Trung tâm chính trị, hành chính Thăng Long từ năm 1010 định đô đến tỉnh Hà Nội năm 1831
Thời Lý (1009-1225), sau khi dời đô, Lý Công Uẩn và các vua nhà Lý sau này, đã trên cơ sở trung tâm chính trị, hành chính Đại La của chính quyền đô hộ phương Bắc thời Tùy, Đường xây dựng Thăng Long trở thành một trung tâm chính trị - hành chính, trung tâm kinh tế và trung tâm văn hóa số một của đất nước. Thăng Long thời Lý, bên cạnh vai trò trung tâm chính trị, hành chính quốc gia đã nhanh chóng phát triển trở thành trung tâm kinh tế, trung tâm văn hóa số một của quốc gia Đại Cồ Việt - Đại Việt. Từ trung tâm quyền lực Thăng Long, nhà Lý đã tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Tống (1075-1077) bằng quyết định vô tiền khoáng hậu trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của Việt Nam: đem 10 vạn quân sang đất Tống, triệt phá các căn cứ xâm lăng của Tống (ở Khâm Châu, Liêm Châu và nhất là thành Ung Châu) và, đặc biệt, bảo vệ an toàn trọn vẹn cho kinh thành bằng phòng tuyến sông Như Nguyệt - kỳ tích mà các triều đại về sau hầu như không thực hiện được.
Nhưng từ cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII, nhà Lý bắt đầu suy yếu. Thăng Long nhốn nháo vì những biến loạn cung đình, vì cuộc chiến giữa các phe phái phong kiến. Thành quách cung điện bị phá hủy, cư dân biến động, kinh tế đình trệ… Trong khi đó, ở phía bắc, đế quốc Mông Cổ bắt đầu hình thành, an nguy của đất nước bị đe dọa. Trước bối cảnh đó, yêu cầu phải nhanh chóng ổn định tình hình, khôi phục lại sức mạnh của chính quyền trung ương và củng cố nền thống nhất quốc gia trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhà Trần thay thế nhà Lý trong bối cảnh và yêu cầu đó của lịch sử. Ngày 10 tháng 1 năm 1226, với tờ chiếu nhường ngôi của Hoàng đế Lý Chiêu Hoàng cho chồng là Trần Cảnh đã kết thúc 216 năm trị vì của vương triều Lý và mở đầu một triều đại mới: triều Trần (1226-1400).
Sau khi đoạt được vương quyền từ nhà Lý bằng cách “nhường ngôi cho chồng”, nhà Trần bằng hàng loạt các biện pháp mạnh mẽ, nhà Trần (với vai trò nổi bật của Trần Thủ Độ) đã nhanh chóng gạt bỏ tất cả các thế lực chống đối, tập trung quyền lực vào tay họ Trần - cũng là tập trung quyền lực vào chính quyền trung ương, đồng thời với việc kiện toàn lại bộ máy quản lý đất nước. Đất nước dần dần ổn định. Bằng những chính sách tích cực, Đại Việt thời Trần - nhất là trong thế kỷ XIII và đầu XIV, đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn, về kinh tế, về văn hóa và đặc biệt là thắng lợi của ba lần kháng chiến chống xâm lược Mông - Nguyên.
Có một điểm khác biệt, là dưới thời Trần, Thăng Long không phải là trung tâm quyền lực duy nhất. Bên cạnh Thăng Long còn tồn tại một trung tâm quyền lực thứ hai, được coi như là kinh đô thứ hai - đó là Tức Mặc - Thiên Trường. Hương Tức Mặc (nay thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) là quê hương của họ Trần.
Sự tồn tại đồng thời hai trung tâm quyền lực Thăng Long và Tức Mặc - Thiên Trường là một đặc sắc trong cách thức tổ chức và quản lý đất nước dưới thời Trần. Kinh đô Thăng Long thời Trần vẫn là trung tâm chính trị, hành chính của đất nước, nhưng sự tập trung quyền lực, cả chính trị và hành chính, thì không giống như dưới thời Lý, mà phải chia sẻ cho Tức Mặc - Thiên Trường.
