Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 11/01/2019 09:55
Vua Lê Thái Tổ và công cuộc khẳng định vị thế quốc gia Đại Việt sau đại thắng quân Minh

 

Nhà thơ Xuân Diệu từng nhận xét: “Trước Lê Lợi từng có chiến thắng oanh liệt đuổi quân Nguyên - Mông thời nhà Trần, sau Lê Lợi có chiến thắng thần tốc của Quang Trung đánh hơn hai mươi vạn quân Thanh nhưng trong lịch sử văn học chỉ có một áng Đại cáo bình Ngô bởi lẽ không có ba Nguyễn Trãi để viết ba áng văn khải hoàn”. Chính từ thuở đó: “Xã tắc do đó vững bền,/Non sông từ đây đổi mới./Trời đất bĩ rồi lại thái./Nhật nguyệt mờ rồi lại trong”, Lê Lợi đã mở ra triều đại phong kiến dài nhất trong lịch sử quân chủ nước ta với biết bao thành tựu rực rỡ mà trước hết là khẳng định vị thế quốc gia Đại Việt. Trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II, “Vương triều Lê (1428 - 1527)” do GS. TS. Nguyễn Quang Ngọc chủ biên là đề tài được nghiên cứu công phu đã không chỉ tái hiện chiều dài lịch sử của một vương triều thịnh đạt mà còn khắc họa công lao to lớn của Lê Thái Tổ trong việc khẳng định quốc gia Đại Việt sau cuộc kháng chiến chống quân Minh.

 

Sau khi đất nước giành được độc lập, năm 1430, kinh đô Thăng Long được đổi tên thành Đông Kinh. Từ năm 1428 đến 1527, triều Lê đã tập trung tiền của, công sức để sửa sang và xây dựng mới nhiều công trình kiến trúc to đẹp, đặc biệt là ở khu vực Hoàng thành. Vua Lê Thái Tổ tiếp tục lấy quốc hiệu là Đại Việt, khẳng định sự tiếp nối truyền thống, quyền độc lập, tự chủ của một quốc gia Đại Việt từ thời Lý, Trần và Lê Thái Tổ là người đại diện cao nhất của dân tộc và đất nước. Năm 1428, Thái Tổ Lê Lợi cho xây dựng điện Kính Thiên, điện Cần Chánh, điện Vạn Thọ. Điện Kính Thiên là điện chính trong Hoàng thành, nơi thiết triều, vua, quan họp bàn việc nước.

Để khắc phục những hậu quả sau chiến tranh, khôi phục kinh tế và khẳng định vị thế của quốc gia độc lập, tự chủ và hơn cả là giữ một nền hòa bình lâu dài, sau khi quân Minh rút hết về nước, vua Lê Thái Tổ nhân danh “Đại đầu mục An Nam” Trần Cảo trả lại cho nhà Minh một số lễ vật và số quan quân nhà Minh. Nhưng, nhà Minh trước thắng lợi của Nghĩa quân Lam Sơn, từ năm 1428 đến năm 1430, nhà Minh luôn luôn đòi tìm con cháu nhà Trần và đòi trao trả đầy đủ số quân Minh cùng khí giới bị bắt giữ. Nhưng trước sự đấu tranh kiên định của vương triều Lê sơ, năm 1431, nhà Minh phải công nhận Lê Lợi là Quyền thự An Nam quốc sự. Nhà Lê cũng như các vương triều trước đây, một mặt cầu phong và giữ đúng lễ triều cống đối với nhà Minh, nhưng vẫn luôn luôn giữ vững chủ quyền độc lập và lãnh thổ toàn vẹn của quốc gia. Những cuộc xâm lấn, cướp bóc của bọn thổ quan nhà Minh ở vùng biên giới đều bị lập tức đánh bật ra khỏi biên ải.

