Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai trong những trang tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội
Hoàng Như Mai, quê ở thôn Nội Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội hiện nay, nhưng sinh tại Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Thuở nhỏ học tiểu học ở Bắc Giang, rồi học Trường Bưởi (Trường trung học Bảo hộ) ở Hà Nội. Ông đỗ Tú tài triết học (1939), từng học Trường cao đẳng Y khoa Đông Dương, Trường Đại học Luật khoa. Sau đó ông vừa dạy học vừa viết sách viết báo. Ông tham gia Cách mạng tháng Tám 1945 ở Hà Nội. Trong hai năm 1946 - 1947, ông hoạt động trong lĩnh vực sân khấu, viết kịch, diễn kịch trong Đoàn kịch Độc lập. Từ 1948, ông hoạt động trong ngành giáo dục, lần lượt làm Hiệu trưởng Trường tư thục Phan Thanh (Thái Bình, 1948), giáo viên rồi Hiệu trưởng Trường Sư phạm Việt Bắc (1951), Hiệu trưởng Trường Sư phạm trung cấp trung ương (1953). Năm 1958, ông chuyển về Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1980, ông vào công tác tại Trường đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Hoàng Như Mai được phong chức danh Giáo sư (1984) và danh hiệu Nhà giáo nhân dân (1990). Tác phẩm tiêu biểu gồm: Tiếng trống Hà Hồi (kịch, 1948), Dòng sông biên giới (kịch, 1957), Vẽ chân dung cụ Đồ Chiểu (kịch, 1982), Văn học Việt Nam 1945 - 1960 (Khảo cứu, 1961), Bản sắc dân tộc trong thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh (khảo cứu, 1987), Trí thức và nghệ sĩ (1989), Chân dung và tác phẩm (1999)…
Là một người con của Hà Nội, có nhiều năm cống hiến trong sự nghiệp giáo dục – đào tạo của Thủ đô, nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai không chỉ làm rạng danh quê hương mà còn là người thầy được học trò Hà Nội cũng như Thành phố Hồ Chí Minh yêu mến, kính trọng.
Linh Ánh