Một số công trình xây dựng mang đặc trưng cho Thăng Long – Hà Nội
Ngược dòng lịch sử trở về Thăng Long thời Lý – Trần, các kiến trúc truyền thống tiêu biểu, lâu đời nhất thời này ở Thăng Long còn lưu lại đến ngày nay hoặc được nhắc nhiều trong sử sách, được xây dựng như là thuộc quần thể cung điện, là: chùa Một Cột, tháp Báo Thiên.
Chùa Một Cột, theo sử xưa, chùa được vua Lý Thái Tông cho xây dựng vào mùa đông năm 1049. Tích xưa còn lưu lại câu chuyện vua Lý Thái Tông nằm chiêm bao thấy Phật Quan Âm tọa thiền trên tòa hoa sen sáng rực, đưa tay dắt vua lên đài. Tỉnh dậy vua cho xây dựng chùa Một Cột với lối kiến trúc tựa như trong giấc mơ. Chùa được tạo hình giống như một đóa hoa sen nở trên mặt nước – loại hoa tượng trưng cho sự tinh khiết và cao quý của Phật pháp. Vì vậy dân gian vẫn gọi là chùa Một Cột là Liên Hoa Đài.
Tuy nhiên, không nằm ngoài quy luật của thời gian, trải qua nhiều triều đại, nhiều biến cố lịch sử chùa có nhiều sự thay đổi. Từ thời Lý, Trần, Lê và sau này là nhà Nguyễn chùa được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Bởi vậy mà những đặc trưng văn hóa – kiến trúc trong từng thời kỳ cũng có sự đổi thay. Đực biệt vào năm 1954, thực dân Pháp đã phá hủy chùa Một Cột. Toàn bộ kiến trúc cũ của chùa đều bị mất đi, duy chỉ còn cột trụ dưới lòng hồ Linh Chiểu và mấy xà gỗ. Sau hòa bình, Chính phủ đã tu sửa lại. Cho đến nay, dù trải qua thêm vài lần tu bổ nhưng chùa vẫn mang những nét điển hình của kiến trúc cũ biểu trưng cho văn hóa, văn hiến Thăng Long – Hà Nội.
Riêng với chùa Một Cột với sự biến đổi và giữ được nét kiến trúc độc đáo thì tháp Báo Thiên là một công trình tiêu biểu chỉ còn được lưu lại trong sử sách. Theo các sử liệu ghi chép lại, năm 1056 (vua Lý Thánh Tông), Báo Thiên Tự (chùa Sùng Khánh Báo Thiên) được khởi công xây dựng, sau 1 năm xây dựng xong chùa, tháp được xây dựng có tên gọi là Đại Thắng Tư Thiên Tháp, gọi tắt là Báo Thiên Tháp. Tháp được xây trên một gò đất cao, bên bờ hồ Lục Thủy (Hồ Hoàn Kiếm) phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương, ngoài cửa chính Đông của kinh thành Thăng Long (nay là phố Nhà Thờ, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Nền tháp được xây bằng đá và gạch. Các viên gạch đều được khắc dòng chữ "Lý gia đệ tam đế Long Thuỵ Thái bình tứ niên tạo" (chế tạo năm Long Thuỵ Thái Bình thứ tư triều vua thứ ba nhà Lý). Tầng thứ ba của tháp có ghi: "Thiên tử vạn thọ". Các tầng trên và ngọn tháp được đúc bằng đồng. Ngọn tháp có khắc chữ "Đao ly thiên" (ngọn giáo cao liền trời).
Trong tháp có trang trí nhiều tượng người và vật bằng đá rất tinh xảo. Tháp là một công trình nghệ thuật kỳ vĩ, thuộc loại to lớn nhất kinh thành, biểu tượng cho nước Đại Việt hiên ngang tồn tại một góc trời. Thời bấy giờ Tháp Báo Thiên được xem là một trong bốn công trình lớn của nước Nam "An Nam tứ đại khí" (Tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, đỉnh Phổ Minh và tượng Quỳnh Lâm).
Công trình tiêu biểu này tồn tại, trải theo thời gian cho đến trước khi người Pháp xuất hiện trên đất Thăng Long – Hà Nội. Sau khi chiếm được Hà Nội, Henri Riviere đã sai phá hủy các cổng thành và nhiều đoạn tường thành, vần hết đại bác trên thành ném xuống hào. Các chùa miếu quanh thành đều bị phá phách, xô sập tất cả, một mặt để lấy gỗ, gạch làm công sự, mặt khác là để thực hiện chủ trương triệt hạ nền văn hóa cổ truyền bản địa. Cũng chính trong thời điểm này báo Thiên Tự bị phá hủy hoàn toàn và biến mất trên bản đồ Hà Nội cùng với đó là vết tích của Tháp Báo Thiên chỉ còn lại trong sử sách.
Cùng với các công trình có kiến trúc độc đáo, mang biểu trưng Thăng Long – Hà Nội là các đền Quán Thánh, Voi Phục, Bạch Mã,... là các công trình quy mô lớn có từ thời kỳ này. Các ngôi chùa đều gắn liền với sự phát triển của cây tháp, đây là đặc điểm quan trọng trong bố cục công trình.
Khuê Văn Các ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Cột Cờ được xây dựng thời Nguyễn, cũng là những di tích làm tôn giá trị truyền thống uy nghi linh thiêng của đất ngàn năm văn hiến này. Theo dòng chảy thời gian, nhiều công trình đẹp đẽ bề thế ở Thăng Long xưa từng được mô tả trong sử sách, ngày nay không còn, do bị nạn binh đao trong bao nhiêu lần ở nhiều thời kỳ tàn phá, do thiên tai lụt lội huỷ hoại, do các vua nhà Nguyễn cho tháo dỡ để lấy vật liệu chuyển vào xây dựng các công trình ở Kinh đô Phú Xuân, do người Pháp phá huỷ để xây dựng Hà Nội mới. Tuy nhiên, các dấu tích công trình và các loại vật liệu xây dựng phát lộ được ở khu vực khảo cổ 18 Hoàng Diệu cho thấy một phần nhỏ của dấu vết Hoàng thành xưa, đã cho chúng ta những bất ngờ về sự bề thế, tính khoa học và nghệ thuật trong bố trí và xây dựng các công trình, và chúng ta rất đỗi tự hào về tầm vóc kiến thức và tài nghệ của các bậc tiền nhân bao đời.
Trong tổng thể chung của công trình, cây tháp là kiến trúc chính của toàn cảnh chùa, mỗi tháp đều có dáng vẻ và ý nghĩa khác nhau. Dẫu nhiều công trình mang biểu trưng Thăng Long – Hà Nội một thời không còn nữa, nhưng vẫn còn đó chùa Một Cột, Khuê Văn Các, tháp Hòa Phong… với kiến trúc đẹp, độc đáo cả về tư tưởng triết lý và hình tượng, vẫn là biểu tượng đặc trưng cho Thăng Long - Hà Nội.
Lê Linh