Chính sách “vườn không nhà trống” của nhà Trần trong chống quân xâm lược
Trong ba cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt (1258, 1285 và 1288), quân Nguyên - Mông đều xác định Thăng Long là mục tiêu chủ yếu vì Thăng Long là kinh đô của nước Đại Việt. Trong cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ nhất (năm 1258), sau khi chiếm được thành Thăng Long, quân Mông Cổ chỉ đóng quân được ở đây trong không đầy nửa tháng. Bởi hưởng ứng và thực hiện mệnh lệnh của triều đình, nhân dân kinh thành đã dùng kế “thanh dã” khiến quân địch rất khó cướp được lương thực; trong lúc lương thực mang theo để nuôi quân cứ cạn dần, giặc bị rơi vào tình trạng thiếu lương, lại không quen thủy thổ, quân lính đau ốm nhiều… Trong khi đó, quân và dân nhà Trần không ngừng tiến hành những trận đánh nhỏ, lẻ; ngày đêm tập kích và phục kích đồn trại giặc; đột nhập, đốt phá các kho lương, kho cỏ ngựa của giặc và ra sức chuẩn bị phản công. Rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, tướng giặc là Ngột Lương Hợp Thai không có cách gì hơn là định ngày lui quân.Tuy nhiên, để vớt vát sĩ diện, hắn sai sứ giả đến dinh quân ta đóng ở hạ lưu sông Hồng để nói chuyện giảng hòa. Biết giặc đã vào thế cùng quẫn, nhà Trần tận dụng thời cơ, tiến hành tổng phản công, đánh mạnh vào doanh trại giặc ở Đông Bộ Đầu và truy kích giặc trên đường rút chạy.
Khác với lần tấn công thứ nhất hồi năm 1258, trong lần tấn công thứ hai quân Nguyên Mông chia thành nhiều hướng quân tiến vào Thăng Long cả ở phía Bắc và phía Nam, trên cả đường bộ lẫn đường thủy, mục đích là tiêu diệt nhà Trần và kinh thành Thăng Long. Lần này tướng Trần Quốc Tuấn cho quân bảo vệ vòng ngoài kinh thành, chiến đấu cầm cự với địch để triều đình và nhân dân có thời gian rút lui, bỏ trống kinh thành và vùng ven. Sau đó Thoát Hoan nhanh chóng chiếm được kinh thành và chờ đợi quân từ phía nam lên. Tuy nhiên cánh quân phía nam của chúng đã bị các cánh quân của nhà Trần tiêu diệt. Trong khi đó, ở các vùng sau lưng địch, các đội dân binh phối hợp chặt chẽ với một bộ phận phân tán tại chỗ của quân triều đình, ngày đêm hoạt động ráo riết, liên tiếp đánh vào các căn cứ đóng quân và các đội đi cướp lương, gây cho địch nhiều tổn thất. Đặc biệt, quân triều đình cùng nhân dân Thăng Long đã chủ động tấn công các kho lương thảo của địch, đánh tan những trận càn quét, cướp bóc lương thực của chúng... Cuộc chiến kéo dài đến mùa hè làm cho quân Nguyên Mông phát sinh bệnh tật, ốm đau triền miền. Lợi dụng cơ hội đó, quân dân nhà Trần phản công chiến lược, quân Nguyên Mông không trụ được chúng đành phải rút lui khỏi Thăng Long. Có thể nói kế sách “vườn không nhà trống của nhà Trần đã thực sự phát huy hiệu quả. Chỉ trong vòng 2 tháng, kinh đô Thăng Long một lần nữa lại được giải phóng hoàn toàn khỏi ách chiếm đóng của quân Nguyên-Mông.
Sau hai lần thất bại, quân Nguyên - Mông vẫn không từ bỏ ý chí xâm lược Đại Việt. Rút kinh nghiệm từ hai lần thất trước, lần xâm lược thứ 3 năm 1288, quân Nguyên - Mông chuẩn bị kỹ lưỡng, với tổng số 30 vạn quân cùng 17 vạn thạch lương. Dưới sự tổng chỉ huy của Trấn Nam Vương Thoát Hoan, quân Nguyên - Mông cho quân bộ tiến trước và quân thủy chở lương tiến qua vùng biển Đông Bắc vào Thăng Long. Trước thế giặc mạnh, nhà Trần đã chủ trương và dùng phục binh ngăn chặn cuộc tiến công của đại binh giặc càng lâu càng tốt; đồng thời, sử dụng kế sách “vườn không nhà trống”, bỏ ngỏ thành Thăng Long, rút lui về vùng đất Thanh Hóa. Mới ít ngày ở Thăng Long quân địch đã rơi vào tình trạng thiếu lương thực, vì quân tải lương không theo kịp quân chiến đấu; nhân dân trong thành lại bỏ đi hết, muốn cướp được lương thực của dân thì quân địch phải chia lẻ từng toán, rời xa nơi đồn trại… Tận dụng thời cơ, quân dân nhà Trần phục kích, tiêu diệt địch một cách hiệu quả. Nhân lúc địch đang rối loạn, vua Trần một mặt giả sai sứ sang trại giặc xin hòa ước; mặt khác, lại cho quân cảm tử đánh phá doanh trại giặc vào ban đêm. Rơi vào thế bí, Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi đi đón đoàn thuyền lương thảo bằng đường biển do Trương Văn Hổ chỉ huy. Tuy nhiên đoàn quân lương của quân Nguyên Mông đã bị tướng Trần Khánh Dư đánh cho tan tác, mất toàn bộ số lương thực, khí giới. Không thể kéo dài cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt khi lương thảo nuôi quân đã bị cạn kiệt, tháng 4-1288, Thoát Hoan buộc phải cho rút quân về nước.
Ba lần đánh chiếm quân Thăng Long, quân Nguyên Mông đều thất bại. Nguyên nhân không nằm ở chỗ thế giặc mạnh yếu mà ở chỗ những kế sách của nhà Trần đã hóa giải được những thế mạnh quân sự của quân Nguyên Mông, trong đó đặc biệt là thành công của kế sách “thanh dã” - “vườn không nhà trống”. Kế sách này không chỉ thực hiện ở Thăng Long mà cả các vùng xung quanh kinh thành, kết hợp với những chiến thuật đánh lấn hợp lý đã làm nên thắng lợi vang dội của vua tôi nhà Trần. Từ đây chiến thuật “vườn không nhà trống” trở thành nghệ thuật quân sự độc đáo của người Việt, và là kinh nghiệm quý báu mà sau này Đảng ta đã vận dụng phát triển trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Hoàng Tống