Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 04/12/2019 02:15
Chính sách xây dựng và giáo dục nền quốc phòng nhân dân thời nhà Trần

 Nhìn vào lịch sử quân sự – quốc phòng của dân tộc ta thấy ở mọi triều đại đều có những tài năng quân sự và nhân tài quân sự. Đặc biệt, trong thời nhà Trần (1226-1400) có những vị vua anh hùng như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông; có những tướng lĩnh anh hùng như Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản. Bên cạnh đó là những anh hùng xuất thân từ tầng lớp nhân dân như bà hàng nước thôn Chuế Cầu, Trưởng trại Quy Hóa Nguyễn Thế Lộc, các cụ bô lão trong Hội nghị Diên Hồng... Để có được những tấm gương anh hùng đó, và phát huy được sức mạnh đại đoàn kêt của toàn dân tộc, nhà Trần đã thực thi những chính sách, đường lối quân sự quốc phòng hết sức đúng đắn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đó chính là thắng lợi của chính sách xây dựng, giáo dục nền quốc phòng nhân dân thời Trần. Cùng tìm đến với vấn đề này trên cơ sở khái lược các nội dung của cuốn sách Vương triều Trần (1226-1400) do PGS.TS Vũ Văn Quân chủ biên.

 Ngay từ khi mới thành lập, để chấm dứt được tình trạng hỗn loạn cuối triều Lý, khôi phục và củng cố chính quyền Trung ương, lập lại trật tự chính trị - xã hội vua Trần Thái Tông đã thực hiện nhiều chính sách quân sự quốc phòng. Khi mới lên ngôi, tình hình chính trị xã hội tương đối phức tạp. Ba thế lực cát cứ lớn là Đoàn Thượng ở Hồng Châu (Hải Dương), Nguyễn Nộn ở Bắc Giang và mạnh nhất là tập đoàn quân sự cát cứ ở vùng Hải ấp (Thái Bình) đang ở thời kỳ binh hùng sức mạnh. Biết khó có thể trấn áp ngay bằng quân sự, vua Trần Thái Tông đã thực hiện chính sách mềm dẻo, vừa dụ dỗ vừa mua chuộc bằng cách ban tước cho Nguyễn Nộn làm Hoài Đạo vương,chia cho các huyện ĐôngNgàn ở Bắc Giang, đồng thời phong tước cho Đoàn thượng. Triều đình cũng khéo léo xoay vần để hai thế lực này thanh toán lẫn nhau.Và khi thế lực của Nguyễn Nộn mạnh lên thì nhà vua gả công chúa Ngoạn Thiềm cho Nguyễn Nộn nhằm mục đích dò la tin  tức.Chẳng bao lâu sau Nguyễn Nộn chết, giang sơn nhà Trần chính thức quy về một mối. Từ đây bắt đầu những năm tháng ổn định, xây dựng và phát triển vương triều Trần hùng mạnh.

