Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 27/11/2019 08:56
Yếu tố địa giới hành chính ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển các làng nghề thủ công của Thăng Long - Hà Nội

Địa giới và diện tích của Thăng Long - Hà Nội thường xuyên biến động qua các giai đoạn lịch sử. Một thực trạng đã ghi nhận, cứ mỗi lần phân định lại địa giới hành chính là một lần tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt hoạt động kinh tế - xã hội, tạo ảnh hưởng sâu rộng đến việc hình thành và phát triển các làng nghề thủ công của Thăng Long - Hà Nội.

Vùng đất này đã có mấy ngàn năm lịch sử . Ở đó, cư dân người Việt cổ sống quần tụ trên các vùng đất cao dọc theo các dòng sông Hồng, sông Đà, sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Cà Lồ… Lịch sử của vùng đất này có thể coi như một không gian mở, có địa giới và diện tích co giãn, đã từng được mở rộng ra nhiều vùng phụ cận, như: phía đông bắc đến làng gốm Bát Tràng bên kia sông Hồng, xưa kia là đất của tỉnh Bắc Ninh; lên đến Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, trước kia thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1802, Gia Long lên ngôi vua, chính thức chuyển kinh đô từ Thăng Long vào Phú Xuân (Huế ngày nay) và đổi tên, Hà Nội khi đó trở thành một tỉnh.

Từ năm 1831 đến trước thời kỳ Hà Nội thuộc Pháp (trước năm 1888) - thời kỳ vua Minh Mạng, địa giới hành chính của Hà Nội cũng đã từng được mở rộng, lấn sang nhiều vùng đất thuộc tỉnh Hà Đông và Hà Nam. Khi trở thành thành phố nhượng địa của thực dân Pháp vào năm 1888 là thủ phủ của Liên bang Đông Dương thì Hà Nội lại trở về vị trí cũ, bao gồm: vùng đất nội thành với “36 phố phường” là phần diện tích chủ yếu.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Hà Nội lại trở thành Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Từ sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954) đến ngày 1/8/2008, Hà Nội đã trải qua bốn lần thay đổi địa giới hành chính.

Thăng Long - Hà Nội ngày nay, bao gồm: diện tích Hà Nội (cũ) và toàn bộ phần đất của tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã: Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) được sáp nhập về Thủ đô Hà Nội theo Quyết định số 15/2008/QH của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, họp ngày 29/5/2008, có hiệu lực từ ngày 1/8/2008.

Việc thu hẹp địa giới hành chính của Hà Nội cũng đã gây hạn chế trong việc phát triển các làng nghề thủ công do địa bàn và không gian kinh tế bị thu hẹp, giao lưu hàng hóa phần nào bị cản trở bởi chính sách của chính quyền các địa phương khác nhau. Chính sách nhập cư đối với thợ thủ công ở các địa phương khác về Hà Nội khó khăn. Thực tế này đã xảy ra ở thời kỳ đô hộ của thực dân Pháp (1888 - 1945).

Việc mở rộng địa giới hành chính, diện tích Hà Nội sẽ rộng hơn; đông hơn về dân số; thị trường nguyên vật liệu và lao động cho các làng nghề phong phú và đa dạng hơn. Là Thủ đô, việc thu hút nhiều lao động giỏi để phát triển nhiều ngành nghề sẽ dễ dàng hơn; có điều kiện đổi mới công nghệ, tạo ra nhiều sản phẩm thủ công tinh túy, có giá trị kinh tế và thẩm mỹ cao. Sức mua ở thị trường Thủ đô chắc chắn dồi dào hơn nhiều so với các địa phương khác do nơi đây là đầu mối quan hệ giao lưu kinh tế trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, Thăng Long xưa và Hà Nội nay vẫn luôn là địa danh thu hút nhiều làng nghề thủ công nhất cả nước.

Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến tập hợp rất nhiều đầu sách thuộc nhiều mảng đề tài như kinh tế, văn hóa, xã hội, lịch sử, địa lý… Bài viết này thuộc mảng đề tài về kinh tế xã hội. Để tìm hiểu rõ hơn về nội dung này bạn đọc có thể tìm đọc thêm qua cuốn sách Những làng nghề thủ công tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội do TS. Đinh Hạnh làm chủ biên.

Trần Duy

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)