Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 21/11/2019 08:38
Nhà cổ - đặc trưng văn hóa làng cổ ở Đường Lâm

 Từ nhiều đặc trưng văn hóa tiêu biểu được lưu giữ lại, Đường Lâm được xếp hạng và có tên gọi làng cổ. Nhà cổ ở Đường Lâm có thể xem là một trong những đặc trưng văn hóa tiêu biểu nơi đây. Theo tư liệu của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến in trong cuốn sách Làng cổ Hà Nội do Tiến sĩ Lưu Minh Trị chủ biên, các tác giả không chỉ nêu bật đặc trưng nhà cổ của Đường Lâm mà còn thống kê cả số lượng, sự phân bổ những ngôi nhà cổ còn được lưu giữ trên mảnh đất này.

 Những nếp nhà của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa dù của quan lại, chức sắc hay của những người nông dân nghèo bần hàn thì kết cấu gần như không khác nhau là mấy với vườn sau, sân trước, nhà ngang, nhà bếp… Để phân biệt nhà có điều kiện hay của người có chức sắc là ở nguyên vật liệu, quy mô của nhà. Người giàu thì xây nhà gạch lợp mái ngói, trong nhà thì làm bằng gỗ xoan, cột nhà bằng lim, lát nền gạch còn với những nhà nghèo thì có khi nhà tranh vách đất, mái lợp rơm rạ, kèo cột bằng tre nứa, nền đất nện. Còn ở Đường Lâm, những ngôi nhà cổ là ngôi nhà mà người nông dân nơi đây đã bao đời nay tạo dựng bằng các vật liệu vốn sẵn có ở địa phương như tre, gỗ, đá ong, gạch nung, đất nện… Nhà để ở tuy không dùng những loại gỗ tứ thiết quý bền vững như xây dựng đình chùa, những công trình lớn của làng nhưng nó cũng tồn tại được hàng trăm năm. Trong những ngôi nhà đó, nhiều gia đình ở Đường Lâm vẫn có ba, bốn thế hệ cùng sinh sống, trải qua gió mưa, thời gian mấy trăm năm nay vẫn còn tồn tại.

Về bố cục kiến trúc trong khuôn viên nhà ở Đường Lâm phổ biến là kiểu nhà chính và nhà phụ vuông góc với nhau theo kiểu “thước thợ” và đây cũng là kiểu đặc trưng của các gia đình vùng Bắc Bộ khi dựng nhà. Kiểu nhà chính và nhà phụ song song với nhau “tiền khách hậu tự” thường là nhà giàu có, nhà trưởng họ. Ngoài ra còn có kiểu nhà chính, nhà phụ, bếp nằm xung quanh ba phía của sân. Nhà cổ ở Đường Lâm thường hướng về phía nam và đông nam. Đây là hướng ngôi nhà sẽ đón được gió mát vào mùa hè, không bị ánh nắng buổi chiều chiếu rọi, mùa đông không bị gió mùa đông bắc (gió lạnh) thổi trực diện vào cửa chính. Một lý do nữa được đưa ra mà ông cha ta thường xây nhà về hướng nam và đông nam mà không xây hướng tây, tây bắc, tây nam là bởi, khi xây chùa, đình, đền hay nhà thờ họ, thì chỗ thợ tự là nơi hội tụ khí âm, nếu quay về các hướng trên, dương khí của ánh sáng mặt trời quá mạnh, chiếu vào nơi thờ tự, làm khí âm bị tán, dẫn đến nơi thờ tự không thịnh. Chùa và đình làng không thịnh thì dân của khu đó khó phát, nhà thờ họ mà khí suy thì công danh của con cháu cũng không sáng láng được.

Một đặc trưng nữa của những ngôi nhà cổ ở Đường Lâm còn là số gian lẻ ba, năm gian hai chái. Hai chái thường được ngăn bằng các vách gỗ gọi là bức thuận. Đó là buồng dùng cho phụ nữ sinh hoạt hoặc là kho chứa của gia đình.

Kết cấu nhà cổ ở Đường Lâm, các bộ vì thường theo kiểu “giá chiêng chồng nhị”, “giá chiêng kẻ ngồi” với ba hàng hoặc bốn hàng chân cột. Nhà cổ thường được xây bằng đá ong vữa xây tường là hỗn hợp bùn ao trộn với trấu. Xây tường bằng gạch đá ong không phải nơi đâu cũng có, vậy nên những ngôi nhà xây tường đá ong là đặc trưng tiêu biểu của Đường Lâm. Ở đây những ngôi nhà cổ vẫn còn loại tường trình, đó là hỗn hợp đất bùn, tro và rơm đắp lên bức đan bằng tre, nứa. Ngoài ra còn có tường xây gạch đất nung. Mái nhà thường lợp ngói mũi hài, đắp bờ nóc, bờ chảy. Nền nhà thường lát gạch bát, cũng nhiều nhà còn nền đất nện.

Nhà ở truyền thống ở Đường Lâm mang đặc trưng ngôi nhà của cư dân nông nghiệp chưa bị tác động nhiều của lối sống đô thị hoá. Hầu như không có kiểu nhà trổ cửa ra đường. Cổng nhà cũng lựa chọn không nhìn thẳng chính diện vào gian giữa. Đi dọc các đường làng, vào các lối xóm, những bức tường đá ong, tường trình, tường gạch tạo nên những vẻ đẹp đặc trưng làng cổ vùng bán sơn địa xứ Đoài. Những bóng cây lưu niên, cây cau sân trước, vườn chuối sau nhà  gợi vẻ thân thuộc, hoà nhập với thiên nhiên tạo nên một sự bình yên, hạn chế được những bất lợi của thời tiết, khí hậu.

Đường Lâm với hàng trăm ngôi nhà cổ có niên đại từ 100 năm đến dưới 300 năm có giá trị nghiên cứu về kết cấu kiến trúc, tạo nên bản sắc phong phú về văn hoá làng của làng cổ. Cùng với nhà cổ, ở Đường Lâm có nhiều giếng cổ xây bằng đá ong, nước giếng trong và sạch.

Về phân bổ và số lượng nhà cổ của Đường Lâm thì trong 9 làng thuộc xã Đường Lâm thì làng Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh và Cam Lâm còn nhiều nhà cổ hơn cả. Theo điều tra của nhóm lập quy hoạch bảo tồn làng cổ ở Đường Lâm năm 2008, có các nhà cổ đã khảo sát đánh giá cần được xếp hạng bảo tồn là 119/1.329 nhà; trong đó làng Mông Phụ 50/350 nhà, làng Đông Sàng 37/441 nhà, làng Cam Thịnh 15/182 nhà, làng Cam Lâm 10/42 nhà, làng Đoài Giáp 7/214 nhà.

Gọi là nhà cổ, những ngôi nhà hiện còn ở Đường Lâm không hẳn bởi có niên đại hàng trăm năm mà còn bởi nó mang trong mình kiểu dáng, cấu trúc, đặc trưng tiêu biểu của những ngôi nhà của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. Những ngôi nhà cổ ở đây đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách khi tới thăm Đường Lâm để được về với cuội nguồn văn hóa làng quê Việt.

Ngọc Ánh

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)