Tiếp đó, nửa cuối thế kỷ XIII, triều Trần đã lãnh đạo quân và dân Đại Việt lập nên chiến công hiển hách trong ba lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược (1258, 1285, 1288). Một trong những nguyên nhân làm nên những thắng lợi vĩ đại ấy đó chính là chính sách coi trọng việc giáo dục quân sự quốc phòng của triều đình. Khi thực hiện chính sách khai hoang lập điền trang hay phân chia thái ấp cho các vương hầu quý tộc thì triều đình đã khuyến khích hoàng thân quốc thích chiêu tập dân xiêu tán để  tập trung sản xuất đồng thời giáo dục và rèn luyện quân binh, phòng khi có giặc ngoại xâm thì sẽ huy động đoàn kết trong một khối thống nhất. Qua hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất và lần thứ hai đã chứng tỏ hiệu quả của đường hướng quân sự này của nhà Trần. Lực lượng quân binh từ các điền trang thái ấp đã đóng góp đông đảo cùng với quân đội quốc gia làm nên những chiến thắng vang dội. Không những thế, thời Trần còn là thời kỳ phát triển đỉnh cao của chính sách “ngụ binh ư nông”. Chính sách này chính là việc liên kết hài hoà giữa  quân sự và nông nghiệp, giữa kinh tế và quân sự, để có thể chuyển hóa nhanh từ thời bình và sang thời chiến khi cần. Nhờ chính sách này, triều đình có được lực lượng quân đội hùng mạnh, đông đảo trong khi sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì. Trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông nhà Trần đã huy động được 20 vạn quân binh từ trong dân tham gia chống giặc. Chính sách này cũng phản ánh tư duy “nông binh bất phân” (không phân biệt quân đội và nông dân), đâu có dân là đó có quân, phù hợp với điều kiện xây dựng nền quốc phòng của một nước đất không rộng, người không đông, cần phải huy động tiềm lực cả nước vừa sản xuất, vừa đánh giặc. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn là người đi đầu trong thực hiện chính sách quân sự quốc phòng này của nhà Trần. Ông cũng là người tiêu biểu nhất trong quan điểm cho rằng nhân dân là cơ sở để giành thắng lợi trong sự nghiệp bảo vệ đất nước: “Chúng chí thành thành”. Cho nên, ông chủ trương “khoan thư sức dân để làm gốc rễ lâu bền”, phải tranh thủ sự đồng lòng, đoàn kết toàn dân, để cả nước “nhân dân ai cũng là binh”, nhằm mục đích “phá được giặc dữ, làm cho thế nước được mạnh”.

Đồng thời với những chính sách này, triều Trần đã hết sức chú trọng việc giáo dục, bồi dưỡng, khơi dậy và phát huy tinh thần cảnh giác đề phòng giặc ngoại xâm, ý thức giữ nước trong tướng sĩ và mọi tầng lớp nhân dân. Nội dung giáo dục này được thể hiện đầy đủ và sinh động trong bài “Hịch tướng sĩ” nổi tiếng của Trần Quốc Tuấn.  “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn trước hết nhằm xây dựng những tư tưởng đúng đắn, những phẩm chất cao đẹp làm nền tảng cho một tinh thần quyết tâm vì nước, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng giặc ngoại xâm trong hàng ngũ tướng lĩnh, binh sĩ và nhân dân. Ông xác định lập trường địch, ta một cách dứt khoát: “ Giặc với ta là kẻ thù không đội trời chung...”. Xuất phát từ lập trường đó, ông kịch liệt phê phán những kẻ: “Nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn”. Ông truyền ngọn lửa yêu nước và  căm thù giặc cho toàn dân: “Ta thường đến bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xả thịt, lột da, nuốt gan, uống máu quân thù”. Trước nỗi đau mất nước, ông kêu gọi binh sĩ và nhân dân sự đề cao sự  trung nghĩa và nâng cao ý thức về sự mất còn của dân tộc. Vì vậy nên khi quân Nguyên Mông lăm le xâm lược nước ta, ý chí này đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân Đại Việt ủng hộ, nhất tề xăm lên cánh tay hai chữ “Sát Thát” nhằm  biểu lộ quyết tâm diệt giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.

Có thể nói, để xây dựng được một vương triều vững mạnh và thịnh trị, bên cạnh những chính sách đường lối quân sự nhằm xây dựng nền quốc phòng quốc gia vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, nhà Trần đã xây dựng nên một hệ tư tưởng về một nền quân sự quốc phòng nhân dân phát triển mạnh mẽ nhất trong các triều đại lịch sử phong kiến Việt Nam. Chính nhờ những đường lối chính sách quốc phòng nhân dân mà nhà Trần đã xây dựng được một nền quốc phòng toàn dân vững chắc. Những bài học kinh nghiệm về xây dựng nền quốc phòng nhân dân dưới thời nhà Trần vẫn còn nguyên giá trị cho ngày nay. 

Mạnh Tiến

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)