Điểm qua vài nét về nền quân chủ quý tộc dòng họ thời Trần
Để củng cố vương quyền, nhất là trong những thời kỳ đầu, nhà Trần đã thực hiện một nền chuyên chính quý tộc dòng họ. Theo đó, tầng lớp quý tộc tông thất nắm quyền lãnh đạo quốc gia. Các chức vụ chủ chốt trong triều đình (nhất là về võ quan, như các tướng lĩnh trong cuộc kháng chiến chống Nguyên) đều do các người họ hàng thân cận với nhà vua nắm giữ. Vua Trần Thánh Tông đã từng nói với anh em tôn thất rằng: "Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp của tổ tông phải cùng hưởng phú quí với anh em trong họ. Tuy bên ngoài có một người ở ngôi tôn được cả thiên hạ phụng sự, nhưng bên trong thì ta cùng với các khanh là đồng bào ruột thịt, lo thì cùng lo, vui thì cùng vui. Các khanh nên truyền những lời này cho con cháu để chúng đừng bao giờ quên, thì đó là phúc của tông miếu, xã tắc". Đồng thời, nhà Trần tạo điều kiện để các vương tôn quý tộc có điều kiện xây dựng các điền trang thái ấp, phát triển kinh tế dựa trên sở hữu tư nhân về ruộng đất. Sự hình thành điền trang thái ấp chính là một nét riêng biệt trong kết cấu kinh tế nhà Trần, nó góp phần tăng cường vị thế và vai trò của các vương tôn quý tộc trong bộ máy nhà nước. Không chỉ về kinh tế, về quân sự các quý tộc nhà Trần cũng có quyền quản lý quân đội trong điền trang thái ấp của mình, tức là về mặt nào đó các vương hầu quý tộc cũng có quân đội riêng, nhằm mục đích khi có giặc ngoại xâm sẽ có sự liên minh đoàn kết trong các lực lượng quân đội này để cùng với quân đội triều đình đánh đuổi giặc ngoại xâm. Điều này được thể hiện trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã vâng mệnh triều đình “điều quân dân các lộ... chọn người khỏe mạnh làm quân tiên phong” (Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nhà xuất bản Khoa học xã hội 1976, trang 32). Đến cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần 3 nhà vua sai các vương hầu tôn thất điều mộ binh và thống lĩnh quân thuộc hạ của mình để đoàn kết tham gia chống giặc. Lúc bình thường, quý tộc vương hầu có gia đồng như một lực lượng thân binh, và lúc có chiến tranh, được quyền tổ chức quân đội. Năm 1268 triều Trần quy định "chọn người tôn thất giỏi võ nghệ, tinh binh pháp để chỉ huy [quân đội]". Các chức võ quan cao cấp hầu hết thuộc về quý tộc Trần, nhất là trong giai đoạn đầu, và từ trong hàng ngũ quý tộc tôn thất đã xuất hiện nhiều tướng soái giỏi, nhiều nhà quân sự lỗi lạc. Quý tộc Trần cũng nắm giữ những chức vụ chủ chốt trong triều và ở những lộ trọng yếu. Các hoàng thân, vương hầu thường có thái ấp, phủ đệ riêng, nên như Ngô Sĩ Liên đã nhận xét "khi chầu hầu thì đến Kinh đô, xong việc lại về phủ đệ”.
Trong thiết chế nhà nước thời trần, nhà vua là người đứng đầu có quyền uy tối thượng và tập trung. Tập hợp xung quanh vua là hệ thống quý tộc quan liêu đông đảo điều hành mọi quân sư, tài chính và luật pháp.Tầng lớp này chủ yếu là các quý tộc tôn thất dòng dõi nhà vua. Những người này có chức vụ cao nhất trong triều, có điền trang thái ấp thậm chí có cả nô lệ riêng. Tầng lớp quý tộc nhà Trần thường có ý thức cao về địa vị thống trị của dòng họ và cũng có ý thức rất cao về quan hệ cộng đồng của dòng họ trong việc bảo vệ vương triều.
Để bảo vệ được quyền lực của tôn thất dòng họ, nhà Trần đã thực hiện chế độ hôn nhân đồng tộc. Nhiều nhà vua và vương hầu tôn thất nhà Trần đã lấy người trong họ hàng, đôi khi khá gần gũi (như Trần Thái Tông lấy chị dâu, Trần Thủ Độ lấy chị họ, Trần Quốc Tuấn lấy em họ). Chế độ hôn nhân nội tộc này được Trần Thủ Độ nâng lên thành quy chế để bảo vệ dòng họ, làm cho tầng lớp quý tộc Trần mang tính chất đồng tộc cả nội và ngoại.
Mặt khác, các vua Trần cũng hết lòng thương yêu đùm bọc các vương hầu tôn thất, "xong buổi chầu cùng nhau ăn uống, có khi trời tối không về thì đặt gối dài chăn rộng cùng ngủ liền giường với nhau”. Để bảo đảm tính thận trọng và sự an toàn trong việc kế thừa ngôi vua, cũng như để cho các nhà vua trẻ có thời gian tập dượt điều hành việc nước, nhà Trần đã thực hiện chế độ Thái Thượng hoàng. Thường là khi trên dưới 40 tuổi, các vua Trần đã nhường ngôi cho con, lên làm Thái Thượng hoàng, tiếp tục nắm quyền chính trị cùng với vua con trong một thời gian nữa,trước khì lui về nghỉ ngơi.
Có thể nói, tính chất quý tộc huyết thống hay quý tộc dòng họ là một nét nổi bật của vương triều Trần. Nhờ mô hình và thiết chế nhà nước này mà nhà Trần đã trở thành một vương triều hùng mạnh, ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông, xây dựng quốc gia Đại Việt phát triển cực thịnh.
Hoàng Tâm