Hệ thống hồ nước – nét đặc trưng của đô thị Hà Nội
Hồ là một vùng nước được bao quanh bởi đất liền. Nguồn gốc của hồ được hình thành bởi những khúc cong của các đoạn sông còn lại khi dòng sông bị đổi dòng, hoặc được hình thành bởi các vùng đất trũng chứa nước mưa. Nhìn chung, hồ của Hà Nội là dấu tích của các dòng sông cổ đã đổi dòng. Hồ của Hà Nội là một trong những thành phần quan trọng trong cấu trúc không gian cũng như môi trường của thành phố. Hầu hết là hồ tự nhiên, có nguồn gốc từ các nhánh sông Hồng, vì vậy trong quá khứ, các hồ là một thành phần của các nhánh sông nhỏ, kết nối với nhau và chảy ra sông Hồng. Sau này, quá trình đô thị hóa đã dần tách các hồ ra độc lập với nhau, diện tích một số hồ cũng bị thu nhỏ lại để tăng diện tích giao thông và đất ở.
Theo thống kê chưa thật đầy đủ, thành phố Hà Nội có 301 hồ có quy mô và nguồn gốc khác nhau. Trong tổng số 301 hồ đã được thống kê, khu vực nội thành (gồm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân và Tây Hồ) có 56 hồ, ngoại thành có 245 hồ, phân bố trên tất cả các quận, huyện, thị xã. Sóc Sơn là huyện có số lượng hồ nhiều nhất với 28 hồ, ít nhất là quận Hoàn Kiếm chỉ có một hồ. Xếp theo diện tích không gian mặt nước hồ, Ba Vì là đơn vị có diện tích hồ lớn nhất toàn thành phố với 981,28ha. Các đơn vị khác có diện tích mặt nước hồ trên 100ha lần lượt là: Mỹ Đức (782,65ha), Sơn Tây (776,00ha), Tây Hồ (550,26ha), Sóc Sơn (460,93ha), Hoàng Mai (429,57ha), Chương Mỹ (378,94ha), Đông Anh (321,64ha), Thạch Thất (174,29ha) và huyện Mê Linh (148,40ha). Huyện Đan Phượng, quận Hoàn Kiếm, quận Cầu Giấy và huyện Hoài Đức có diện tích hồ thấp nhất, lần lượt là 13,86ha, 10,54ha, 6,36ha và 3,62ha. Nằm ở sát trung tâm của Thủ đô, quận Tây Hồ có 13 hồ, diện tích hồ 550,26ha và là đơn vị có tỷ lệ diện tích mặt nước hồ trên tổng diện tích đất tự nhiên lớn nhất: 22,59%. Riêng Hồ Tây đã có diện tích là 520,63ha, là hồ tự nhiên lớn nhất của thủ đô Hà Nội. Quận Hoàng Mai có 16 hồ với diện tích mặt nước hồ là 429,57ha, là đơn vị có tỷ lệ diện tích mặt nước hồ trên tổng diện tích đất tự nhiên đứng thứ hai với 10,47%. Không phải có số lượng hồ lớn nhất, song 4 huyện thị là Sơn Tây, Mỹ Đức và Ba Vì lại là các đơn vị có tỷ lệ diện tích mặt nước hồ trên tổng diện tích đất tự nhiên lớn, chỉ sau quận Hoàng Mai: Sơn Tây với 6,84%, Mỹ Đức là 3,4% và Ba Vì là 2,29%. Quận Hoàn Kiếm chỉ có một hồ duy nhất là hồ Hoàn Kiếm với diện tích 10,54ha, chiếm 2% tổng diện tích tự nhiên, song có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cảnh quan, môi trường, với đời sống văn hóa của người Thủ đô, là biểu tượng của một Hà Nội bình yên, hòa bình. Nhìn vào sự phân bố của các hồ ở Hà Nội, có thể nhận thấy được lịch sử kiến tạo địa chất của vùng đất “tụ thủy” Hà Nội. Nói đến các giá trị văn hóa của Hà Nội, không thể tách rời địa danh của các hồ, vì đó cũng chính là nơi cội nguồn sinh ra các đặc trưng văn hóa: Hồ Gươm gắn với truyền thuyết vua Lê và các đình đền xung quanh. Hồ Tây, Hồ Thuyền Quang gắn với các làng nghề truyền thống và các đình chùa gần đó. Hồ Giám gắn với trường đại học đầu tiên của Việt Nam – Quốc tử Giám…
Trong thời đại hiện nay, một trong những tiêu chí của đô thị bền vững, đô thị đáng sống chính là chất lượng sống của người dân đô thị. Yếu tố phản ánh chất lượng đó được biểu hiện bằng sự đa dạng và sầm uất của các không gian công cộng. Hầu hết các hồ của Hà Nội hiện nay đang là một thành phần quan trọng của không gian mở công cộng, vì vậy hồ Hà Nội còn mang một giá trị về chất lượng sống của người dân. Với ý nghĩa là không gian mở trong đô thị, hồ Hà Nội đã cho phép giảm mật độ xây dựng, tạo nên các không gian xanh xen kẽ, len lỏi trong các khu vực chức năng, tạo thành các vùng “trũng” có điều kiện vi khí hậu tốt nhất trong đô thị, làm nền, làm “phần âm” cho các công trình kiến trúc vươn cao – phần hình, “phần dương”, góp phần làm cân bằng mối quan hệ hình – nền, hướng tới sự hài hòa, cân đối của đô thị. Bên cạnh các giá trị về văn hóa, các hồ Hà Nội còn có vai trò vô cùng quan trọng trong tạo lập môi trường vi khí hậu cho Hà Nội như tăng độ ẩm làm mát không khí, lọc bụi, giảm tiếng ồn, giảm bức xạ của mặt trời. Ngoài ra, hồ còn giữ chức năng là các hồ điều hòa trong việc chống úng ngập cục bộ, nâng cao mực nước ngầm trong đô thị, giúp phát triển cây xanh, thảm cỏ… bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên còn lại trong đô thị. Nếu nhìn nhận rộng hơn, các hồ Hà Nội chính là một thành phần quan trọng của hạ tầng xanh, không chỉ điều hòa nước, mà còn phần nào kết hợp với hệ thống cây xanh thảm cỏ, lọc đi một phần nào những ô nhiễm của đô thị.
Thiên Bảo