Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 01/10/2018 10:53
Tấm lòng tỏa rạng của vị khai quốc công thần nhà Lê

 

Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, sinh năm Canh Thân, niên hiệu Xương Phù thứ 4 đời vua Trần Phế Đế (1380) ở Thăng Long. Tổ tiên của Nguyễn Trãi vốn ở xã Chi Ngại, nay là xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đến đời ông nội Nguyễn Trãi thì chuyển cư đến làng Ngọc Ổi sau đổi thành Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội. Bố Nguyễn Trãi là Nguyễn Ứng Long, sau đổi thành Nguyễn Phi Khanh. Mẹ là Trần Thị Thái, con gái lớn của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Ngày 28-2 năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly lên ngôi, thay nhà Trần lập ra nước Đại Ngu. Cùng năm, Hồ Quý Ly cho mở khoa thi đầu tiên. Nguyễn Trãi thi đỗ Thái học sinh tức Tiến sĩ. Nguyễn Trãi đã được Hồ Quý Ly trọng dụng cho làm Ngự sử đài chánh chưởng. Cùng thời gian này, Nguyễn Ứng Long là cha Nguyễn Trãi đổi tên thành Nguyễn Phi Khanh và được Hồ Quý Ly bổ dụng chức Đại lý tự khanh Thị lang tòa Trung thư Hàn lâm viện học sĩ, kiêm lĩnh chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám.

 

Tháng 4 năm Bính Tuất (1406), nhà Minh tiến hành xâm lược nước ta và đến tháng 5 năm Đinh Hợi (1407), cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhà Hồ bị thất bại hoàn toàn. Cha con Hồ Quý Ly và các triều thần, trong số đó có Nguyễn Phi Khanh, bị bắt và đưa sang Trung Quốc. Được tin cha bị bắt, Nguyễn Trãi cùng em là Phi Hùng có ý định theo sang Trung Quốc để hầu hạ. Nhưng Phi Khanh khuyên Nguyễn Trãi trở về. Khi Nguyễn Trãi về đến thành Thăng Long thì bị quân Minh bắt. Tướng nhà Minh là Trương Phụ biết Nguyễn Trãi có tài, cố ý dụ dỗ ông ra làm quan cho nhà Minh, nhưng ông cương quyết chối từ. Trương Phụ định giết ông, nhưng Thượng thư Hoàng Phúc ra sức can ngăn. Trương Phụ không giết Nguyễn Trãi, nhưng bắt phải sống ở Đông Quan (Thăng Long) là nơi đóng bản doanh của quân xâm lược. Trong những năm bị giặc Minh giam lỏng ở Đông Quan, Nguyễn Trãi đã ký thác niềm u uất và chí vọng của mình trong những bài thơ Nôm như:

Góc thành nam lều một gian

No nước uống, thiếu cơm ăn…

Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải,

Góc thành nam lều một gian.

(Thủ vĩ ngâm)

Nung nấu chí vọng “đền nợ nước, báo thù nhà”, khi nghe tin Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, Nguyễn Trãi bèn trốn khỏi Đông Quan tìm vào Thanh Hoá gặp Lê Lợi, dâng Bình Ngô sách, được Lê Lợi trọng dụng. Ông đã đồng cam cộng khổ với nghĩa quân Lam Sơn suốt mười năm kháng chiến. Một mình ông đảm trách cả một mặt trận quan trọng: mặt trận chính trị ngoại giao. Với sở học uyên bác, trí tuệ sắc bén, ông đã liên tiếp gửi thư cho bọn tướng giặc, đánh những đòn cân não làm tan rã tinh thần của chúng. Lê Quý Đôn đã đánh giá: “Nguyễn Trãi viết văn, thảo hịch tài giỏi hơn hết mọi thời đại”. Tác phẩm Quân trung từ mệnh tập của ông từng được xem như “có sức mạnh của 10 vạn quân".

Ngày 12-12 năm Đinh Mùi (1427), quân Minh rút về nước. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng. Bình Định vương Lê Lợi đọc Bình Ngô đại cáo, tuyên bố cho thần dân cả nước từ nay nước ta đã giành được quyền độc lập tự chủ, chấm dứt sự đô hộ của nhà Minh.

