Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 27/11/2019 08:46
Sở hữu ruộng đất tư ở huyện thanh oai qua tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội: Địa bạ huyện Thanh Oai

 Tháng 10.2019, Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập địa bạ huyện Thanh Oai đã ra mắt bạn đọc gồm 2 tập, dung lượng 1.784 trang. Đây là 2 tập nằm trong tổng số 17 tập sách tư liệu về địa bạ trong cơ cấu Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II. Bộ sách với dung lượng tổng cộng lên tới trên 15.000 trang, cung cấp bản dịch tử tư liệu địa bạ gốc của 10 đơn vị hành chính đầu triều Nguyễn bao gồm: Chương Đức, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài An, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Sơn Minh, Thanh Oai, Thanh Trí và Thượng Phúc.

 Nằm trong khối tư liệu địa bạ trên, tư liệu địa bạ huyện Thanh Oai có khối lượng trung bình so với các đơn vị hành chính khác. Qua nghiên cứu sơ bộ chúng ta có được một vài nhận định ban đầu về tình hình sở hữu ruộng đất tại huyện Thanh Oai đầu triều Nguyễn (năm 1805 - thời điểm lập địa bạ) trong đó có vấn đề sở hữu ruộng đất tư.

Tư điền là vấn đề mà các triều đại phong kiến Việt Nam không khuyến khích, thậm chí hạn chế sự phát triển. Việc phát triển của sở hữu tư nhân về ruộng đất sẽ một phần cho thấy sự suy giảm về quyền lực của triều đình tại các làng xã Việt Nam. Tuy nhiên, quy luật phát triển của lịch sử đã cho thấy, sở hữu tư nhân về ruộng đất đã tự tìm được con đường tồn tại và phát triển mạnh mẽ khi có cơ hội. Đến triều Nguyễn đây là vấn đề mà triều Nguyễn đã không còn kiểm soát được. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà trong đó quan trọng nhất là nhiều thế kỷ phân chia đất nước. Sau khi lên ngôi vua Gia Long đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề ruộng đất và lệnh cho các địa phương lập địa bạ là việc làm nhằm có sự thống nhất trong quản lý đất đai. Qua nghiên cứu sơ bộ Tuyển tập điạ bạ Thăng Long - Hà Nội: Địa bạ huyện Thanh Oai cho thấy một phần trong bức tranh toàn cảnh ấy.

Dưới triều Nguyễn, huyện Thanh Oai là một trong bốn huyện của phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng, gồm 12 tổng, 94 xã, thôn, phường. Cho đến nay, tại Trung tâm Lữu trữ Quốc gia I và Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ địa bạ của 70/94 (chiếm 74,47%) xã, thôn thuộc Thanh Oai.

Điều đầu tiên có thể nhận thấy là sở hữu ruộng đất tư (tư điền) ở huyện Thanh Oai rất lớn, chiếm hầu như toàn bộ sở hữu ruộng đất tại các xã thôn cũng như trên địa bàn toàn huyện. Qua số liệu thống kê cho thấy toàn bộ các đơn vị hành chính xã thôn đều có tư điền. Chỉ có hai trường hợp tư điền ít hơn so với công điền là tại xã Thạch Ôi tổng Bối Khê và xã Thanh Thần tổng Nga My. Các xã Đan Nhiễm tổng Bảo Đà, xã Quảng Lại, Đàn Viên  tổng Đại Định, xã Thượng Thanh Thần tổng Nga Mi, xã Hạ Thanh Oai tổng Tả Thanh Oai sở hữu ruộng công xấp xỉ hoặc chênh lệch 2 đến 3 lần so với ruộng tư. Các đơn vị xã thôn còn lại mức chênh lệch này là gấp hàng chục đến hàng trăm lần. Đơn cử một vài trường hợp có sự chênh lệch lớn như: xã Tê Quả tổng Bảo Đà tư điền là 786 mẫu trong khi công điền chỉ có 10 mẫu; xã Khê Tang tổng Đại Định tư điền là 1.088 mẫu, công điền 9 mẫu; xã Động Cứu tổng Đại Định tư điền 1324 mẫu, công điền 21 mẫu… Đặc biệt còn có 7 đơn vị hành chính xã thôn tư điền chiếm tuyệt đối, không có công điền. Đó là xã Thiên Đông tổng Bối Khê, xã Hưng Giáo tổng Đại Định, xã Cao Mật, Ninh Dương và Tràng Cát của tổng Nga Mi, xã Hương Nhị tổng Tuyền Cam và thôn Xuyên Dương xã Văn Xá tổng Tuyền Cam.

Sở hữu ruộng đất cả công điền và tư điền khá lớn, có xã lên tới hàng nghìn mẫu, tuy nhiên số trang địa bạ của Thanh Oai không nhiều. Trong khí đó, công điền chiếm tỷ lệ rất nhỏ, tư điền là chủ yếu. Tổng hợp các thông tin này có thể sơ bộ kết luận, quy mô sở hữu ruộng tư ở huyện Thanh Oai không quá manh mún (không quá nhiều thửa ruộng, diện tích mỗi thửa không quá nhỏ, bình quân ruộng đất một chủ không quá thấp). Đặc biệt tình trạng ruộng đất xã khác tại bản thôn, xã là không phổ biến, nếu có thì diện tích cũng không đáng kể. Các nhận định này cho phép phác họa một bức tranh kinh tế, bức tranh sở hữu ruộng đất của huyện Thanh Oai đầu triều Nguyễn khá rõ nét.

Bên cạnh đó còn rất nhiều vấn đề có thể tiếp tục đi sâu khai thác trong tư liệu địa bạ huyện Thanh Oai như: quy mô sở hữu cụ thể của các chủ đất, vị trí, chất lượng của các thửa ruộng tư… Phần sách dẫn về địa danh và nhân danh trong địa bạ Thanh Oai sẽ giúp bạn đọc có sự hình dung rõ nét hơn về vấn đề này.

Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội: Địa bạ huyện Thanh Oai là công trình được đầu tư sưu tầm tư liệu, dịch, chú giải của một tập thể các nhà khoa học do PGS.TS Vũ Văn Quân chủ biên. Nhà xuất bản Hà Nội trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Tuấn Hưng

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)