Hệ thống sông hồ - yếu tố góp phần tạo nên vị thế của thủ đô Hà Nội
Vị thế của vùng đất Thăng Long nói chung và thành Thăng Long đã được nhắc đến trong nhiều tư liệu. Trong Chiếu dời đô vua Lý Thái Tổ có viết: “…đô cũ của Cao Vương ở thành Đại La, ở giữa khu vực trời đất, có thế rồng cuộn hổ ngồi, ở giữa Nam - Bắc - Đông - Tây, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ về ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh, xem khắp nước Việt, chỗ ấy là nơi hơn cả. Thực là chỗ hội họp của bốn phương, là nơi thượng đô của kinh sư muôn đời...” (Đại Việt sử ký toàn thư, 2005). Trong mối tương quan với các hệ thống sông, hiện tại ở phía tây của khu vực Thăng Long cổ có nước của sông Thao (tên sông Hồng từ Việt Trì trở lên), sông Đà và sông Lô. Về phía đông có nước của sông Hồng và xa hơn là hệ thống sông Thái Bình, nơi hợp lưu của ba sông Cầu, Thương và Lục Nam, trong đó sông Cầu là dòng chính. Các dòng sông được liên kết tự nhiên với nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao thông. Các tài liệu nghiên cứu cũng cho thấy hệ thống sông Hồng - Thái Bình không phải là bất biến, mà đã thay đổi rất nhiều trong các thời kỳ địa chất cũng như trong lịch sử vài ngàn năm trở lại đây, mà phân tích quá trình đó sẽ làm rõ hơn mối tương quan với thành Thăng Long cổ.
Nằm ven sông, lại ở phần gần đỉnh của tam giác châu, vùng đất Thăng Long - Hà Nội có nhiều lợi thế về địa lý tự nhiên. Đây là vùng đất ít bị ngập lụt, đúng như Chiếu dời đô đã viết. Theo các tư liệu lịch sử, từ khi định đô đến gần 100 năm sau nhà Lý mới phải tiến hành đắp đê Cơ Xá (1108) và hơn 100 năm sau (1121) mới có thông tin về nước to tràn vào bên ngoài cửa thành phía nam. Các tài liệu địa chất, địa mạo cũng đã nói lên điều đó: phía tây Hồ Tây, từ Thụy Phương, Cổ Nhuế cho đến Nghĩa Tân (vốn thuộc ngoại thành) hoàn toàn không tìm thấy bồi tích tuổi trẻ hơn 11 ngàn năm, có nghĩa là nước của hệ thống sông Hồng chưa bao giờ tràn đến nơi đây, kể cả khi còn chưa có đê.
Cũng do phân bố ở gần đỉnh của tam giác châu, nơi tập trung dòng chảy của các sông ngòi từ mọi hướng trong lưu vực đổ về, đã mang đến vùng Thủ đô tài nguyên nước vô cùng phong phú và quý giá, cả nước mặt và nước ngầm, đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu phát triển nông nghiệp, đô thị và cho phát triển dân sinh, kinh tế nói chung. Như một hệ quả tất yếu từ vị trí phân bố, Thăng Long và vùng Thủ đô có một tài nguyên đất màu mỡ của tam giác châu và cùng với điều kiện thuận lợi của khí hậu, địa hình và nguồn nước, với sự phong phú của thế giới sinh vật nhiệt đới, lãnh thổ này đã có được một cảnh quan sinh thái tươi đẹp, là nơi “muôn vật rất thịnh mà phồn vinh” đúng như Chiếu dời đô đã viết. Vị trí địa lý của vùng Thủ đô tất nhiên cũng còn tạo ra một số khó khăn, đòi hỏi con người phải biết cách vượt qua. Với vị trí ranh giới giữa hai vi mảng thạch quyển, Thăng Long và vùng Hà Nội có chế độ động đất vào loại mạnh so với các vùng khác, thuộc cấp 8 (MSK-64), mà có người đã tỏ ý lo ngại cho sự trường tồn của Thăng Long - Hà Nội. Thật ra, vấn đề ở đây là nhận thức của con người và cách tiếp cận trong các quy chuẩn xây dựng đô thị. Còn như vấn đề lụt lội ngày nay của Hà Nội mà nguyên nhân chính là do con người đương đại tạo ra, sẽ phải được chính con người giải quyết một cách cơ bản trong tương lai không quá xa.
Do vị trí trung tâm của mình, Hà Nội ngày nay vẫn là đầu mối giao thông quan trọng nhất của đất nước về đường bộ, đường sắt và đường hàng không, là trung tâm của các hành lang kinh tế quốc gia và quốc tế quan trọng nhất, là trung tâm lớn nhất của cả nước về văn hóa, giáo dục và đào tạo. Vượt lên tất cả, Hà Nội vẫn như Thăng Long xưa, là trung tâm chính trị và là trái tim của cả nước.
Đăng Khôi