Trước tác của Phan Huy Chú - Hiện tượng văn hóa Việt Nam thế kỷ XIX
Năm 1821, Minh Mệnh biết tiếng tri thức và văn chương của ông đã cho triệu ông vào Kinh giữ chức Biên tu trường Quốc Tử Giám. Phan Huy Chú được Minh Mệnh hai lần cử đi sứ nhà Thanh với chức Phó sứ. Sau khi hoàn thành chuyến đi, Phan Huy Chú được cử giữ chức Tư vụ Bộ công. Làm một thời gian ông chán cảnh quan trường, xin từ quan về làng chuyên tâm dạy học, viết sách cho đến cuối đời.
Trong hoạt động trước thuật của mình, Phan Huy Chú là một nhà thơ, một nhà nghiên cứu sử học, văn học có nhiều đóng góp quan trọng, song ông thực sự nổi tiếng với tư cách nhà nghiên cứu, phê bình, biên khảo có thành tựu xuất sắc.
Phan Huy Chú với công trình Lịch triều hiến chương loại chí viết năm 1809 hoàn thành năm 1819, là công trình khảo cứu, tổng kết văn hóa lịch sử Việt Nam từ thời Thượng cổ đến hết triều Lê trên mười lĩnh vực: địa lý, nhân vật, quan chức, lễ nghi, khoa cử, tài chính, thuế khóa, hình luật, binh bị, sách vở, thơ văn, bang giao. Bộ sách đồ sộ này được coi là “bộ bách khoa toàn thư” đầu tiên của Việt Nam.
Lịch triều hiến chương loại chí gồm 49 quyển, bao quát toàn bộ những vấn đề lớn của việc điều hành đất nước mà Phan Huy Chú sẽ dâng lên vua với mục đích giúp vào việc “lập chính” của nhà Nguyễn, một vấn đề thời sự rất cấp bách vào thời đó. Đọc Lịch triều hiến chương loại chí , người đọc được tiếp xúc với những tri thức lịch sử, văn học, địa lý,… rất phong phú, phần lớn được phân loại rành rõ qua đó người đọc có thể tìm thấy ở đây nơi bảo tồn những giá trị cổ văn hiến dân tộc hiếm có. Các trước tác học thuật của ông là những cuốn tri thức bách khoa về nhiều lĩnh vực đời sống con người Việt Nam thời Trung đại, đó là những thông tin xác thực, hết sức hấp dẫn và hữu ích đối với những ai muốn tìm hiểu sâu về nền văn hiến quá khứ của dân tộc.
Tên tuổi Phan Huy Chú không chỉ gắn với bộ sách lớn Lịch triều hiến chương loại chí, ông còn là tác giả của Hoàng Việt địa dư chí ghi chép về địa lý Việt Nam và tập văn xuôi ghi chép Hải trình chí lược. Ngoài các công trình thine về khảo cứu học thuật và tập ký hành trình, Phan Huy Chú còn có các tập thơ viết trong những lần đi sứ Trung Quốc như Hoa thiều ngâm lục, Hoa trình tục ngâm và Du hiên tùng bút. Hoa thiều ngâm lục là những sáng tác của ông trong lần đi sứ thứ nhất vào năm 1825 gồm 2 quyển: quyển thượng và quyển hạ. Quyển thượng có 1 bài tựa của tác giả và 161 bài thơ, 3 bài phú. Quyển hạ có 114 bài thơ, 1 bài phú và 8 bài từ. Hoa thiều tục ngâm được sáng tác trong lần đi sứ thứ hai vào năm 1831 gồm 127 bài thơ. Du hiên tùng bút ghi lại một số văn kiện trong thời gian đi sứ và những thắng cảnh ở Trung Hoa, cùng thơ đề vịnh của các danh nhân.
Anh Duy