Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 28/09/2018 09:39
Cầu Long Biên với những gam màu thời gian trong lòng Hà Nội

 

Cầu Long Biên là cây cầu được gọi với danh xưng “chứng nhân lịch sử” của Thăng Long – Hà Nội. Trải qua bao thăng trầm của thời gian cùng biến cố lịch sử, cây cầu vẫn hiên ngang và trở thành một trong những biểu tượng của Hà Nội, thể hiện vẻ đẹp cổ kính của mảnh đất ngàn năm văn hiến.

 

Hà Nội có cầu Long Biên

Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng

Tàu xe đi lại thong dong

Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi.

Bài vè dân gian ấy đã khắc họa lên vai trò của cầu Long Biên – cây cầu bắc qua sông Hồng có lịch sử lâu đời nhất trong những cây cầu bắc qua sông Hồng hiện nay. Nói vậy nhưng không phải ai cũng hiểu được lịch sử lâu đời của cầu Long Biên, càng không hiểu được quá trình xây dựng cây cầu ấy.

Ngược dòng lịch sử, trở lại những năm đầu sau khi thực dân Pháp chính thức đặt ách bảo hộ nước ta, trong chương trình khai thác thuộc đia lần thứ nhất, nhận thấy tầm quan trọng của việc phải xây dựng một cây cầu bắc qua sông Hồng, nối Hà Nội với các tỉnh phía Bắc để phục vụ mục đích quân sự và khai thác tài nguyên, toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã gửi báo cáo cho Bộ trưởng Thuộc địa Pháp trong đó đặt vấn đề xây dựng một cây cầu bắc qua sông Hồng (khi đó gọi là sông Cái). Tuy nhiên đến tháng 6 năm 1897, dự án xây dựng cầu mới được chính thức thông qua. Sáu tháng sau mới tổ chức đấu thầu xây dựng, tham dự đấu thầu có 6 công ty xây dựng cầu đường lớn của Pháp. Mỗi công ty tham dự đấu thầu đưa ra hai phương án A và B, thống sứ Bắc Kỳ khi đó là ông Foures được cử là Chủ tịch Hội đồng thẩm định dự án. Cuối cùng, Hội đồng thẩm định đã chọn dự án B của công ty Daydé and Pillé với giá 5.390.794  fanc Pháp. Thiết kế cây cầu do chính công ty này thiết kế, giống với kiểu dáng cây cầu Tolbiac ở quận 13, Paris trên tuyến đường sắt Paris – Orleans. Phần đường dẫn lên cầu do Nha công chính Đông Dương xây dựng. Đến ngày 12/9/1899 công trình được khởi công.

Để hoàn thành công trình này, công ty xây dựng đã tuyển dụng gần 3000 công nhân bản xứ cùng với 40 ngũ kỹ sư, đốc công, chuyên gia người Pháp tham gia điều hành, chỉ đạo, giám sát. Nguyên vật liệu phải dùng khoảng  30.000 mét khối đá, 5600 tấn thép, 137 tấn gang, 165 tấn sắt, 7 tấn chì. Tổng kinh phí thực tế cho công trình vượt quá dự toán, lên đến 6200.000 franc. Cầu dài 2500m, rộng 30,6m, 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cầu, mỗi trụ cầu cao 43,5m. Theo dự tính, để hoàn thành công trình phải mất gần 5 năm nhưng trên thực tế chỉ sau ba năm kể từ khi đặt viên gạch đầu tiên, vào tháng 02/1902, cầu Paul Doumer được khánh thành cùng lúc với đoạn đường sắt đầu tiên trong mạng lưới tầu hỏa xuyên Đông Dương và dẫn đến trung tâm thủ đô. Tuyến đường Hải Phòng - Hà Nội dài 100km, nối liền thủ đô với cảng biển lớn nhất Bắc Kỳ, đã được thông tuyến và đưa vào hoạt động.

Có thể nói, đây là một trong những công trình lớn nhất thế giới vào đầu thế kỷ XX, đồ sộ nhất và chưa từng có ở vùng Viễn Đông. Khi được thông báo về công trình, quan lại và người dân địa phương cho đó là việc không tưởng, bởi khi nhìn dòng sông Hồng rộng như một cửa biển, sâu hơn 20 mét, với mực nước có thể dâng cao thêm 8 mét vào mùa mưa, lòng sông lại động và lồi lõm, người dân địa phương cho rằng đó là việc bất khả thi. Một số quan lại có đầu óc cởi mở hơn thì nghĩ là người Pháp làm liều: “Có phải các ông định căng một dây cáp từ bờ bên này sang bờ kia để dẫn đường cho tầu bè không .Trong hồi ký của mình, Toàn quyền Paul Doumer đã nhắc đến việc xây dựng cây cầu như một sự tự hào: “Đây là thành quả của đội ngũ kỹ sư, đốc công, tổ trưởng người Pháp và công nhân địa phương. Chính nhờ lực lượng lao động Á châu, gồm người Việt được một số người Hoa hỗ trợ, mà mọi việc, từ xây dựng đến lắp ráp phần sắt, đã được hoàn thành. Phần khó khăn nhất của công trình, chưa từng được thực hiện tại vùng đất Bắc Kỳ nơi vừa có khí hậu khắc nghiệt vừa có những đợt thay đổi thời tiết, là xây trụ đá, mố cầu và các trụ cầu bắc qua sông...  Kết quả thu được cho thấy sức mạnh của nền văn minh Pháp. Tiến bộ khoa học, sức mạnh công nghệ của chúng ta đã chinh phục được người dân địa phương, những người không khuất phục trước súng đạn...”

Ngày nay, Hà Nội có thêm nhiều cây cầu hiện đại, rộng rãi hơn như cầu: Chương Dương, Thăng Long, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh. Và cũng không biết từ bao giờ cầu Paul Doumer được gọi với cái tên dân dã ‘Long Biên – rồng bên cạnh”. Tuy là cây cầu vô chi, vô giác nhưng cầu Long Biên đã thành một bộ phận cơ thể của Hà Nội hơn một thế kỷ qua và thành chứng nhân của lịch sử Thăng Long – Hà Nội, chứng kiến những năm tháng đau thương trong chiến tranh và cả những chặng đường hào hùng nhất của nhân dân Thủ đô anh hùng. Bởi vậy cầu Long Biên là một phần không thể thiếu trong những mảng hồi ức oai hùng của Thủ đô, để mỗi người con mảnh đất này khi dù có đi xa vẫn luôn tự hào rằng “Hà Nội có cầu Long Biên”.

Dương Minh (tổng hợp)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)