Cội nguồn và những chặng đường phát triển của dòng họ Phan Huy
Trong các dòng họ ở Việt Nam, họ Phan là một họ lớn, một danh gia có nhiều đóng góp quan trọng về văn hóa, văn học. Vào giai đoạn thế kỷ 18 - 19, Phan Huy được xem là một trong bốn dòng văn lớn gồm Ngô Thì ở Tả Thanh Oai, Nguyễn Tiên Điền, Phan Huy và Nguyễn Huy ở Nghệ An) góp phần làm nên thành tựu văn hóa văn học rực rỡ của giai đoạn này. Chúng ta cùng ngược về cội nguồn của dòng họ Phan Huy, để thây một chặng đường phát triển và di sản văn hóa văn học của dòng họ này đã để lại cho hậu thế.
Theo Phan công gia phả thì “Tổ tiên nguyên quán ở xã Ngọc Điền, huyện Thạch Hà, thuộc ty Giáo phường, quen nghề làm ruộng và am tường âm nhạc”. Xã Ngọc Điền, tên nôm là làng Cày, cho đến đầu thời Nguyễn còn thuộc tổng Trung, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa, trấn Nghệ An (nay thuộc xã Thạch Đường, hyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Thời Lê Thánh Tông, cụ tổ được giao cho làm Phân trưởng Cửa đình ở huyện, do đó mới nhập tịch vào phía tây xứ Trầm Vịt thôn Chỉ Bông, xã Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, đến thời Lê Trung hưng thì thuộc xã canh hạch, tổng Canh Hạch, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An. Vì cụ là phân trưởng Giáo phường, lại ở Trầm Vịt, nên người trong ấp thường gọi là “Ông Trầm”. Họ Phan Huy tôn cụ là “Cao cao tổ”, sau này dù hiển đạt, văn tế vẫn giữ nguyên tên đó. Từ đời thứ nhất đến đời thứ 3 khoog thấy ghi chép gì, có lẽ dòng họ Phan vẫn giữ nghề “làm ruộng và trông coi Giáo phường”. Bắt đầu từ đời thứ tư, cụ Phan Văn Nguyên mới đi theo việc quân, phò giúp Lê Trang Tông (1533 - 15480). Dòng họ Phan khi đó vẫn giữ chữ lót là Văn đã từ Cửa Đình bước vào Cửa tướng! Các cụ tổ từ đời thứ 5,6 cho đến đời thứ 9 đều theo nghiệp binh, giữ những chức vụ quan trọng trong triều, điển hình như Phan Văn Kính làm đến chức Chiêu Nghị tướng quân Đô đốc đồng tri.
Phan gia, bảy tám thế hệ đầu đều chỉ thấy chép con đích, đến đời thứ 7, Phan Văn Kính có 2 người con trai, từ đó phân chi, chi trưởng - Đại tôn Phan Văn Canh nhập tịch ở Gia Thiện, chi thứ Phan Văn tĩnh vẫn ở Hữu Phương. Hai chi con cháu đông đúc, hai cụ Trưởng chi Đại tôn đời thứ 10, thứ 12 vẫn còn giữ chức Trùm ty Giáo phường huyện. Chi thứ về đường công danh có lẽ phát triển hơn. Rực rỡ nhất là Phan Văn Tĩnh - em ruột cụ Phan Văn Canh, con trai thứ 2 cụ Phan Văn Kính. Cụ Tĩnh thi đỗ trường võ, ban đầu làm Quản binh, là một tướng giỏi trấn Nghệ An rồi được triệu về triều coi quân Túc vệ; cuộc đời được nhận nhiều chức phong. Cụ có 9 con trai và 10 con gái, trong đó người thứ 6 là Phan Huy Cận - Hội nguyên Tiến sĩ khoa Giáp Tuất 1754, là người khai khoa, mở đầu đường cử nghiệp và cũng bắt đầu từ Phan Huy Cận, dòng họ Phan hiển đạt về đường văn. Cụ Huy Cận có 5 người contrai và 4 con gái. Trong số 5 người con trai thì 4 người theo ngành văn; con trai trưởng Phan Huy Ích và con thứ ba Phan Huy Ôn đều nối nhau thi đỗ Tiến sĩ; con trai thứ Phan Huy Thự và em là Phan Huy Sảng đều đỗ Tam trường. Đươg thời ba cha con (cụ Huy Cận, con trai Huy Ích và Huy Ôn) làm quan đồng triều, được coi là một chuyện đẹp hiếm gia tộc đạt được. Dưới triều vua Lê Hiến Tông, họ Phan Huy là một danh gia thịnh đạt. Phan Huy Áng là một bề tôi được trọng dụng của phủ chúa, nhiều lần dược cử đi chấm thi, rồi đi trấn nhậm các trấn quan trọng. Phan Huy Ích dưới thời Lê cũng làm đến chức Thừa chỉ viện Hàn lâm, Giám khảo thi Hội, Độc quyển thi Đình khoa Đinh Mùi năm 1787 và cũng từng bôn ba nhậm chức các trấn quan trọng như Kinh Bắc, Thanh Hoa… Mối thân gia giữa Phan gia và Ngô gia ở Tả Thanh Oai cũng là một kết hợp tốt đẹp, không chỉ về huyết thống gia tộc mà còn về văn hóa. Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích là anh vợ em rể, cũng là một đôi bạn thâm giao hiếm có trong lịch sử văn chương.
Ngoài ra, dòng họ Phan Huy còn có hai sự kiện không có trong gia phả nhưng vẫn được lưu truyền và biết đến trong dòng họ. Đó là câu chuyện về quan hệ huyết thống của họ Phan với dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu và tên lót mang chữ Huy cũng bắt nguồn từ đó. Câu chuyện thứ hai là gần đây, vào năm 2015 vị Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon đã về thăm nhà thờ họ Phan ở Sài Sơn và nhận họ.
Mặc dù gốc của dòng họ Phan ở Nghệ An (Hà Tĩnh) nhưng đến đời Phan Huy Cận đã chọn mảnh đất Sài Sơn - làng quê gần Kinh thành Thăng Long để gắn bó, gửi gắm tâm hồn, để rồi sẽ đóng góp cho Thăng Long một Dòng văn lớn nữa sánh vai cùng Dòng văn Ngô Thì ở Tả Thanh Oai
Trần Duy