Tháng Giêng năm Mậu Thân (1428), Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, khôi phục lại quốc gia Đại Việt, lấy niên hiệu là Thuận Thiên. Tháng 3 năm ấy, trong cuộc bình công ban thưởng cho các công thần tham gia khởi nghĩa, Nguyễn Trãi được ban quốc tính họ Lê - Lê Trãi, tước Quan Phục hầu, chức Thượng thư Bộ Lại kiêm quản công việc cơ mật.

Đất nước hòa bình, nhưng trong triều đình lại xuất hiện những biến động. Do sự ghenh ghét, tị hiềm của đám nịnh thần, Nguyễn Trãi cũng bị tống giam một thời gian, sau mới được tha. Tuy được tha nhưng Lê Thái Tổ không còn tin dùng Nguyễn Trãi. Mãi tới cuối đời, Thái Tổ mới di huấn lại cho Thái tử Nguyên Long lên ngôi phải dùng Nguyễn Trãi làm Phụ chính.

Ngày 9-8 năm Quý Sửu (1433), Lê Nguyên Long (tức Lê Thái Tông) lên ngôi vua. Từ đó Thái Tông mới trọng dụng Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi được Thái Tông giao trọng trách viết văn bia Vĩnh Lăng (Bia lăng Lê Thái Tổ), một công việc mà không phải bất cứ văn thần nào cũng có vinh dự và tài năng gánh vác. Sau đó, năm 1435, Nguyễn Trãi đã vâng mệnh soạn xong sách Dư địa chí - một tác phẩm địa lý lịch sử đầu tiên ở nước ta. Ông còn soạn các sách như Giao tự đại lễ, Luật thư (nay đã thất truyền). Ngoài ra, Nguyễn Trãi còn tham gia chế tác, thẩm định nhã nhạc. Nhân công việc này, Nguyễn Trãi đã bày tỏ nguyện vọng của mình với Thái Tông: “Dám mong bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăn nuôi muôn dân khiến cho trong thôn cùng xóm vắng, không có một tiếng hờn giận, oán sầu. Đó chính là cái gốc của nhạc vậy”. Vua Thái Tông khen ngợi và chấp nhận lời thỉnh cầu của Nguyễn Trãi. Đó là những khoảng thời gian mà tài năng và trí tuệ của Nguyễn Trãi được thi thố một cách hứng khởi nhất.

Nhưng bên cạnh các văn thần chân chính, trong hàng ngũ quan lại có không ít hoạn quan nịnh thần, các viên quan đại thần chấp chính bợ đỡ Lê Thái Tông. Trước tình hình đó, Nguyễn Trãi đành lại phải xin về hưu trí tại Côn Sơn vào khoảng cuối năm 1437.

Năm 1440, sau khi xử lý các quan đại thần cường quyền, lũng đoạn, Lê Thái Tông cho vời Nguyễn Trãi quay về triều đình phong Kim tử vinh lộc đại phu, Hàn lâm viện học sĩ coi việc Tam quán và kiêm Hành khiển Bắc đạo. Lúc ấy Nguyễn Trãi đã 60 tuổi nhưng vẫn hăm hở đem tài năng ra phò vua giúp dân dựng nước. Trong “Biểu tạ ơn”, ông xúc động nói lên tâm sự và ước vọng của mình:

“Thương thần như ngựa đến tuổi già, còn kham rong ruổi,

Cho thần như thông qua năm rét, càng dạn tuyết sương.

Quân môn mặc kệ dèm pha,

Thánh ý cứ bề tín nhiệm”.

Trong lúc Nguyễn Trãi và vợ là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ được vua Lê Thái Tông tín nhiệm đang hăng hái phò vua và với bao niềm hy vọng thì tai họa thảm khốc xảy ra với vụ thảm án Lệ Chi viên.

Cuộc đời Nguyễn Trãi gắn liền với những bước thăng trầm của dân tộc, đi qua nạn ngoại xâm đến việc góp phần đặt nền móng cho triều đình Lê sơ. Nguyễn Trãi không chỉ là nhà chính trị, quân sự, ngoại giao… kiệt xuất mà ông còn là nhà bác học lớn, xứng với danh hiệu Danh nhân văn hóa thế giới mà UNESCO đã tôn vinh nhân kỷ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi (1380-1980). Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi Anh hùng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới sống mãi trong lòng dân tộc và non sông đất nước.

Đỗ Giang

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)