Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 21/11/2019 08:38
Những cuộc di dân trên đất kinh kỳ Thăng Long – Hà Nội

Thăng Long xưa, Hà Nội nay, trải dài hơn nghìn năm vẫn luôn là trung tâm  kinh tế, văn hoá, xã hội lớn của cả nước, với những đặc điểm và lợi thế về điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội, thực sự trở thành lực hút của dòng di dân ngoại tỉnh về Hà Nội. Để hướng tới một Thủ đô phát triển có tính bền vững thì việc nghiên cứu về con người, về dân cư, về sự dịch chuyển dân cư luôn là vấn đề cấp thiết ở mọi thời đại.

Đã có nhiều công trình nghiên cứu về dân cư, về quá trình di dân trên đất Hà Nội nhưng để có một cách nhìn hệ thống, có tính xuyên suốt cả chiều dài lịch sử, cả không gian địa lý thì phải xây dựng một chuyên khảo về vấn đề này. Bởi lẽ đó mà cuốn sách “Dân cư Thăng Long – Hà Nội” do GS.TS. Đỗ Thị Minh Đức chủ biên được ra mắt và là cuốn sách quan trọng trong mảng sách Địa lý của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II. Tuy nhiên, để tiếp cận, tìm hiểu cũng như đánh giá được ý nghĩa, những giá trị mà từ cuốn sách này mang lại thì cần tìm hiểu những khái niệm dân cư, di dân cùng với đó là quá trình di dân trên mảnh đất Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Theo cách giải thích từ cuốn sách Từ điển từ và ngữ Việt Nam của GS. Nguyễn Lân thì dân cư là “nhân dân thường ở một nơi”, còn di dân là “đưa dân đi ở nơi khác”. Suy rộng, dân cư ở Hà Nội là những người sinh ra và lớn lên, gắn bó với Hà Nội, có hộ khẩu Hà Nội. Còn di dân hiểu theo nghĩa rộng là sự dịch chuyển bất kỳ của con người trong một không gian và thời gian nhất định kèm theo sự thay đổi nơi cư trú tạm thời hay vĩnh viễn. Hiểu theo nghĩa hẹp thì di dân là sự di chuyển dân cư từ một đơn vị lãnh thổ này đến một đơn vị lãnh thổ khác, nhằm thiết lập nơi cư trú mới trong một không gian, thời gian nhất định. Nếu xét theo đúng từ ngữ thì cụm từ “dân cư và quá trình di dân” có thể hiểu là đi và đến chỉ trong phạm vi địa giới Hà Nội chứ không phải là từ tỉnh thành khác đến hoặc dân Hà Nội chuyển đến địa phương khác. Hơn nữa, “phân bố dân cư”, “di dân” có thể xem là những thành tố thuộc nội hàm của “dân cư”. Khi bàn đến lịch sử hình thành cư dân Thăng Long – Hà Nội, quá trình di cư, hội tụ về mảnh đất này đương nhiên phải nhắc đến.

Có thể nói cuộc dời đô của Lý Công Uẩn từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La đã tạo nên sự biến đổi lớn về dân cư nơi đây và cũng có thể xem đây là cuộc nhập cư lớn ngay từ thuở Kinh đô Thăng Long được thành lập. Theo rộng dài lịch sử nghìn năm, trên mảnh đất này có bao sự biến đổi về dân cư sinh sống cũng như có biết bao cuộc di dân diễn ra tại đây. Sự hình thành cộng đồng dân cư Hà Nội - ở vị thế là kinh kỳ, rồi Thủ đô của nước Việt Nam - có những nét đặc thù, để lại các dấu ấn sâu sắc về nhân khẩu - tộc người, về văn hóa, về kinh tế - xã hội.

Xét về mặt địa lý, mỗi lần hoàng thành được mở rộng, vị thế của kinh thành tăng lên kéo theo luồng nhập cư và di cư nhất định trên đất Thăng Long – Hà Nội. Nghiên cứu các tại liệu lịch sử thì có thể hình dung rằng thời kỳ sầm uất của Thăng Long chính là vào thời Lê – Trịnh thế kỷ XVII. Đó là thời kỳ của Thăng Long – Kẻ Chợ khá phát đạt, cảnh buôn bán trên bến dưới thuyền, có cả các hoạt động giao thương với các lái buôn phương Tây và phú thương người Hoa… Năm 1918, dân số Hà Nội là 70.000 người, 10 năm sau (1928) dân số Hà Nội tăng gấp đôi. Trong thành phần này bao gồm phần đáng kể người nhập cư vào Hà Nội, không chỉ người Việt, mà còn có cả người Pháp, Hoa kiều, Nhật và các dân tộc khác. Năm 1928, trong tổng số 126.137 người thì người Pháp là 3.120 người, Hoa kiều: 4.428 người còn các dân tộc khác là 262 người. Những năm từ 1990 trở lại đây, quy mô di cư liên tỉnh giữa Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước rất lớn. Chỉ trong 5 năm (2004-2009) số người nhập cư vào Hà Nội là 382,6 nghìn người, còn số người xuất cư từ Hà Nội là 92,7 nghìn người.

 

Nói về dân cư Thăng Long - Hà Nội, từ các tài liệu địa lý, lịch sử, các tác giả đã phác hoạ sự hình thành cộng đồng dân cư, dân tộc ở vùng Thăng Long xưa, Hà Nội nay. Và từ các kết quả Tổng điều tra dân số, các tác giả đã phân tích các quá trình nhân khẩu học diễn ra trên vùng đất Hà Nội, đồng thời nêu những đặc thù về cơ cấu dân số (cả về mặt sinh học cũng như về các phương diện xã hội - nghề nghiệp) được làm nổi bật gắn liền với hiện tượng di cư vào Hà Nội, cũng như do sức hút của Thủ đô, cũng là thành phố lớn nhất nước. Có thể thấy di cư trên địa bàn Hà Nội và cả ở chừng mực nhất định các luồng di cư từ Hà Nội tới các tỉnh thành khác trong cả nước là một quá tình nhân khẩu học rất đặc trưng và có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Đôi điều luận bàn từ cách hiểu theo từ ngữ về vấn đề dân cư, quá trình di dân của Hà Nội, là điểm tựa, là chút khai phá cho việc đi sâu tìm hiểu cuốn sách “Dân cư Thăng Long - Hà Nội”. Với quan điểm tổng hợp, xem xét các khía cạnh của dân cư Thăng Long – Hà Nội theo chiều không gian và theo chiều lịch sử, với nguồn tư liệu và số liệu phong phú, cập nhật, nội dung cuốn sách đã phác họa cho bạn đọc bức tranh sinh động về dân cư Thăng Long xưa cho đến Hà Nội hôm nay.

Linh Chi

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)