Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 04/12/2019 02:15
Chính sách phát triển văn hóa giáo dục của vua Trần Thái Tông – những khai mở cho sự phát triển giáo dục Nho giáo thời Trần

Sau khi thiết lập vương triều Trần, cùng với các chính sách ổn định xã hội, xây dựng bộ máy chính quyền, phát triển kinh tế, vua Trần Thái Tông đã quan tâm đến mở mang văn hóa, phát triển giáo dục nhằm xây dựng một vương triều vững mạnh toàn diện. Cùng tìm hiểu đôi nét về vấn đề này trong cuốn sách Vương triều Trần (1226-1400) do PGS.TS Vũ Văn Quân chủ biên – công trình thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.

 Ngay từ khi  thành  lập vương triều, vua Trần Thái Tông đã chú ý đến việc mở mang văn hóa cho đất nước. Bản thân ông không chỉ là một nhà quân sự tài ba mà còn là một nhà văn hóa xuất sắc của dân tộc. Vua Trần Thái Tông chú trọng việc truyền giảng các nguyên lý của đạo Phật.  Tuy nhiên, ông ng không chỉ là một tín đồ Phật pháp mà còn là người khai mở các vấn đề trong hệ tư tưởng Nho giáo. Trong bài Tựa kinh Kim cương tam muội, ông viết: “ Trẫm  lượng đức chủ trì ngôi báu, rồi trước sau chăn dắt muôn dân. Từng lo vất vả, chẳng ngại sớm hôm. Tuy một ngày trăm việc cũng trộm lúc rảnh rang. Chăm việc tiếc giờ học, học càng tăng tiến. Một chữ “đinh” lo chưa  biết đến, đêm canh hai còn gắng tìm xem. Đã duyệt phần điển Khổng Khâu, lại xét sách kinh đạo Thích. Kinh này vừa gặp, trăm cảm đã sinh...” (Tuyển tập thơ văn Lý – Trần, tập II, Nhà xuất bản Hà Nội, 2010, trang 34). Qua đây có thể thấy dù Phật giáo thời kỳ này được coi là quốc giáo nhưng  bản thân người đứng đầu triều đình đã nhận thấy những giá trị tư tưởng cốt lõi trong đạo Khổng Khâu (Nho giáo) đối với việc trị nước, do vậy ông đã tự đọc và nghiên cứu đạo Khổng để tự mở mang cho mình. Đó cũng chính là hướng mở  trong hệ tư tưởng của thời Trần thời kỳ này. Không chỉ đọc sách và nghiên cứu Phật pháp và đạo Khổng ,vua Trần Thái Tông còn sáng tác nhiều tác phẩm văn thơ, tuy nhiên đến nay trong di sản văn hóa của vua Trần Thái Tông chỉ còn lại tác phẩm Khóa hư lục và một số bài văn thơ, bài tựa.

Cùng với việc chủ trương mở rộng phát triển văn hóa vua Trần Thái Tông còn ban hành nhiều chính sách phát triển giáo dục. Sau khi lên ngôi được 6 năm, đến năm 1232, vua Trần Thái Tông cho tổ chức nhiều khoa thi với nhiều hình thức như: Thái học sinh, thi Lại viên, thi Tam giáo. Dưới thời vua Trần Thái Tông mặc dù Phật giáo được coi là hệ tư tưởng chính thống ảnh hưởng lên nhiều mặt của xã hội, và bản thân vua Trần Thái Tông là người tôn sùng đạo Phật và là người sáng  lập ra phái Thiền Trúc Lâm, song Nho giáo đã bắt đầu được chú trọng và phát triển. Chính ông đã thừa nhận: đặt mực thước cho hậu thế và khuôn mẫu cho tương lai là phải nhờ vào đạo của Tiên Thánh (đao Khổng). Vì vậy dưới thời ông trị vì học đạo Nho và các kỳ thi Nho học được chú trọng tổ chức. Khoa thi Thái học sinh được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1232. Nếu như dưới thời Lý khoa cử Nho giáo là các kỳ thi Minh kinh bác học và Nho học tam trường thì kỳ thi Thái học sinh dưới thời Trần Thái Tông những người đỗ đạt đạt cao được định ra ba thứ bậc là: Đệ nhất giáp, Đệ nhị giáp, Đệ tam giáp. Năm 1236 kỳ thi này đã chọn những nho sinh đỗ đạt cao để vào hầu vua. Từ năm 1246 vua Trần Thái Tông định lệ cứ 7 năm tổ chức kỳ thi một lần. Kỳ thi thứ hai được tổ chức năm 1239, kỳ thi thứ ba diễn ra vào năm 1247, trong kỳ thi này có 48 người đỗ, sử thần Lê Văn Hưu đỗ bảng nhãn trong kỳ thi này. Cũng từ kỳ thi này bắt đầu lấy Tam khôi thay cho Tam giáp trong hai kỳ thi trướ, đó là: Trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa.

