Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 21/11/2019 08:38
Cấp phường ở Thăng Long - Hà Nội có từ bao giờ?

Hà Nội xưa với 36 phố phường, nhưng cấp phường có từ khi nào thì lại không mấy người biết. Thực tế, không có tư liệu trực tiếp, nhưng qua các nguồn tư liệu gián tiếp vẫn có thể hình dung khu vực “thị” của Thăng Long thời Lý cũng đã được gọi là “phường” và cấp phường là cấp hành chính cơ sở của Thăng Long thời Lý. Về vấn đề này có nhiều sách viết, nhưng kỹ hơn cả là cuốn Quản lý và phát triển Thăng Long - Hà Nội: Lịch sử và bài học xuất bản trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do Nhà xuất bản Hà Nội là chủ đầu tư.

Qua nghiên cứu, tìm hiểu từ những nguồn tư liệu về Thăng Long - Hà Nội, các nhà nghiên cứu khoa học thấy sách Đại Việt sử ký toàn thư chép vào mùa xuân, tháng 3 năm 1230: “Định các phường về hai bên tả hữu của kinh thành, bắt chước đời trước chia làm 61 phường”. Vậy bắt chước “đời trước” là đời nào? Chắc chắn phải là đời Lý và như thế, ngay dưới đời Lý quy hoạch Thăng Long đã bao gồm 61 phường. Nhưng không có một nguồn tư liệu nào cung cấp danh sách các phường dưới thời Lý - Trần. Qua ghi chép của sử biên niên chúng ta chỉ có thể biết được tên gọi của một số phường, một phần trong số đó có thể xác định được vị trí trên thực địa.

Về tên gọi của phường thời Lý có các phường Cơ Xá, Bố Cái; thời Trần có các phường Yên Hoa, Hạc Kiều, Thịnh Quang, Nhai Tuân, Tây Nhai, Các Đài, Toán Viên, Giang Khẩu, Nghi Tàm. Ngoài ra, căn cứ vào các nguồn tư liệu khác chúng ta biết thêm một số phường thời kỳ này như Thái Hòa, Báo Thiên, Phủng Nhật, Hòe Nhai. Đến thời Lê sơ, toàn bộ khu vực kinh thành được chia làm hai huyện, mỗi huyện 18 phường, tổng cộng là 36 phường. Cơ cấu này duy trì cho đến hết thời Lê Trịnh. Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi chúng ta biết được một số phường ở Đông Kinh đầu thế kỷ XV (Đường Nhân, Hà Tân, Hàng Đào, Nghi Tàm, Tả Nhất, Tàng Kiếm, Thịnh Quang, Thụy Chương, Yên Thái): “Phường Tàng Kiếm làm kiệu, áo giáp, đồ đài mâm, võng, gấm trừu và dù lọng. Phường Yên Thái làm giấy. Phường Thụy Chương và phường Nghi Tàm dệt vải nhỏ và lụa. Phường Hà Tân nung đá vôi. Phường Hàng Đào nhuộm điều. Phường Tả Nhất làm quạt. Tây Hồ có cá to. Phường Thịnh Quang có long nhãn. Phường Đường Nhân bán áo diệp y”. 

Qua ghi chép rải rác trong Đại Việt sử ký toàn thư, chúng ta biết thêm một số phường nữa: Bích Câu, Diên Hưng, Đông Hà, Đông Tân, Khúc Phố, Kim Cổ, Lệ Viên, Nhật Chiêu, Phục Cổ, Thái Cực, Vĩnh Xương, Yên Hoa. Cộng cả hai danh sách trên là 21 phường. Dựa vào ghi chép rải rác trong nguồn tư liệu, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số danh sách các phường thuộc hai huyện Vĩnh Xương (Thọ Xương) và Quảng Đức từ thời Lê về sau, có nhiều tương đồng nhưng cũng có một số khác biệt. Dưới đây là tổ hợp của các danh sách đó.

Khu vực phía đông và phía nam có các phường: Báo Thiên, Bích Câu, Bố Cái, Công Bộ, Cổ Vũ, Diên Hưng, Đại Lợi, Đông Các, Đông Hà, Đông Tác, Đồng Lạc, Đồng Xuân, Giai Tuân, Hà Khẩu, Hòe Nhai, Hồng Mai, Khang Thọ, Kim Cổ, Kim Hoa, Nhược Công, Ông Mạc, Phong Vân, Phục Cổ, Phúc Lâm, Phúc Phố, Quan Trạm, Tả Nhất, Tàng Kiếm, Thạch Hào, Thạch Khối, Thái Cực, Thịnh Hào, Thịnh Quang, Vĩnh Xương, Võng Thị, Xã Đàn, Yên Thọ, Yên Xá

Khu vực quanh hồ Tây có các phường: Bái Ân, Hồ Khẩu, Nghi Tàm, Nhật Chiêu (Nhật Thiêu), Quảng Bá, Tây Hồ, Thụy Chương, Trích Sài, Võng Thị, Yên Hoa, Yên Thái. Khu vực phía tây có các phường: Thái Hòa.

So với con số 36 phường được chính sử và nhiều nguồn tư liệu xác nhận. Khu vực phía đông và nam Hoàng thành, nhất là phía đông, có số lượng phường tập trung nhiều nhất. Đây là những phường thủ công, tập trung với mật độ cao thợ thủ công và thương nhân và là nơi kinh tế sầm uất nhất của đô thị Thăng Long - Hà Nội, được hình thành từ rất sớm ngay từ ngày định đô của Lý Công Uẩn. Những phường nổi tiếng mà tên gọi cũng như vị trí vẫn cơ bản tồn tại đến ngày nay như Đồng Xuân (khu vực Hàng Giầy), Đông Hà (Hàng Chiếu), Giang Khẩu - Hà Khẩu (Hàng Buồm), Đông Các (Hàng Bạc), Thái Cực (Hàng Đào)… Khu vực xung quanh Hồ Tây với không gian rộng lớn nhưng chỉ có một số ít phường. Đây là những phường thủ công với những ngành nghề nổi tiếng phục vụ cho các nhu cầu của kinh thành, từ triều đình đến dân chúng (như làm giấy, dệt vải lụa…). Nhiều phường ở khu vực này xuất hiện từ lâu đời và tồn tại cho đến ngay nay như Bái Ân, Trích Sài, Yên Thái, Nghi Tàm… Khu vực phía tây chỉ duy nhất có một phường Thái Hòa - lý do là vì đây có thể thuộc phạm vi khu hành chính quan liêu (Hoàng thành) nên mãi về sau này, đến thời Lê - Trịnh khi chúa Trịnh cho thu hẹp Hoàng thành nơi đây mới bắt đầu được khai phá thành những phường trại mà sau này thường quen gọi là khu Thập tam trại.

Sang thời Tây Sơn và Nguyễn khi kinh đô chuyển vào Phú Xuân - Huế, Thăng Long bắt đầu có sự thay đổi lớn về đơn vị hành chính cấp cơ sở. Từ những lập luận, dẫn dụ của các nhà nghiên cứu khoa học đưa ra và từ các tư liệu lịch sử ghi chép lại thì thấy thời Lý cấp phường đã được thiết lập. Hà Nội nay không khuôn hẹp với 36 phố phường gắn với trung tâm là hồ Hoàn Kiếm mà Thủ đô nay đã được mở rộng tứ phía với 584 đơn vị xã phường, thị trấn.

Nghiêm HIển

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)