Bước sang nửa sau thế kỷ XIV, nhà Trần bắt đầu suy yếu, đất nước đứng trước nguy cơ phân tán. Năm 1400, Hồ Quý Ly chiếm ngôi nhà Trần, đặt quốc hiệu là Đại Ngu, chuyển kinh đô từ Thăng Long về Thanh Hóa (Tây Đô). Sau 387 năm Thăng Long không còn giữ vai trò trung tâm chính trị, hành chính quốc gia nữa và được đổi tên là Đông Đô. Tuy nhiên, dù vậy, Thăng Long với vai trò to lớn của nó vẫn là một thực tế mà Hồ Quý Ly phải thừa nhận: vẫn được coi là “đô” (Đông Đô), giữ vị trí then chốt trong hệ thống phòng thủ. Cuối năm 1406, nhà Minh phát đại quân xâm lược Đại Ngu, thành Đông Đô thất thủ (1407). Người Minh đổi tên thành Đông Đô thành Đông Quan và xây dựng nơi đây thành thủ phủ - đại bản doanh của chính quyền đô hộ phong kiến Trung Hoa trong suốt hai mươi năm thuộc Minh. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống ách đô hộ của nhà Minh, giải phóng đất nước bùng nổ năm 1418 và kết thúc thắng lợi với chiến dịch bao vây giải phóng thành Đông Quan (1426-1427).
Sau kháng chiến chống Minh thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (Lê Thái Tổ), mở đầu một triều đại mới: nhà Lê sơ (1428-1527), đóng đô ở thành Đông Đô (bỏ tên Đông Quan, lấy lại tên Đông Đô và đến năm 1430 đổi tên là Đông Kinh). Thành Đông Kinh trở thành nơi tập trung cao độ và là biểu tượng của quyền lực chính trị, hành chính đất nước. Năm 1497 Lê Thánh Tông mất kéo theo sự suy yếu của nhà nước Lê sơ. Ba mươi năm sau - năm 1527 - Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Đông Kinh vẫn là kinh đô chính thức dưới thời Mạc nhưng có thêm Dương Kinh (vùng Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng) như một kinh đô thứ hai.
Với sự sụp đổ của nhà Lê sơ cũng là lúc “tan ra” của thiết chế quân chủ tập quyền và quốc gia thống nhất. Thăng Long - Đông Kinh không còn là trung tâm quyền lực duy nhất, mà đã phân tán về Dương Kinh, về Thanh Hóa và sau này về phía nam - Đàng Trong thuộc quyền kiểm soát của các chúa Nguyễn. Tuy nhiên, có một thực tế, dù vậy, Thăng Long - Đông Kinh vẫn là một biểu tượng của quyền lực, vẫn duy trì được ở mức độ nhất định sức lan tỏa tạo nên dòng chảy tinh thần về một quốc gia thống nhất trên một trạng thái chia cắt.
Sau kháng chiến chống Mãn Thanh thắng lợi (1789), Quang Trung đóng đô ở Phú Xuân (Huế). Nhà Nguyễn (1802-1945) cũng đóng đô ở Phú Xuân - Huế. Thăng Long từ đây mất vai trò kinh đô - trung tâm chính trị - hành chính quốc gia. Tuy nhiên, Thăng Long vẫn là thủ phủ của một vùng rộng lớn là Bắc Thành (Bắc Bộ, từ 1802 đến 1831), rồi của tỉnh Hà Nội (từ 1831 về sau).
Dù qua không ít thăng trầm, vùng đất Hà Nội ngày nay từ rất sớm đã được lựa chọn làm vị trí trung tâm đất nước. Thăng Long với những biến đổi tên gọi, vị thế, từ thuở định đô cho đến khi Thăng Long mang tên Hà Nội (1831) cho đến nay được khái lược trong bài viêt này thêm khẳng định dù kinh thành có những khi là “cố đô”, thì “quyền lực” của đô thị này vẫn được khẳng định. Đó là quyền lực chính trị - hành chính, quyền lực kinh tế, quyền lực văn hóa, với một sức lan tỏa lớn, với một sức sống mạnh mẽ.
Hồng Ly