Dưới thời vua Trần Thái Tông, triều đình còn tổ chức một khoa thi Lại viên vào năm 1228 và hai khoa thi Tam giáo vào các năm 1227 và 1247. “Mậu Tý, năm thứ 4 (1228) tháng 2, thi Lại viên bằng thể thức công văn (bạ đầu cách). Người nào trúng tuyển được sung chức làm thuộc lại ở các sảnh viện” (Đại Việt sử ký toàn thư, tập II.Nhà xuất bản Khoa học xã hội, trang 11). Đến năm “Đinh Hợi, năm thứ 3 (1227) thi Tam giáo tử (nghĩa là những người nối nghiệp các nhà Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo)’ và “mùa thu tháng 8 (1247) thi các khoa thông tam giáo”. Đây cũng là  hai khoa thi Tam giáo duy nhất dưới thời vua Trần Thái Tông. Dù Tôn sùng đạo Phật, nhưng khi tuyển chọn quan lại triều đình lựa chọn những người tinh thông cả Đạo giáo và Nho giáo. “Đời Lý Trần đều chuộng Phật giáo, Đạo giáo cho nên buổi ấy chọn người muốn được thông cả hai giáo ấy, dù là chính đạo hay dị đạo đều tôn chuộng không phân biệt, mà học trò đi thi khoa ấy (khoa thi Tam giáo) nếu không học rộng biết nhều thì cũng không đỗ được (Lịch chiều hiến chương loại chí,Tập II, Nhà xuất bản khoa học xã hội, trang 152).

Cùng với việc đặt những nền tảng đầu tiên cho giáo dục  và thi cử Nho  giáo, vua Trần Thái Tông còn quan tâm đến trường học của Nho sinh. Chính vì vậy, năm 1243 nhà vua yêu cầu sửa sang lại Quốc Tử Giám, đến năm 1253 thì nội dung học tập ở Quốc học viện được vua cho phép giảng tứ thư lục kinh.

Có thể nói, vua Trần Thái Tông là một tín đồ của Phật giáo nhưng không  phải là một vị vua bảo thủ, rập khuôn, giáo điều. Bản thân ông đứng trước những yêu cầu của việc quản lý và cai trị quốc gia ông đã nhận thấy những hạn chế của Phật giáo trong việc thực thi các tư tưởng cai trị của chế độ quân chủ tập quyền trung ương, đồng thời thấy được vai trò và ý nghĩa của những  giá trị cốt lõi trong tư tưởng của Nho giáo đối sự tồn tại và phát triển của mô hình nhà nước thời Trần. Do đó, ông đã đồng thời thúc đẩy mở mang văn hóa Phật giáo nhưng đã cởi mở và hướng đến một nền giáo dục Nho giáo. Đây chính là tầm nhìn của vị vua khai mở vương triều và là định hướng cho sự phát triển của văn hóa giáo dục nhà Trần ở các giai đoạn tiếp theo.

Anh Tuấn

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)