Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 27/11/2019 10:35
Không gian xã hội “tỉnh thành Hà Nội” từ thời Nguyễn đến khi Pháp đặt ách cai trị

 Dưới thời Nguyễn có một “tỉnh thành Hà Nội” tương đối nhỏ bé nằm trong “tỉnh Hà Nội” rộng lớn. Thực tế, không phải ai cũng hiểu được tại sao lại có hai Hà Nội, và sự khác nhau về địa giới của hai đơn vị cùng tên này là như thế nào. Xác định rõ vấn đề này chính là cơ sở để chúng ta có cơ sở để nghiên cứu các Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội. Cùng tìm hiểu nội dung này trong cuốn sách Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội do TS. Đào Thị Diến chủ biên.

 Cho đến nay địa danh Hà Nội được xác định sớm nhất là năm 1831 dưới thời vua Minh Mệnh (Minh Mạng), khi đó Hà Nội chính thức là tên của một tỉnh thuộc khu vực Bắc kỳ. Theo sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn chép về tỉnh Hà Nội có thể tóm lược lịch sử vùng đất này trước triều Nguyễn như sau: Thời Hán là bộ Giao Chỉ, thời thuộc Đường là phủ An Nam đô hộ, phủ trị đóng ở thành Đại La. Năm Thuận Thiên thứ 1 (1010) vua Lý Thái Tổ xuống chiếu dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La đổi tên là thành Thăng Long, thiết đặt phủ Ứng Thiên thống nhiếp. Đầu đời Thiệu Bảo (nhà Trần) đổi tên Thăng Long thành Trung Kinh, thời thuộc Minh đổi là thành Đông Quan. Năm Thuận Thiên thứ 3 (1430) đời vua Lê Thái Tổ đổi Đông Quan làm Đông Kinh, còn gọi là Trung Đô. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469) đời vua Lê Thánh Tông đổi phủ Ứng Thiên thành phủ Phụng Thiên là phủ Phụ quách của Kinh thành quản lãnh 2 huyện Vĩnh Xương, Quảng Đức. Đời Tây Sơn đổi gọi là Bắc Thành.

Như vậy, sau khi vua Minh Mệnh thực hiện cuộc cải cách hành chính, thì tên gọi Hà Nội đã ra đời. Dù mất đi vai trò chính trị của một thủ phủ miền Bắc như dưới thời Gia Long, nhưng tỉnh Hà Nội lại được mở rộng địa giới hành chính, bao gồm gần như toàn bộ thành phố Hà Nội cũ, tỉnh Hà Đông cũ và tỉnh Hà Nam, sát đến tận tỉnh Ninh Bình. Ngược lại, giới hạn của tỉnh thành Hà Nội chỉ bao gồm hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận của phủ Hoài Đức. Về mặt chính quyền tỉnh thành Hà Nội chỉ do một viên tri huyện Thọ Xương kiêm lý. Bản thân tỉnh thành Hà Nội cũng không phải là một không gian đô thị thuần túy. Tuy được gọi là “36 phố phường” nhưng ngoài khu hạt nhân đô thị các phố xá có cửa hàng buôn bán và chế tác ở phía bắc Hồ Hoàn Kiếm, phần còn lại của tỉnh thành Hà Nội là hệ thống các làng xã nông nghiệp và khu vực bãi bồi (đê Cơ Xá), hàng trăm ao hồ. Trong đó quang cảnh, diện mạo, nhà ở, đường giao thông được bố trí theo kiểu nông thôn. Cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp – tiểu thủ công nghiệp cùng các dịch vụ làm thuê công nhật. Cùng với các làng xã, thôn phường còn có các cơ sở chính trị, quân sự, kinh tế của nhà nước như đồn binh, bãi tập lính, xưởng đúc tiền, trường thi Hương. Ngoài ra còn có hệ thống các đình, chùa, đền, miếu quán.

