, Đào Duy Từ, Tạ Hiện) cho thấy việc tổ chức các hoạt động tại trung tâm nội đô lịch sử rất cuốn hút khách du lịch và người dân tham gia. Khu vực hồ Gươm có nhiều cơ quan của Thành phố và rất ít nhà dân nên tổ chức thành phố đi bộ sẽ khai thác không gian của các cơ quan trong thời gian không hoạt động nhằm tổ chức hoạt động cộng đồng. Từ 1/9/2016, Hà Nội tổ chức không gian đi bộ trên các tuyến đường: Phố Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Lê Thái Tổ (1/2 đường Lê Thái Tổ phía bên hồ Hoàn Kiếm, đoạn từ Hàng Trống đến Hàng Khay), Lê Lai (đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), Lê Thạch, Phố Trần Nguyên Hãn (đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), Phố Đinh Lễ, Phố Nguyễn Xí, Phố Tràng Tiền (đoạn từ Ngô Quyền đến Hàng Bài) ), Phố Lò Sũ (Đinh Tiên Hoàng đến Nguyễn Hữu Huân), Phố Hàng Dầu (Đinh Tiên Hoàng đến Cầu gỗ), phố Hồ Hoàn Kiếm, Lương Văn Can (đoạn từ Hàng Hành đến Lê Thái Tổ), Phố Hàng Bài (đoạn từ Hai Bà Trưng đến Hàng Khay), Bảo Khánh (đoạn từ Ngõ Bảo Khánh đến Lê Thái Tổ).

           

Hiện nay chính quyền Thủ đô quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ theo Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng. Văn bản này quy định các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, vũ trường, karaoke đều bị cấm sau 12h đêm đến 8h sáng. Với trò chơi điện tử và các hình thức vui chơi khác, thời gian bị cấm từ 10h đêm đến 8h sáng hôm sau.

           

Tuy nhiên, để thu hút khách du lịch, UBND Thành phố Hà Nội quyết định từ ngày 1/9/2016 sẽ thí điểm cho phép các nhà hàng, quán bar thuộc quận Hoàn Kiếm hoạt động sau 24h trong 3 ngày cuối tuần.

Vào những dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn của dân tộc, những ngày tết cổ truyền, hồ Gươm là nơi diễn ra các cuộc đua tài sôi nổi như thi bơi trải, đua thuyền, lướt ván, thả chim câu, múa lân, biểu diễn nghệ thuật, thi chạy, đua xe đạp quanh hồ… Và nơi đây là nơi trung tâm tụ hội của hàng chục vạn quần chúng nhân dân Hà Nội với một tinh thần cộng cảm trong lễ hội, dưới ánh sáng lấp lánh của hàng nghìn ngọn đèn màu sắc trên các vòm cây, cùng hoà mình vào những vòm sáng rực rỡ trong đêm pháo hoa, người ta cảm thấy yêu quý nhau hơn, và cùng thêm yêu Hà Nội – thành phố bình yên thi vị được gọi với cái tên thân thương “Thành phố vì hoà bình”.

 

Minh Tuệ

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)