Định đô của Lý Công Uẩn - sự kiện mở đầu lịch sử Thăng Long - Hà Nội với vai trò trung tâm chính trị, hành chính của quốc gia độc lập
Ngược dòng lịch sử tìm về bối cảnh của nước đất nước hơn nghìn năm trước thì Đại Việt lúc bấy giờ trong điều kiện một chính quyền - nhất là chính quyền trung ương chưa thực sự vững mạnh, nguy cơ xâm lăng từ phương Bắc và sự trỗi dậy của các thế lực cát cứ luôn tiềm ẩn thì việc chọn Hoa Lư làm kinh đô của hai nhà Đinh và Tiền Lê có thể coi là hợp lý. Hoa Lư dù không thật cô lập do vẫn có hệ thống giao thông - nhất là đường thủy thông với bên ngoài, nhưng có địa thế hiểm trở với các dãy núi bao bộc. Đóng đô ở Hoa Lư là một sự lựa chọn đảm bảo an toàn hơn cho chính quyền trung ương trong những điều kiện như thế. Cùng với việc lựa chọn Hoa Lư với địa thế hiểm trở, để bảo vệ chính quyền trung ương trước sự tấn công của phong kiến phương Bắc và của các thế lực cát cứ chống đối trong nước, các nhà nước Đinh, Tiền Lê áp dụng các biện pháp cai trị rất khắt khe cũng như đặc biệt tăng cường quân đội. Sử chép đến những hình phạt khốc liệt được áp dụng dưới hai triều Đinh, Tiền Lê như đặt vạc dầu, nuôi hổ đói để xử tử người có tội...
Trong mỗi bối cảnh lịch sử, người đứng đầu đất nước đều có những kế sách để quản lý, điều hành nhằm bảo vệ, dựng xây và phát triển quốc gia. Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938, Đại Việt chấm dứt chế độ nghìn năm Bắc thuộc. Từ Ngô Quyền đến các triều đại sau đó như Đinh và Tiền Lê đã nỗ lực xây dựng đất nước bình yên, ngày một vững mạnh. Bằng những chiến thắng lẫy lừng trước xâm lược của phong kiến Trung Hoa, nền độc lập dân tộc của người Việt đã được khẳng định. Đồng thời, yêu cầu của lịch sử gắn với sự sống còn của quốc gia - dân tộc và cuộc đấu tranh trên thực tế trong hơn một thế kỷ đã khẳng định xu thế và sự thắng thế của khuynh hướng tập quyền và thống nhất quốc gia.
Như một quy luật tất yếu của các triều đại phong kiến mạnh giai đoạn đầu rồi triều đình ngày một suy yếu. Với triều đại Tiền Lê cũng vậy, sự rối loạn của triều đình Hoa Lư dưới thời Lê Long Đĩnh (1005-1009) có thể coi là biểu hiện cuối cùng của tính quá độ thế kỷ X. Người Việt đã sẵn sàng cho một cuộc đổi thay lớn dựa trên những tiền đề được tạo dựng trong suốt một thế kỷ phấn đấu không ngừng. Người được lịch sử lựa chọn mở đầu cho cuộc đổi thay thực sự và to lớn đó là Lý Công Uẩn và việc làm đầu tiên của ông sau khi lên ngôi hoàng đế là dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La.
Thành Đại La - vùng trung tâm Hà Nội, hay rộng ra là toàn bộ Hà Nội ngày nay, tự bản thân nó - xét trên tất cả các ý nghĩa, đã hội đủ những yếu tố để trở thành một trung tâm chính trị, hành chính tầm quốc gia. Điều này đã được minh chứng trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đó từ An Dương Vương đến Lý Nam Đế, đến các chính quyền đô hộ Trung Hoa thời Tùy - Đường, đến các chính quyền tự chủ và buổi đầu độc lập dưới thời họ Khúc, họ Dương, nhà Ngô đều đã chọn vùng Hà Nội để đóng đô, để làm thủ phủ, tuy có gián đoạn nhưng vẫn cùng một mạch dòng kinh đô đất nước. Việc Lý Công Uẩn dời đô ra thành Đại La có thể coi là sự tiếp nối của mạch dòng đó. Nhưng có một thực tế mà Lý Công Uẩn cũng như triều đình Hoa Lư bấy giờ hiểu rất rõ là tính chất trống trải, khả năng phòng thủ kém của thành Đại La so với địa thế hiểm trở, thuận tiện trong phòng thủ của vùng đất Hoa Lư. Vì thế, quyết định của Lý Công Uẩn một mặt thể hiện sự tự tin vào sự trưởng thành của Đại Cồ Việt của người đứng đầu triều đình nhà Lý bấy giờ và mặt khác thể hiện tầm nhìn chiến lược của ông, đã không “theo ý riêng” mà “tính kế cho con cháu muôn đời”. Có thể thấy rõ điều này qua Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn viết vào mùa xuân năm Canh Tuất (1010). Vua Lý Công Uẩn nhận thấy thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương, muốn dời đi nơi khác, tự tay viết chiếu truyền rằng: “Ngày xưa, nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam đại ấy theo ý riêng tự dời đô xằng bậy đâu. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương, Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời. Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi mãi muôn đời. Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?”.
Mùa Thu Canh Tuất năm đó, công cuộc dời đô chính thức được thực hiện. Thành Đại La được Lý Công Uẩn đổi tên là Thăng Long (rồng bay). Đó là khát vọng vươn lên của cả một đất nước. Từ đây, Thăng Long bắt đầu một hành trình lịch sử, dấn mình cùng đất nước, cùng nhân dân với vai trò trung tâm chính trị, hành chính của quốc gia độc lập cho đến Hà Nội ngày một văn minh giàu đẹp ngày nay.
An Yên