Đối với Chămpa, ngay trong năm 1427, có tới hai lần vua Lê cử sứ đoàn sang Chiêm Thành. Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “năm Đinh mùi (1427), nước Chiêm Thành sai sứ sang cống, ban yến, cho ngựa và lụa bảo về, sai Thiêm tri khu mật là Hà Lật cùng đi”. Và tháng 8 năm đó, “... lấy viên ngoại lang là Lê Khắc Hài và Bùi Tất Ưng làm chánh phó sứ mang ngựa và đồ uống rượu bằng pha lê màu xanh trắng sang cho vua Chiêm Thành

Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, vương triều Lê sơ thành lập, nhưng các thế lực là hào trưởng các vùng luôn có ý định cát cứ và nổi loạn chống chính quyền trung ương. Để bảo vệ và thể hiện quyền tối cao trị vì đất nước, tháng 11 năm Canh Tuất, niên hiệu Thuận Thiên năm thứ ba (1430), Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái là hai thủ lĩnh vùng biên này xưng hùng, đòi tách khỏi chính quyền Trung ương Đại Việt. Vua Lê Thái Tổ trực tiếp đem quân trấn áp cuộc nổi dậy. Cuộc dẹp loạn này tiến hành trong gần hai tháng, đến tháng hai năm Tân Hợi, tức năm Thuận Thiên thứ tư (1431), vua bắt được Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái đem về Thăng Long.

Năm 1407, quân Minh sang xâm lược Đại Việt, Đèo Cát Hãn khi ấy đang đứng đầu châu Mường Lễ, liền theo nhà Minh, để được tiếp tục giữ ngôi vị. Sau khi tiêu diệt viện binh chủ lực của quân Minh và bao vây thành Đông Quan, tháng 11 năm 1427, Lê Lợi đã phái Chủ thư thị sử là Trần Hổ đi châu Mường Lễ, chiêu dụ Đèo Cát Hãn. Viên thổ quan này đồng ý quy thuận, nên vẫn được tiếp tục cai quản vùng đất trên. Năm 1431, Đèo Cát Hãn ngầm liên kết với Kha Đốn (hay Kha Lại, là một viên quan đang khởi binh chống vua Ai Lao), đánh chiếm vùng đất Mường Muỗi (hay Mường Mỗi, nay là Thuận Châu thuộc Sơn La). Đây là vùng đất quan trọng của miền Tây Bắc đối với lãnh thổ và sự an nguy của đất nước. Do đó, tháng 12 năm Tân Hợi (1431), vua Lê Thái Tổ sai Tư đồ Lê Sát và Quốc vương Tư Tề dẫn quân đi đánh. Tiếp đó vua lại thân chinh đem quân đi đánh Đèo Cát Hãn. Năm Nhâm Tý (1432), mùa xuân tháng Giêng, vua Lê Thái Tổ chiếm được Mường Lễ, Kha Lại bị giết, Đèo Cát Hãn chạy trốn, quan quân bắt hết dư đảng, bèn đổi Mường Lễ làm Phục Lễ. Ngày 3/3, vua Lê Thái Tổ kéo quân trở về. Tháng 11, Cát Hãn và con là Mạnh Vượng xin hàng, được nhà vua tha tội.

Sau khi bình định xong, trên đường đại quân hồi kinh, vua Lê Thái Tổ làm hai bài thơ là: Thân chinh Phục Lễ châu Đèo Cát Hãn, cho khắc trên vách núi Pú Huổi Chỏ (bên tả ngạn sông Đà, thuộc Mường Lệ nay thuộc xã Lê Lợi, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu); và Tự mình đi đánh Đèo Cát Hãn ở châu Phục Lễ cho khắc trên vách đá Hào Tráng (gần Chợ Bờ, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình ngày nay).

Qua hành trình khẳng định vị thế quốc gia Đại Việt những ngày đầu sau đại thắng quân Minh, ta thấy vua Lê Thái Tổ là một người văn võ toàn tài, có nhiều công lao trong công cuộc giải phóng và bảo vệ bờ cõi của đất nước Việt để từ đây mở ra vương triều Lê, là một trong ba vương triều rạng rỡ võ công, văn trị thời đại văn hóa Thăng Long, văn minh Đại Việt, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của đất nước và của kinh đô Thăng Long - Đông Đô - Đông Kinh.

Đỗ Giang

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)