Tiếp theo đến khoảng thời gian từ 1873 đến 1883, diện mạo tỉnh thành Hà Nội đã thay đổi khá nhiều do những biến cố lịch sử. Cụ thể đó là từ những lần quân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội. Sau lần đánh chiếm thứ nhất, về cơ bản diện mạo tỉnh thành  Hà Nội không có nhiều thay đổi. Nhưng việc thất thủ trước quân Pháp trong lần chúng đánh chiếm thứ hai năm 1883 đã tạo nên bước ngoặt quan trọng  đối với đô thị Hà Nội. Cũng năm đó, phủ Hoài Đức sáp nhập thêm huyện Đan Phượng thuộc phủ Quốc Oai tỉnh Sơn Tây. Năm 1890 tách 3 huyện Nam Xang, Bình Lục, Thanh Liêm của phủ Lý Nhân để thành lập phủ Liêm Bình thuộc tỉnh Nam Định; sau lại lấy toàn bộ 5 huyện của phủ Lý Nhân cũ (tức 3 huyện mới tách sang phủ Liêm Bình và 2 huyện còn lại của phủ Lý Nhân là Duy Tiên, Kim Bảng) gộp thêm 2 tổng Mộc Hoàn, Chuyên Nghiệp của huyện Phú Xuyên thành lập tỉnh Hà Nam.

Thời Pháp thuộc, ngày 19 tháng 7 năm 1888, Tổng thống Pháp ra Sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội chủ yếu trên đất 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận; tháng 10 năm đó toàn bộ phần đất thuộc thành phố Hà Nội bị người Pháp lấy làm nhượng địa. Năm 1896 chuyển tỉnh lị Hà Nội về Cầu Đơ thuộc đia phận huyện Thanh Oai. Năm 1899 thành lập khu vực ngoại thành Hà Nội gồm các xã thuộc huyện Vĩnh Thuận nằm ngoài địa giới thành phố Hà Nội và một số xã thuộc huyện Từ Liêm, Thanh Trì đặt dưới quyền một viên Đốc lý người Pháp. Năm 1902, để tránh trùng tên tỉnh Hà Nội và thành phố Hà Nội, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định đổi tên tỉnh Hà Nội thành tỉnh Cầu Đơ, năm 1904 lại đổi thành tỉnh Hà Đông. Năm 1914 tách khu vực ngoại thành Hà Nội sang tỉnh Hà Đông đặt thành huyện Hoàn Long. Như vậy địa giới thành phố Hà Nội chỉ còn khu vực nội thành thuộc đất 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận cũ. Có thể nói, dưới triều Nguyễn, các vị vua đã có rất nhiều thay đổi, xáo  trộn, đổi tên, tách nhập địa giới hành chính các địa phương. Điều đó làm cho diện mạo Hà Nội có nhiều thay đổi, song đó đơn thuần chỉ là tách nhập, chuyển đổi các đơn vị hành chính. Diện mạo tỉnh thành Hà Nội chỉ thực sự thay đổi khi thực dân Pháp đặt ách cai trị lên toàn thành Hà Nội.

Với một quá trình biến đổi về địa giới hành chính khá phức tạp, không gian Hà Nội hiện tại đã có nhiều dịch chuyển so với tỉnh Hà Nội năm 1831 dưới thời vua Minh Mệnh. Từ sau cách mạng tháng tám năm 1945 đến nay, Hà Nội đã qua 4 lần thay đổi địa giới hành chính. Toàn bộ phủ Lý Nhân tỉnh Hà Nội cũ hiện nay thuộc tỉnh Nam Hà, một phần tỉnh Sơn Tây và Bắc Ninh cũ nay thuộc về Hà Nội. Việc xác định rõ không gian tỉnh thành Hà Nội sẽ giúp chúng ta có căn cứ cụ thể khi nghiên cứu các châu bản triều Nguyễn về Hà Nội.

Minh Hoài 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)