Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 28/11/2019 09:17
Lưỡng quốc Thượng thư - Nguyễn Sư Mạnh trong những trang sách của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến

Mảnh đất Cổ Đô không chỉ nổi tiếng với những đôi bàn tay khéo léo, tâm hồn nghệ thuật thổi hồn quê hương, đất nước qua từng cây cọ vẽ, hay với nghề dệt lụa mà còn nổi danh là làng khoa bảng với nhiều danh nhân, nổi bật hơn cả là danh nhân Nguyễn Sư Mạnh được giới thiệu  trong những trang sách Danh nhân Thăng Long – Hà Nội; Làng cổ Hà Nội xuất bản trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Theo những trang viết của sách Làng cổ Hà Nội do Tiến sĩ Lưu Minh Trị chủ biên, Tiến sĩ, Thượng thư bộ Lễ - Nguyễn Sư Mạnh (1446 - 1527), nổi tiếng là một nhà ngoại giao tài giỏi.  Tại nhà thờ họ “Nguyễn trong”, nơi thờ Tiến sĩ Nguyễn Sư Mạnh đều được đọc một tấm biển treo trang trọng, ghi lại bản xác nhận của Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nội dung bản xác nhận như sau: “Lê Lan Hinh là người xã Yên Đô, huyện Tiên Phong (nay thuộc xã Cổ Đô, huyện Ba Vì...) 39 tuổi đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức 15 (1484) đời Vua Lê Thánh Tông. Ông vốn họ Nguyễn tên Mạnh được ban Quốc tính họ Lê, từng được cử đi sứ, làm quan đến chức Thượng thư...”.

Lần theo gia phả của dòng họ, được biết Nguyễn Mạnh còn gọi là Nguyễn Sư Mạnh có quê gốc ở huyện Cẩm Thủy, trấn Thanh Hoa (Thanh Hóa ngày nay). Từ nhỏ đã là cậu bé thông minh chăm học, học đâu nhớ đấy... Sau khi thi đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ (năm 1484), ông ra làm quan ở cương vị nào cũng tỏ ra là người trung thành, cương trực, thanh liêm được nhà vua hết lòng tin cậy.

Khi đang làm Thượng thư bộ Lễ, Nguyễn Sư Mạnh được cử đi sứ nhà Minh (năm 1500). Lúc vào yết kiến, vua Minh thấy sứ thần nước Nam mặc áo có mấy cúc áo bật tung hở cả bụng, cho là xấc xược, bèn hạch tội khi quân. Sư Mạnh quỳ xuống tâu rằng: “Tâu bệ hạ, vì đường sá xa xôi, bụng thần đầy văn chương, nhiều ngày âm u sợ ẩm ướt, nay được có ánh mặt trời nên thần có ý phơi chữ (cởi áo ra hong), xin được đại xá”. Vua thấy ông đối đáp mau lẹ, muốn hại người tài nước ta, bèn dựa vào câu trả lời đó mà xuống chiếu rằng: “Nay Thiên Triều đã lạc mất thiên Vi Chính trong sách Luận ngữ, nhờ người thuộc thiên kinh vạn mã chép lại giúp”. Vua Minh hẹn trong 30 ngày phải hoàn tất, nhưng với điều kiện sứ thần phải ở lại đây không được ra ngoài dinh thự. Vua Minh còn cho người theo dõi suốt ngày đêm xem Nguyễn Sư Mạnh làm bằng cách nào? Nguyễn Sư Mạnh không viết gì cả mà chỉ ngồi đánh cờ, đến ngày thứ 25, vua Minh sợ Nguyễn Sư Mạnh quên mất công việc liền cho nhắc... Đến ngày thứ 29 (trước hạn một ngày), Nguyễn Sư Mạnh đã trao thiên Vi Chính dâng lên vua Minh. Vua Minh bèn lấy sách trong thư viện ra so thì chỉ có thừa một dấu chấm ở chữ “cộng”. Nghe vua Minh nói vậy, Nguyễn Sư Mạnh khẳng khái trả lời: “Nếu thần viết sai thì bản gốc của thượng quốc cũng khắc sai, thần không dám làm khác”. Vua Minh cho tìm bản gốc, thì thấy chữ “cộng” cũng có dấu chấm ấy.

Tài năng của Nguyễn Sư Mạnh đã làm cho vua Minh phải khâm phục và trọng nể, phong cho chức Thượng thư của Trung Quốc, ban cho áo mũ, thẻ bài. Từ đó, người đời gọi ông là “Lưỡng quốc Thượng thư”. Việc Nguyễn Sư Mạnh được phong là “Thượng thư” của Trung Quốc là một sự hiếm thấy, nhất là trong bối cảnh một nước nhỏ quan hệ với một nước lớn lúc bấy giờ.

Do công lao và tài đức của ông, nhà vua đã ban cho ông quốc tính (lấy họ hoàng gia - họ Lê) mỹ tự Lan Hiền, trong sách “Bản quốc đăng khoa lục” (chép là Lan Hinh - Lê Lan Hinh). Ông đã được vua gả cho công chúa. Nguyễn Sư Mạnh đã đem hết tài năng và đức độ phục vụ nhân dân, nhà vua tin cậy đã giao cho ông chức Vinh Lộc Đại Phu, coi việc Viện Hàn Lâm kiêm Đông các Đại học sĩ, nhập thị Kinh Diên, lại là phò mã chỉ huy Cấm vệ, Thượng thư bộ Lễ, tước Sùng Tín Hầu. Tuy là người có nhiều quyền cao chức trọng, nhưng ông sống giản dị, nhà cửa đơn sơ, tài sản không có gì sang trọng... Nghe được tin đó, nhà vua không tin đã bí mật sai thị vệ đóng giả người buôn tơ lụa để thẩm tra dò xét. Thị vệ về tâu với vua rằng cuộc sống của ông đúng là như vậy, trong nhà chỉ có một tấm lụa và một số tài sản bình thường. Sau khi được biết sự thể, nhà vua đã ban thưởng cho ông một lọ vàng. Tuy được ban thưởng, nhưng ông vẫn sống những ngày còn lại như ông muốn, cuộc sống thanh cao nhưng gần gũi với mọi người, để lại trong lòng nhân dân sự tin yêu và kính phục.

Bốn chữ “Lưỡng quốc Thượng thư” đã được khắc tại từ đường họ Nguyễn ở Cổ Đô, là sự ghi nhận công lao, đóng góp của nhà ngoại giao đại tài Nguyễn Sư Mạnh với đất nước. Ông còn là niềm tự hào với mỗi người con xứ Đoài, là tấm gương sáng cho muôn đời noi theo.

Thu Thủy

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)