Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 21/11/2019 08:38
Không khí hội thề “Trung hiếu” đền Đồng Cổ trong tiểu thuyết Người Thăng Long

Trong kho tàng văn hiến hơn nghìn năm của mảnh đất kinh thành Thăng Long xưa, thủ đô Hà Nội nay theo thăng trầm lịch sử nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể có cái còn, cái mất. Đền Đồng Cổ được xây cựng ven Hồ Tây từ thời Lý năm 1028 nay vẫn còn đó, lễ hội Đồng Cổ hằng năm đều được tổ chức, nhưng nghi thức của một hội thề “Trung hiếu” từ thời các vua nhà Lý, Trần, Lê tiến hành ở đây chỉ có thể thấy trong những trang sách. Tuy nhiên, để tái hiện không khí một buổi hội thề “Trung hiếu” thời Trần có vua, có vương tôn, văn võ bá quan dự thì chỉ có thể tìm thấy trong tiểu thuyết “Người Thăng Long” của nhà văn Hà Ân được xuất bản trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.

 Tiểu thuyết Người Thăng Long của nhà văn Hà Ân viết xoay quanh chuyện kể về Trần Nhật Duật trong giai đoạn đánh quân Nguyên Mông lần thứ hai dưới thời vua Trần Nhân Tông, qua đấy tái hiện lại một thời đại mang đầy hào khí Đông A trong lịch sử dân tộc. Nhà Trần là triều đại phong kiến đầu tiên của lịch sử Việt Nam có thể tạo được sự đồng tâm, nhất trí tối cao từ trên xuống dưới, từ quân đến dân, từ già đến trẻ hay từ trai đến gái. Lần đầu tiên, tất cả con dân Đại Việt đồng lòng vì nghĩa lớn, với tinh thần quyết tử để chống giặc ngoại xâm. Trong không khí hào sảng ấy, nhà văn Hà Ân đã tái hiện lại không khí một buổi hội thề “Trung hiếu” tại đền Đồng Cổ cũng như giới thiệu nguồn cơn có ngôi đền này. 

Về sự xuất hiện của ngôi đền này, nhà văn Hà Ân viết “Ngôi đền này ở bờ tây bắc hồ Dâm Đàm có kiểu cách tuy nhỏ nhưng trang nghiêm. Đền Đồng Cổ làm đã trên hai kỷ. Mỗi kỷ là sáu mươi năm. Xưa kia ông vua khai sáng ra triều Lý đem quân đi tiễu phạt phương nam. Đến châu Ái, Lý Thái Tổ nghỉ quân tại núi Khả Lại. Khả Lại là một chòm núi ba ngọn châu vào nhau như ba vì sao. Dưới chân núi có một ngôi đền cổ xây dựng từ thời nào không rõ. Trên chính điện thờ một cỗ trống đồng rất to. Lý Thái Tổ dâng hương xem trống. Cỗ trống nặng chừng một trăm cân, rộng hai thước một tấc, cao một thước năm tấc. Chính giữa mặt trống là một cái rốn tròn chung quanh có chín vòng hoa văn dường như văn tự khoa đẩu cổ xưa. Đêm hôm ấy, Lý Thái Tổ ngủ lại trong đền. Không hiểu vì ban ngày quá chăm chú về việc quân hay vì một lẽ huyền bí gì mà người ta chưa hiểu thấu, hoặc giả vua biết bụng quân còn tin ở chuyện quỷ thần, mà sáng hôm sau nhà vua kể lại một giấc mộng trải qua trong đêm. Mộng rằng nhà vua thấy một ông tướng nhà trời giáp trụ uy nghi, râu tóc dài rậm. Viên tướng tự xưng là thần trống đã sinh thành từ thuở vua Hùng vương dựng nước Văn Lang. Nay nghe nói nhà vua đi mở nước ở phương nam, thần tướng xin theo để có một tay âm phù linh diệu. Khi tỉnh giấc, Lý Thái Tổ lại dâng hương một lần nữa, khấn to cho các tướng đứng chung quanh nghe thấy rằng lần này ra quân thắng lớn như lời thần giáng, thì khi ban sư, hồi triều nhà vua sẽ cho lập đền thờ ở kinh thành và cho rước trống về đó.

