Hệ thống đê điều của Hà Nội – dấu ấn lịch sử của quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước của cha ông
Theo các tư liệu lịch sử, hệ thống đê điều ở Hà Nội đã có từ ngàn đời xưa. Trải qua bao thời kỳ, công việc tu bổ hệ thống đê cũ và đắp các đê mới đã tạo nên một hệ thống đê kỳ vĩ và tương đối hoàn chỉnh như hiện tại. Đê ở Việt Nam được nói đến đầu tiên là vào khoảng năm 521 dưới thời Lý Bí. Người được nhắc tới nhiều nhất trong việc xây dựng những con đê đầu tiên vào khoảng giữa thế kỷ thứ IX là Cao Biền – người được coi là đã có công xây thành Đại La. Theo sử sách năm 824, chính quyền đô hộ nhà Đường dời phủ từ Long Biên về huyện Tống Bình gần sông Tô Lịch và đắp một hệ thống thành gọi là La Thành. Năm 886, nhà Đường cho sửa lại đê La Thành gồm 4 mặt, dài 1.982 trượng linh 5 thước (7.930 mét), cao 2 trượng linh 6 thước (10,4 mét). Ít lâu sau, nước sông Tô Lịch và sông Hồng dâng cao và tràn vào phủ trị, nhà Đường lại cho đắp đường đê bao bọc ngoài phủ dài 2.125 trượng (8.500 mét). Thành ngoài này gọi là Đại La Thành. Một trong dấu ấn rõ nhất của tuyến đê này là đường Hoàng Hoa Thám từ khu vực Công viên Bách Thảo đến Cầu Giấy ngày nay.
Sau khi dời đô từ Hoa Lư ra Đại La và đặt tên kinh đô là Thăng Long, mặc dù nhìn nhận Thăng Long là vùng đất cao, ít bị ngập lụt, song vua Lý Công Uẩn vẫn rất coi trọng việc đắp đê ngăn nước vào mùa lũ. Theo Việt sử lược (Trần Quốc Vượng dịch, 1959), năm 1077, nhà Lý cho đắp đê sông Như Nguyệt - sông Cầu dài 67.380 bộ (khoảng 30km). Năm Quý Mùi (1103), triều Lý Nhân Tông năm thứ 32, mùa xuân tháng giêng, vua xuống chiếu cho trong và ngoài kinh thành đều phải đắp đê ngăn nước lụt. Năm 1108, vua Lý Nhân Tông đã cho đắp con đê đầu tiên ngăn nước sông Hồng hung dữ với thành Thăng Long tại phường Cơ Xá (khu vực Nghi Tàm ngày nay) với nhiệm vụ bảo vệ kinh thành Thăng Long khỏi ngập lụt. Cũng trong thời gian này, việc đắp đê trên sông Như Nguyệt (sông Cầu) cũng được tiến hành.
Trong những năm đầu mới xây dựng, đê Cơ Xá không cao như bây giờ, những năm nước lên to, nhiều khu vực trong kinh thành bị ngập úng. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, những năm cuối thế kỷ XIII, nhiều năm nước ngập phường Cơ Xá, việc đi lại trong thành phải dùng thuyền. Từ đó, việc đắp đê càng được coi trọng và không chỉ đắp đê bảo vệ Thăng Long mà nhiều tỉnh khác cũng phải đắp đê để bảo vệ mùa màng, làng xóm.
Vào thời nhà Trần, những năm 1238 - 1243, nước vẫn tràn vào Kinh thành nên năm 1248, vua Trần Thái Tông lập ra quan Hà đê, có chánh sứ và phó sứ phụ trách đê điều tại các lộ, phủ. Nhà Trần đã cho đắp đê từ đầu nguồn tới cuối nguồn gọi là đê quai vạc. Đây là bước ngoặt trong lịch sử thủy lợi Việt Nam. Đê quai vạc không chỉ được đắp tại Đồng bằng sông Hồng mà còn được thực hiện tại Thanh Hóa, Nghệ An. Đến triều Lê Sơ (1428 - 1527), cùng với việc cho đắp những con đê mới lớn hơn, họ cũng cho tôn tạo hệ thống đê cũ hai bờ sông Nhĩ Hà (sông Hồng) bằng đất, đá để bảo vệ Thăng Long. Vua Lê Thánh Tông cũng đặt ra chức quan “Hà đê” để lo đê điều. Trong giai đoạn này, tương ứng với trục đường phố Hàng Than, Hàng Giấy, Hàng Đường và kéo xuống tận phố Bà Triệu rồi sang phố Nguyễn Du hiện nay là con đê bảo vệ thành. Cuối đời Lê, phường Hà Khẩu (nay là Hàng Buồm) nơi triều đình quy định cho Hoa kiều cư trú và những hiệu buôn khách trú, để tránh úng ngập, họ đã tự nguyện tải đá về kè đê để ngăn nước lũ. Khi người Hà Lan mở thương điếm ở Thăng Long, thấy bị lụt lội, các thương nhân đề nghị triều đình đắp thêm con đê mới theo mép sông Nhĩ Hà đến cửa sông Tô Lịch (phường Hà Khẩu) tương ứng với các con phố ngày nay: Mã Mây, Nguyễn Hữu Huân, Ngô Quyền.
Dưới triều nhà Nguyễn, năm Quý Hợi (1803), khi vừa mới lên ngôi vua Gia Long đã rất quan tâm về tình hình lũ lụt ở Bắc Bộ, ông cho xây đắp bảy đoạn đê mới ở Bắc Bộ. Suốt thời gian trị vì, vua Gia Long vẫn kiên trì cho đắp đê. Năm Giáp Tý (1804), vua sai quan lại Bắc thành lấy dân đi sửa - đắp đê, sau lại sai quan trong triều là Võ Trinh đi trông coi. Năm Bính Dần (1806), 12 đoạn đê ở Bắc Bộ được đắp mới. Năm Mậu Thìn (1808), vua Gia Long cho đắp thêm 10 đoạn đê mới tại các nơi như Sơn Nam thượng tại Thanh Trì, Gia Lâm, Văn Giang, tổng cộng 1.500 trượng (1 trượng = 4,0m). Vua Minh Mạng cực kỳ nghiêm khắc, chẳng những duy trì luật lệ thưởng phạt về đê điều từ triều Gia Long để lại mà còn bổ sung chặt chẽ và thực hiện gắt gao hơn. Vua cho rằng: “Việc đê quan hệ tới việc làm ruộng không nhỏ. Công việc sửa đắp, triều đình vốn không tiếc phí, làm không đúng cách thức là lỗi Hữu Ty”. Vua Minh Mạng còn dụ thêm rằng: “Đắp đê là chống nước lụt cho dân yên ở, quan hệ lợi hại không nhỏ”. Dưới triều Minh Mạng từ năm 1820 - 1840, hầu như năm nào cũng có các công cuộc trị thủy ở Bắc Kỳ.
Có thể nói, từ trong lịch sử, công tác đắp đê ngăn lũ đã được các triều đình phong kiến quan tâm chú trọng. Đây chính là một trong những yếu tố được coi là nòng cốt trong chính sách phát triển nông nghiệp mà các vị vua vẫn thường thực hiện ngay khi lên nắm quyền lực. Những hệ thống đê điều này vẫn còn dấu ấn đậm nét trong Hà Nội ngày nay. Nó trở thành những chứng tích lịch sử có giá trị văn hóa trong dòng chảy của văn hiến Thăng Long.
Minh Tuệ