Sự đóng góp của các thương điếm Hà Lan trong sự phát triển kinh tế đối ngoại Đại Việt thế kỷ XII
Bồ Đào Nha là nước đầu tiên đến Đại Việt nhưng chỉ tiến hành các hoạt động buôn bán nhỏ lẻ mà không thành lập các thương điếm. Trong khi đó Hà Lan là một nước có nền kinh tế phát triển sớm với hệ thống buôn bán bằng đường biển phát triển nhưng phải đến những năm đầu tiên của thế kỷ XVII (1601, 1613, 1617) những thuyền buôn đầu tiên của Công ty Đông ấn Hà Lan (VOC) mới đến vùng Đàng Trong của Đại Việt để thăm thú mới mục đích “tiền trạm”. Đến năm 1633, Công ty này mới chính thức có quan hệ buôn bán với Đàng Trong, thành lập một thương điếm ở Hội An. Tuy nhiên, sau đó khi thương điếm Hà Lan ở Hội An có liên hệ làm ăn với Đàng Ngoài đã dẫn đến mối quan hệ bất hòa với chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Vì vậy đến năm 1642 thương điếm Hà Lan ở Hội An đã đóng cửa.
Sau khi chấm dứt làm ăn với Đàng Trong, các Công ty Đông Ấn Hà Lan đã bắt đầu quan hệ giao thương với Đàng Ngoài. Ở Kẻ Chợ, trưởng đại diện của Hà Lan đã tìm cách tiếp cận với vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Đáng. Đồng thời, đại diện của Hà Lan cũng dần tiếp cận với các quan lại hải quan và thu thuế bằng cách tặng quà và thương thảo những vấn đề về kinh tế - chính trị. Bằng những cách đó, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã thuyết phục được chính quyền Lê - Trịnh cho đặt một thương điếm ở Phố Hiến (Hưng Yên). Đến năm 1645, thương điếm này được chuyển lên Kẻ Chợ, còn ở Phố Hiến được xem như là một chi nhánh. Thương điếm Hà Lan ở Kẻ Chợ được dựng ngoài thành Đại La, bên bờ sông Nhị. Trong những thập kỷ đầu, những tàu buôn của Hà Lan từ Nhật Bản, Đài Loan và Batavia đã cập bến Kẻ Chợ buôn bán, mang đến nhiều tiền bạc và hàng hóa (năm 1646 là 130.000 lạng bạc, năm 1649 là 457.928 florins, năm 1650 là 329.613 florins, năm 1661 là 150.200 florins, năm 1681 là 123.354 florins, năm 1682 là 165.420 florins). Đổi lại, họ được một chuyến hàng 500, 600 tạ tơ sống, những tấm lĩnh… Các thương nhân Hà Lan rất khéo léo trong quan hệ làm ăn buôn bán cũng như giao hảo với chính quyền Lê - Trịnh. Họ tìm mọi cách để đánh bật các thương nhân Bồ Đào Nha, đồng thời mua chuộc các vua chúa, quan lại chính quyền. Do đó, các thương điếm của Công ty Đông Ấn Hà Lan đã buôn bán, làm ăn rất hiệu quả. Trong 64 năm tồn tại, trải qua 13 đời giám đốc, lợi nhuận trung bình hàng năm của họ đạt tới 186% so với kế hoạch. Mặt hàng mang lại lợi nhuận cao cho họ là tơ lụa và gôm sứ. Trong khoảng thời gian 1638 – 1642 đã có 5 tàu của Hà Lan cập bến Phố Hiến mang theo 1.323.631 florins, 20.000 lạng bạc và các hàng hóa trao đổi và mua được số lượng lớn các mặt hàng tơ sống, vải lụa đã dệt, lĩnh và quế chi. Với hệ thống thương điếm hùng hậu, Hà Lan nhanh chóng chiếm ưu thế trong giao thương với Đại Việt ở thế kỷ XVII.
Đến cuối thế kỷ XVII, sự xuất hiện của người Anh và hoạt động tích cực của các công ty Đông ấn Anh đã làm cho vị thế của các công ty Đông ấn Hà Lan dần yếu thế. Cùng với đó là sự thắt chặt trong những chính sách giao thương của chính quyền Lê - Trịnh và sự sách nhiễu của bọn tham quan, thu thuế... dẫn đến sự suy giảm trong hoạt động của các thương điếm Hà Lan. Đến năm 1700 Công ty Đông ấn Hà Lan đã chính thức đóng của các thương điếm ở Đàng Ngoài và rút hến nhân viên về nước.
Có thể nói trong gần một thế kỷ tồn tại và hoạt động ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài, với việc áp dụng những sách lược kinh doanh kết hợp và khéo léo trong quan hệ với quan lại chính quyền sở tại, công ty Đông ấn Hà Lan đã góp phần đáng kể vào việc hình thành và phát triển các hoạt động kinh tế đối ngoại của Đại Việt thế kỷ XVII. Đặc biệt với những hoạt động buôn bán làm ăn sôi nổi, Công ty Đông ấn Hà Lan được coi là nhân tố làm nên “cuộc cách mạng thương nghiệp thế kỷ XVII” ở châu Á nói chung, Đại Việt nói riêng.
Minh Bảo