Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 14/01/2019 10:28
Xác định không gian Hà Nội trong khai thác tư liệu châu bản triều Nguyễn về Hà Nội

 

Triều Nguyễn là triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam, bắt đầu từ vua Gia Long lên ngôi năm 1802 và kết thúc khi vua bảo đại thoái vị năm 1945. Trong quá trình hoạt động, quản lý nhà nước, bộ máy chính quyền triều Nguyễn đã ban hành một hệ thống văn bản hành chính tương đối đầy đủ và toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Hệ thống văn bản này do Nội các triều Nguyễn tập hợp và quản lý thống nhất thành một khối văn thư của triều đình gọi chung là Châu bản triều Nguyễn. Trong số hơn 400.000 trang tài liệu còn lưu trữ của 11/13 triều vua nhà Nguyễn có khoảng 5000 văn bản có liên quan đến khu vực Hà Nội. Vì lẽ đó việc xác định không gian của Hà Nội được PGS. TS Nguyễn Thị Diến cùng nhóm biên soạn xác định là yếu tố quan trọng trong nghiên cứu đề tài Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội.

 

Cho đến nay địa danh Hà Nội được xác định sớm nhất là năm 1831 dưới triều vua Minh Mệnh, khi đó Hà Nội chính thức là tên của một tỉnh thuộc khu vực Bắc Kỳ. Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn có ghi chép như sau: "Thời Hán là do bộ Giao Chỉ, thời Đường là phủ An Nam đô hộ, phủ trị đóng ở thành Đại La. Năm Thuận Thiên thứ 1 (1010) vua Lý thái Tổ xuống chiếu dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La đổi tên là thành Thăng Long, thiết đặt phủ Ứng Thiên thống nhiếp. Đầu đời Thiệu Bảo (nhà Trần) đổi tên Thăng Long thành Trung Kinh, thời thuộc Minh đổi là thành Đông Quan. Năm Thuận Thiên thứ 3 (1430) đời vua Lê Thái Tổ đổi Đông Quan làm Đông Kinh, còn gọi là Trung Đô. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469) đời vua Lê Thái Tông đổi phủ Ứng Thiên thành phủ Phụng Thiên là phủ phụ quách của Kinh thành quản lãnh 2 huyện Vĩnh Xương, Quảng Đức. Đời Tây Sơn đổi gọi là Bắc Thành" (bản dịch của Viện Sử học, Nhà xuất bản Thuận Hóa năm 1962).

Đến năm Gia Long thứ 4 (1805) đổi phủ Phụng Thiên làm phủ Hoài Đức vẫn gồm 2 huyện Thọ Xương (Vĩnh Xương đổi thành) và Vĩnh Thuận (Quang Đức đổi thành). Thời Minh Mệnh để nhất thể hóa các đơn vị hành chính trong cả nước, năm 1831-1832 nhà vua thực hiện một công cuộc cải cách hành chính lớn, theo đố đổi các dinh, trấn thành tỉnh. Tỉnh Hà Nội được thành lập trên cơ sở lấy 3 phủ Lý Nhân, Thường Tín, Ứng Hòa thuộc trấn Sơn Nam Thượng và phủ Hoài Đức (lấy thêm huyện Từ Liêm từ trấn Sơn Tây) lệ thuộc vào thành 4 phủ gồm 15 huyện. Trong đó phủ Hoài Đức gồm 3 huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận, Từ Liêm; phủ Ứng Hòa gồm 5 huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xang, Thanh Liêm, phủ Thường Tín gồm 3 huyện là Phú Xuyên, Thanh Trì và Thượng Phúc.

Ngày 19/7/1888, Tổng thống Pháp ra sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội chủ yếu dựa trên đất 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận; cùng năm đó vào tháng 10 toàn bộ phần đất thuộc thành phố Hà Nội bị người Pháp lấy làm nhượng địa. Đến năm 1899 thành lập khu vực ngoại thành Hà Nội gồm các xã thuộc huyện Vĩnh Thuận nằm ngoài địa giới thành phố Hà Nội và một số xã thuộc huyện Từ Liêm, Thanh Trì đặt dưới quyền một viên đốc lý người Pháp. Năm 1902 để tránh nhầm lẫn tỉnh Hà Nội và thành phố Hà Nội, toàn quyền Đông Dương đổi tên tỉnh Hà Nội thành tỉnh Cầu Đơ, năm 1904 đổi thành tỉnh Hà Đông. Năm 1914 tách khu vực ngoại thành Hà Nội sang tỉnh Hà Đông đặt thành huyện Hoàn Long. Như vậy địa giới thành phố Hà Nội chỉ còn khu vực nội thành thuộc đất 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận cũ.

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 đến nay, thành phố Hà Nội là thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đặt trực tiếp dưới chính quyền chính phủ trung ương. Sau nhiều lần điều chuyển địa giới hành chính, đến nay Hà Nội bao gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã.

Với một quá trình biến đổi về địa giới hành chính khá phức tạp không gian Hà Nội hiện tại đã có nhiều dịch chuyển so với tỉnh Hà Nội năm 1831 dưới thời vua Minh Mệnh. Toàn bộ phủ Lý Nhân tỉnh Hà Nội cũ hiện nay thuộc tỉnh Hà Nam. Một phần tỉnh Sơn Tây và Bắc Ninh cũ nay thuộc về Hà Nội. Vì vậy việc xác định rõ không gian Hà Nội là việc cần thiết và nhất thiết phải làm và là tiền đề cho việc khoanh vùng giới hạn tìm kiếm tư liệu trong Châu bản triều Nguyễn. Vì lẽ đó, giới hạn không gian khai thác Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội không để mất đi các vùng không gian tư liệu quan trọng. Do vậy, khu vực bao phủ để khai thác tư liệu gồm các huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận, Từ Liêm thuộc phủ Hoài Đức; các huyện Chương Đức, Hoài An, Sơn Minh, Thanh Oai phủ Ứng Hòa; các huyện Phú Xuyên, Thanh Trì, Thương Phúc phủ Thường Tín tỉnh Hà Nội cũ; các huyện Bất Bạt, Tòng Thiện, Phúc Thọ, Tiên Phong phủ Quảng Oai; các huyện Đan Phượng, Mỹ Lương, Thạch Thất, Yên Sơn phủ Quốc Oai tỉnh Sơn Tây cũ; các huyện Gia Lâm, Đông Ngạn, Kim anh, Thiên Phúc tỉnh Bắc Ninh cũ.

Dương Minh

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)