Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 28/11/2019 09:17
Những lời huấn giáo lưu truyền phép nhà

Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập tộc ước, gia quy do PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn chủ biên xuất bản trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến được nhiều nhà nghiên cứu cũng như độc giả Thủ đô và cả nước đón đọc. Có thể nói nội dung cuốn sách gợi mở nhiều điều về việc giữ gìn nền nếp gia phong trong những gia đình, dòng họ không chỉ của Thăng Long – Hà Nội mà còn với cả lãnh thổ Việt Nam. Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi xin trích giới thiệu văn bản Tộc ước họ Lê thôn Mai Trai, xã Vạn Thắng, huyện Thanh Trì Hà Nội bởi những lời huấn giáo được ghi lại của dòng họ Lê ở đây thực sự lưu truyền phép nhà cho mỗi gia đình Việt.

Theo sách viết, họ Lê thôn Mai Trai là một dòng họ có truyền thống khoa bảng, nhiều đời đỗ đạt, làm quan, tiêu biểu là cụ Tổ đời thứ ba Lê Anh Tuấn. Theo gia phả ghi chép: Lê Anh Tuấn (1671-1736), Tiến sĩ khoa Giáp Tuất niên hiệu Chính Hòa thứ 15 (1694), trải nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình, làm quan đến chức Hộ bộ Thượng thư, kiêm Đông các Đại học sĩ, Nhập thị Kinh diên, Tri Quốc tử giám Thái tử Thái phó, tước Điện quận công, từng đi sứ Trung Hoa, nên được triều đình ân điển, ban cho sứ điền (ruộng đi sứ), về sau lại được Ân Vương Trịnh Doanh ban tặng hàm Thái bảo, thụy Đạt Nghị. Ông sinh được sáu con trai, ba con gái. Các con trai đều được ấm phong và hiển đạt.

Theo bản Lê tộc phả ký, hiện lưu trữ tại Kho Thư tịch của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.2807. Văn bản gồm 170 trang, khổ 28x16cm, chữ viết chân phương, do Lê Trần Hiệu biên tập năm Gia Long thứ 9 (1810) thì nội dung được ghi lại là bài huấn giới có tính gia quy của cụ Tổ đời thứ ba Lê Toàn Thành. Theo gia phả ghi chép: Lê Toàn Thành (1686-1721), tên húy là Quyến, tên tự là Toàn Thành, Toàn Du, sau đổi là Trọng Bảo, hiệu Dĩnh Tú, là con trai thứ của cụ Tổ đời thứ tư (tức em trai của cụ Thái bảo Điện quận công Lê Anh Tuấn), làm quan tới chức Cẩn Sự lang, Tri huyện huyện Bạch Hạc, Thiêm tri Thị nội Thư tả Công phiên, phong tặng chức Lễ bộ Nghi chế ty Viên ngoại lang. Nội dung bài huấn giới là khuyên răn con cháu chú trọng việc học, gần người hiền, xa kẻ ác, chuyên tâm tích đức luyện tài để giữ gìn danh dự và sự nghiệp của tổ tiên.

“Phàm là con trai nhà gia thế thì phải chú trọng nghiệp học, chuyên tâm dốc chí, không bị mê lầm, sai đường lạc lối, giữ vững khí tiết, mong dùng học vấn mà rạng danh ở đời. Vinh hoa tự có thời, sao tự nhiên gặp được. Khi dạy dỗ cháu con thì dồn hết tâm chí không biết mệt mỏi. Đến khi đỗ đạt, làm quan phải biết giữ gìn sản nghiệp, gắng gỏi không quên. Như thế là làm rạng rỡ tổ tông, không trái gia huấn. Vạn nhất có người nếu không thành công danh ở việc học, thì nên cần cù gắng sức việc nông tang, phải sống cần kiệm, khéo sai nô bộc làm hết chức trách. Phàm mỗi khi trong nhà có việc, không để trễ nải, hằng mong kho vựa chứa đầy, mua thêm ruộng ao, đất ở để không hổ với lời răn dạy của tổ tông, nhìn thấy sĩ thứ nhân mà không thẹn. Còn như nghề buôn bán thì không được làm.

Phàm là đồ thờ của trưởng nam nhà thế gia, cha mẹ nên sắm sửa đầy đủ, để lại cho con cháu, không được nói xằng.

Phàm là con cháu nhà thế gia, khi làm ăn trở nên giàu có, sung túc thì phải coi trọng việc tích đức, giữ gìn cơ nghiệp, không nên có lời nói tranh giành với người làng và với phường sất phu. Khi giàu sang không nên kiêu ngạo khinh người, khi có việc thỉnh mời cũng phải chú trọng lời ăn tiếng nói. Nhà mà tích thiện thì dư dả phúc lành, không được sao nhãng điều này. Thận trọng chớ trục lợi nhất thời, hãy lấy việc lâu dài làm trọng. Đừng an phận với thành tựu nhỏ, hãy để chí được dùng vào việc lớn. Nếu [dốc chí vào việc] học thì thứ nhân cũng trở thành công khanh, đó chẳng phải lời nói suông.

Phàm là nhà gia thế, từ cụ Thủy tổ đến nay, đều năng tích đức hành nhân, không tính toán với người đời. Con cháu phải nên noi theo tấm lòng của tổ tông, gần người hiền, xa kẻ gian, học điều lành, răn điều ác, chỉ nên chuyên tâm tích đức, hiếu thảo với cha mẹ Tổ tiên, ngõ hẫu không trái gia huấn.

Phàm là con cháu nhà gia thế, tuy quý thịnh, nhưng ở nơi làng xóm nên làm ơn, chớ chuốc oán. Người ta nếu làm điều ác thì người khác cũng lấy ác mà báo, hà tất phải có ý tranh giành. Thi hành chính sự, tiếp xúc với dân chẳng qua cũng vậy.

Phàm là con cháu nhà gia thế, khi cư xử với anh em phải nên anh hòa em kính, yêu thương, gần gũi với nhau. Có mừng thì cùng vui, có nạn thì cứu giúp. Khi xử sự cốt phải công bằng, khi giận dữ phải biết nhẫn nhịn, không được tranh cãi quá đà, làm ảnh hưởng đến cha mẹ, tổ tông. Công việc trong nhà thì do người trưởng đảm nhận, các con cứ thế tuân theo, không được vượt phận. Việc tế lễ, giỗ chạp thì anh em, con cháu cùng nhau đem trầu cau kính lễ. Người nào thiếu thốn thì phải trình báo, nếu không sẽ mất quyền lợi.

Các phần ruộng ao, đất ở, ngoài phần giao cho trưởng nam chi dùng cúng giỗ các tiết và sắm áo mã tháng Bảy, không được thu tiền của anh em để mua sắm, như thế là trái với gia huấn. Nhìn thấy nữ sắc thì không được sinh lòng dâm tà, dâm tà thì loạn nhà hại sức; rượu không được uống thả cửa, thả cửa thì loạn tâm tính mà bại hoại thân thể; cờ bạc chớ ham vui, ham vui thì tan cửa nát nhà.

Nhà ta từ cụ Thủy tổ đến nay, chưa có người nào phạm phải điều này. Có chăng chỉ là con em của bọn nô tỳ nhà ta, chúng không phải con cháu chính thống nhà ta, nên không đáng để bàn”.

            Với những gì mà giám sinh Lê Thành Toàn huấn giáo lại cho con cháu đời sau cách nay gần 300 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị bởi việc học, sống có đạo đức, biết sẻ chia… đó là căn cốt của một con người. 

Thùy Trang

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)