Lần xuất quân ấy, Lý Thái Tổ lập nên công lớn. Nhà vua giữ lời, sai lập ngôi đền ở Thăng Long, rước trống về thờ ở đó. Đến đời Lý Thái Tông, thần lại báo mộng cho nhà vua biết có ba hoàng tử sắp làm loạn. Vì thế sau khi dẹp xong loạn, Lý Thái Tông đặt lệ hàng năm tôn thất và các quan văn võ phải lên đền Đồng Cổ uống máu ăn thề. Lời thề truyền mãi rằng: “Làm tôi phải trung, làm con phải hiếu, ai bất trung bất hiếu quỷ thần tru diệt””.

Hào khí Đông A thời Trần đã được lưu trong sử sách và hào khí ấy còn thể hiện cả trong các nghi thức như hội thề đền Đồng Cổ của vua quan nhà Trần. Nhà văn Hà Ân đã tái hiện đầy sống động để mỗi ai đọc đều thấy như mình đang là người chứng kiến, tham dự buổi lễ ấy. “Ánh đuốc và lửa của hàng trăm cây đèn lồng soi rõ cánh cửa hoàng thành cực kỳ trang nghiêm. Lính tứ sương chịu trách nhiệm giữ trật tự dọc con đường ven hồ Dâm Đàm đã chia từng ngũ cưỡi ngựa mở đường bởi vì nhân dân kinh thành đã tề tựu rất đông chờ xem đám rước vua. Họ chờ từ ngoài xa, mặc dầu lệnh cấm rất nghiêm ngặt nhưng họ vẫn bàn tán xôn xao. Mặc cho những ngọn roi đe nẹt, mặc cho những tiếng quát mắng cáu giận, mặc cho những giáp binh nai nịt gọn ghẽ khí giới sáng loè, đám dân đầu đen chỉ im được một tí rồi lại hỏi nhau, cãi nhau, bàn tán râm ran về lễ thề. Hình như họ biết rằng trong ngày lễ thề sẽ không bắt bớ trừng trị ai cả, nói tóm lại là không dám làm mất lòng dân trong ngày thiêng liêng đó.

Thế rồi chiêng trống và đồ nghi trượng dàn bày lên trước. Những lá cờ thêu mặt trời, mặt trăng, thêu rồng mây, cờ năm màu, may bằng lụa và vải bay phần phật trong gió sớm. Cả một đô Hổ Dực cầm côn sơn đỏ đi đầu vút roi để mở đường. Tất cả vương hầu và các quan văn quan võ nối nhau thành hàng dài đi bộ theo hai cỗ kiệu vàng rước vua.

Sau đoàn vương hầu đến các phi tần và nữ quan hai cung. Chung quanh những người đàn bà yếm áo lượt là này là nội giám mặc áo tía trơn. Kế sau đoàn nữ quan là đoàn các đạo sĩ cung Cảnh Linh mặc áo chéo vạt bằng lụa huyền nền mờ hoa bóng tay cầm phất trần bằng lông đuôi ngựa trắng. Ông đạo thống đã già lắm, vẻ mặt bí hiểm, tay cầm sợi xích thau treo lủng lẳng một cái lư trầm toả khói mù mịt. Kề sau đoàn đạo sĩ là đoàn các tăng ni chùa Chân Phúc mặc áo cà sa lụa nâu, lụa vàng, tay cầm những chuỗi hạt bồ đề vừa đi vừa đếm hạt và niệm Phật hiệu. Vị tăng thống cầm cây thiền trượng, đầu trượng rủ xuống nhiều dải lụa màu rực rỡ.”       

Từ những trang tiểu thuyết, nhà văn Hà Ân đã tái hiện sống động không khí buổi lễ hội thề “Trung hiếu” đền Đồng Cổ thời vua Trần Nhân Tông (1258-1308), hội thề biểu hiện sức mạnh vật chất, tinh thần hào khí của cả vương triều Trần thời kỳ thịnh trị. 

Ly Đàm

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)