TÌNH HÌNH SỞ HỮU RUỘNG ĐẤT CÔNG Ở HUYỆN THANH OAI QUA TUYỂN TẬP ĐỊA BẠ THĂNG LONG - HÀ NỘI: ĐỊA BẠ HUYỆN THANH OAI
Với tư cách là nguồn tư liệu các vấn đề liên quan đến tình hình sở hữu đất đai, Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội: Địa bạ huyện Thanh Oai đã cho thấy vấn đề sở hữu ruộng đất công tại huyện Thanh Oai trong giai đoạn đầu triều Nguyễn (thời điểm lập địa bạ 1804, 1805).
Thời Nguyễn, huyện Thanh Oai là một trong bốn huyện của phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng, gồm 12 tổng, 94 xã, thôn, phường. Qua khảo sát của nhóm biên soạn về nguồn tư liệu địa bạ huyện Thanh Oai còn tồn tại đến ngày nay, được lưu trữ tại Trung tâm Lữu trữ Quốc gia I và Viện Nghiên cứu Hán Nôm thì có 70/94 (chiếm 74,47%) đơn vị hành chính còn tư liệu địa bạ. Trên cơ sở nguồn tư liệu này, chúng ta có thể nhận định được một vài vấn đề về sở hữu ruộng đất ở huyện Thanh Oai đầu triều Nguyễn, trong đó có sở hữu ruộng đất công.
Trước tiên có thể khẳng định, sở hữu ruộng đất công ở Thanh Oai (chủ yếu là công điền) chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Qua số liệu thống kê cho thấy chỉ có 4/70 đơn vị xã thôn của Thanh Oai có công điền trên 100 mẫu là xã Đàn Viên, tổng Đại Định (107 mẫu 7 sào), Xã Thanh Thần, tổng Động Cứu (165 mẫu 1 sào), xã Thượng Thanh Thần, tổng Động Cứu (169 mẫu), xã Hạ Thanh Oai tổng Tả Thanh Oai (221 mẫu, 9 sào). 2/70 đơn vị có xấp xỉ 100 mẫu là xã Đan Nhiễm và Thạch Ôi của tổng Bảo Đà (91 mẫu và 99 mẫu). Còn lại các đơn vị xã thôn khác, sở hữu công điền rất lẻ tẻ, chỉ từ 7 sào đến vài chục mẫu. So sánh với sở hữu ruộng đất tư của các xã từ hàng trăm đến trên 1000 mẫu, cho thấy sự chênh lệch rất lớn. Đặc biệt còn có 7 đơn vị hành chính xã thôn không có công điền. Đó là xã Thiên Đông tổng Bối Khê, xã Hưng Giáo tổng Đại Định, xã Cao Mật, Ninh Dương và Tràng Cát của tổng Nga Mi, xã Hương Nhị tổng Tuyền Cam và thôn Xuyên Dương xã Văn Xá tổng Tuyền Cam. Ở nhiều xã thôn công điền có khi còn thấp hơn Phật tự điền, Thần từ điền. Điều này đặt ra nhiều vấn đề khá thú vị về sở hữu ruộng đất công đầu triều Nguyễn ở Thanh Oai: Nguyên nhân của việc giảm sút công điền? Sự chênh lệch trong sở hữu ruộng công ở các xã thôn huyện Thanh Oai? Quá trình chuyển hóa ruộng công thành ruộng tư như thế nào? Đây thực sự là các vấn đề mà nếu đi sâu khai thác tìm hiểu, nguồn tư liệu địa bạ sẽ cho người nghiên cứu những câu trả lời có thể tin cậy.
Khi tổ chức việc lập địa bạ, các Nhà nước quân chủ nhằm vào hai mục đích, trước là để thu thuế, sau để quản lý đất đai và các mục đích khác trong việc quản lý nông thôn. Tuy nhiên các xã thôn đã có hình thức để trách sự quản lý đó bằng việc ẩn lậu ruộng đất. Đây là việc làm khá quy mô, diễn ra ở hầu hết các nơi. Sự sở hữu ít ỏi của ruộng đất công ở các xã thôn huyện Thanh Oai cũng đặt ra các vấn đề về tình hình ẩn lậu ruộng đất khu vực này?
Còn rất nhiều vấn đề mà khi đi sâu khai thác trong tư liệu địa bạ huyện Thanh Oai sẽ cung cấp cho người nghiên cứu bức tranh tổng thể về sở hữu ruộng đất công ở Thanh Oai. Đó là chất lượng các ruộng đất công (ruộng hạ điền hay thu điền), vị trí các mảnh ruộng công, sự manh mún hay tập trung của các thửa ruộng công tại các xã thôn…
Nông nghiệp - nông thôn - nông dân là yếu tố có tác động mạnh mẽ tới nhiều vấn đề, lĩnh vực của lịch sử, văn hóa Việt Nam. Nghiên cứu về sở hữu ruộng đất là một vấn đề quan trọng bởi đây là cơ sở của các hằng số trên. Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội: Địa bạ huyện Thanh Oai do PGS.TS Vũ Văn Quân chủ biên, được thực hiện bởi một tập thể đông đảo các nhà khoa học trong nhiều năm là sự bổ sung cần thiết cho nguồn tư liệu phục vụ nghiên cứu. Các tác giả và Nhà xuất bản Hà Nội hy vọng rằng thông qua nguồn tư liệu này, nhiều công trình nghiên cứu sẽ được hình thành, hoàn thiện.
Nhà xuất bản Hà Nội trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Tuấn Hưng