Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 27/09/2018 10:12
Bàn về tác phẩm văn học dịch

 

Thị trường xuất bản ở nước ta trong suốt nhiều năm qua cũng như hiện nay luôn chiếm một tỷ lệ rất lớn các ấn phẩm được dịch từ nhiều thứ tiếng nước ngoài bên cạnh những tác phẩm của các tác giả trong nước.

 

Có lẽ chưa bao giờ những người làm công tác dịch thuật, đặc biệt là những dịch giả trẻ lại thấy được an ủi, họ cũng đồng hành song song cùng các nhà văn, cũng tích cực lao động và làm việc trí óc không thua kém các tác giả trong nước. Tuy nhiên ở bài viết này dưới góc độ một người làm công tác dịch thuật - chỉ xin được nhắc tới một chức năng nhỏ mà các tác phẩm dịch đã, đang và vẫn tiếp tục làm được: Đó là quảng bá văn học qua tác phẩm dịch.

Nếu điểm lại số lượng các tác phẩm nước ngoài được mua bản quyền, dịch và xuất bản ra tiếng Việt ở nước ta từ khi Việt Nam ký Công ước Berne về việc tôn trọng bản quyền tác giả, thì số lượng tác phẩm văn học dịch phải chiếm tới 50%. Hiện nay, 2/3 công việc của các công ty xuất bản tư nhân và ít nhất là trên 1/2 đầu sách xuất bản của các Nhà xuất bản lớn cũng đều là tác phẩm văn học dịch, trong đó tác phẩm văn học dịch nước ngoài vẫn luôn chiếm ưu thế áp đảo. Bên cạnh việc góp phần bảo đảm đủ nguồn sách xuất bản hàng năm, đáp ứng nhu cầu của độc giả trong nước, các tác phẩm văn học dịch còn góp một phần vào việc giới thiệu nền văn hóa của các nước bạn với độc giả Việt Nam. Nhờ đó, người đọc Việt Nam mới hiểu được một cách cặn kẽ và cụ thể từng dòng sách văn học như: Dòng văn học Ling Lei (Trung Quốc), dòng văn học fantasy (Mỹ), dòng văn học chicklit (Mỹ, Anh)...

Việc giới thiệu các tác phẩm văn học dịch nước ngoài trong suốt nhiều năm qua khiến chúng ta đã xóa bỏ được khoảng cách với thị trường xuất bản thế giới. Phần lớn các tác phẩm văn học nước ngoài nổi tiếng đều được dịch và phát hành nhanh chóng, chỉ sau bản sách gốc vài tháng, thậm chí còn tiến hành phát hành song song như các series truyện Harry Potter (tác giả Anh J.K. Rowling), Percy Jackson (tác giả Mỹ Rick Riordan), series truyện về ma cà rồng như Chạng vạng, Trăng non, Nhật thực, Hừng đông (tác giả Mỹ Stephenie Meyer)... được đông đảo bạn đọc nước ta đón nhận nồng nhiệt và rất yêu thích.

Bên cạnh những câu chuyện, những nhân vật tưởng tượng trong các tác phẩm văn học dịch, bạn đọc còn có thể mường tượng được phần nào về bối cảnh xã hội, con người hiện đại và cuộc sống xã hội của họ nói chung, và vài nét văn hóa, địa lý... của nước xuất bản tác phẩm đó. Ngoài ra, các tác phẩm văn học dịch được giới thiệu thường xuyên và đầy đủ sẽ cung cấp cho các nhà chuyên môn (nhà văn, nhà phê bình văn học, các độc giả trí thức...) cái nhìn khái quát về từng dòng văn học cùng những đặc điểm rõ nét của chúng. Không có gì sát thực hơn việc tìm hiểu từng dòng văn học qua chính những tác phẩm này.

Rõ ràng chúng ta thấy rằng những dịch giả đóng vai trò trung gian nhưng vô cùng quan trọng để truyền tải một tác phẩm văn học nước ngoài đến tay độc giả trong nước. Có người ví von rằng: Dịch cũng như chuyển cá tươi vừa đánh bắt đến một nơi khác, chất lượng cá sẽ không thể đạt 100%. Khấu hao đã có sẵn trong bản chất của việc chuyển dịch rồi nên khi dịch, cố gắng đừng làm hao ngót thêm. Người dịch là người đóng gói bảo quản cá trong quá trình vận chuyển, càng cố giữ được nguyên vẹn con cá, ít hao mòn, méo mó, càng chứng tỏ họ có tâm. Khi dịch, điều quan trọng nhất là phải đúng, đúng cái đã, phải đúng từng từ từng ý không được sai đi đâu cả, bởi vì nếu dịch giả mà cố gắng làm cho dễ đọc và uyển chuyển khi chuyển ngữ, sẽ mất cái linh hồn mà tác giả đặt vào từng câu chữ. Nếu là người dịch hay, bạn phải biết chọn sách hay để dịch. Khi sách đã hay rồi, bạn hãy cố gắng giữ nguyên cái hay mà tác giả đã tạo ra. Nếu bạn thích tô vẽ thêm, hãy tự viết cuốn sách của mình. Ngoại lệ người dịch siêu giỏi vượt trội tác giả, “bóp méo” tác phẩm làm cho tác phẩm trở nên hay hơn là những trường hợp cực kỳ hiếm gặp. Như vậy, quan điểm dịch càng sát nguyên bản càng tốt là một đao đức quan trọng đối với mỗi dịch giả. Đó cũng chính là sự tôn trọng tác giả, tác phẩm.

Rất nhiều các bản dịch sang tiếng Việt từ trước đến nay chỉ đạt được 1 trong 2 yếu tố dich sát nghĩa và dịch hay hoặc không đạt yếu tố nào. Nhưng cũng như việc chọn đọc tác giả hay, việc chọn tác phẩm dịch hay chủ yếu nằm ở trình độ người đọc. Khi lật giở cuốn sách, bạn phải cảm nhận được cái hay toát ra từ ngôn ngữ, ngôn ngữ dịch để quyết định mua hay không.

Nói một cách hài hước: Nếu “con cá” tác phẩm được chuyền tay qua các dich giả có tâm ở nhiều thứ tiếng thì việc dịch qua ngôn ngữ trung gian (tức là dịch qua một ngôn ngữ thứ ba chứ không phải dịch từ nguyên gốc ngôn ngữ của tác phẩm gốc) vẫn có thể chấp nhận được; nếu bản dịch ở ngôn ngữ trung gian có độ trung thành với nguyên tác cao. Sự trung thành với nguyên tác và tài năng của người dịch chính là yếu tố quyết định để “con cá” tác phẩm du lịch qua nhiều ngôn ngữ mà vẫn giữ được độ tươi ngon.

Việc đòi hỏi dịch sát, dịch hay đã và luôn gây sức ép để những người làm sách, các nhà xuất bản phải chọn đầu tiên là chọn các tác phẩm hay có giá trị cả về nghệ thuật và nội dung. Tiếp đến là chọn dịch giả tốt có tâm, có tiếng trong làng dịch thuật. Làm được cả hai điều đó chắc chắn thị trường tác phẩm dịch sẽ luôn có chiếm được thiện cảm của độc giả mọi lứa tuổi.

Duy Trần

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)